(SGTT) – Mắc hội chứng Treacher Collins bẩm sinh, chị Phan Thị Huyền, lớn lên ở huyện miền núi Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ngày qua ngày vẫn nuôi lớn trong mình niềm đam mê ẩm thực. Chị tâm sự mình luôn mơ về một ngày mở tiệm bánh, nơi đó người khuyết tật sẽ được lao động và kiếm tiền bằng đam mê.
- Chàng trai khuyết tật sống trọn vẹn mỗi ngày để thực hiện ước mơ
- Hòa nhạc cuối tuần gây quỹ cho các nghệ sĩ khuyết tật
- Ấm áp Ngày hội trăng rằm tại Trung tâm giáo dục trẻ em khuyết tật quận 4
Yêu ẩm thực từ món nhà làm
Trải qua nhiều công việc khác nhau khi bước ra đời từ sớm, chị Phan Thị Huyền, 34 tuổi luôn ước mơ có một công việc ổn định để tự chủ cuộc đời. Chị nhớ lại những ngày bỡ ngỡ đi xin việc, vừa đặt chân đến công ty, cầm trên tay hồ sơ nhưng chỉ nhận lại là những cái lắc đầu, xua tay từ chối.
Chị cho biết mình mắc hội chứng Treacher Collins bẩm sinh từ nhỏ khiến phần xương ở mặt có sự biến dạng, chị cũng bị ảnh hưởng sức khỏe từ hội chứng này như khiếm thính khoảng 50% và cơ thể thường xuyên đau ốm. Dù vậy, chị luôn quan niệm mình là một người lao động bình thường và luôn tìm tòi học hỏi mỗi ngày để tự nuôi sống bản thân.
Trước khi vào TPHCM khoảng hai năm, chị Huyền có thời gian dài học tập và làm việc ở Hà Nội, vì thiếu tự tin thuở 18 tuổi, sau khi đậu trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, chị đã dang dở việc học và gia nhập vào thị trường lao động từ đó. "Tôi còn nhớ mãi những tháng ngày sống trong sự kỳ thị của người xung quanh và không ít lần gieo vào đầu suy nghĩ tăm tối. Cho đến khi tôi tìm được những người cùng hoàn cảnh để tâm sự và tìm được niềm đam mê với ẩm thực thì thấy cuộc sống thật nhiều điều vui tươi”, chị tiết lộ.
Chị cho hay mình từng có thời gian đăng ký, tìm học nhiều kỹ năng khác nhau để kiếm công việc nhẹ nhàng chân tay cho người khuyết tật như học thêm phần mềm đồ họa. Dù vậy, vì đặc thù công việc phải ngồi trước máy tính thường xuyên, phần mắt vốn ảnh hưởng bẩm sinh nên chị không thể tiếp tục công việc này. Sau thời gian hơn chục năm làm đủ nghề như công nhân, làm thuê chân tay đã khiến chị Huyền khao khát tìm một đích đến làm chủ đời mình.
“Sau thời gian đi làm thuê, tôi nhận thấy mình không còn sức khỏe và đủ trẻ để làm công việc lao động phổ thông như ở tuổi đôi mươi. Tôi bắt đầu phát huy thế mạnh và tình yêu của mình với ẩm thực từ hộp mứt gừng, sản phẩm chà bông nhà làm và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng”, chị chia sẻ.
Cho đến tháng 6 năm ngoái, chị tình cờ tham gia lớp học làm bánh Á – Âu diễn ra ở quận Bình Tân, tại đây, giấc mơ về một tiệm bánh ngọt bắt đầu.
Mơ về tiệm bánh của người khuyết tật
Trong vòng ba tháng ngắn ngủi học làm bánh ở trung tâm và tiệm bên ngoài, chị Phan Thị Huyền bộc bạch mình đã tìm được công việc khiến chị có thể vui vẻ làm từ sáng đến tối không biết mệt. Tại đây, chị được học về cách làm các loại bánh căn bản, và để nâng cao tay nghề, chị học thêm cách làm bánh kem, đa dạng loại bánh quy dưới sự hướng dẫn của người thầy ngoài Hà Nội.
Chị cho biết mình vốn là người thích nấu ăn, nhưng vì sức khỏe hạn chế, phần tay yếu không thể làm bếp chính nên bánh là lựa chọn phù hợp với mình nhất. “Nếu làm món mặn thì khó dự trữ thời gian lâu và không phù hợp với tình trạng cơ thể của mình vì tôi luôn làm chậm hơn người khác một chút. Trong khi đó, làm bánh hoàn toàn phù hợp với đam mê cũng như khả năng sức khỏe của mình. Tôi có thể làm cho hai con nhỏ của mình ăn những món đồ ngọt dinh dưỡng, tôi sẽ kiếm tiền từ đó và giúp khách hàng trải nghiệm những sản phẩm chất lượng chuẩn bánh nhà làm”, chị tâm sự.
Hiện tại, chị Huyền chuyên môn làm các loại bánh kem, bánh quy, bánh su, món thạch nghệ thuật. Đặc biệt, với những dòng bánh bắt theo xu hướng của thị trường, chị cũng cập nhật mỗi ngày và có công thức riêng để làm theo.
“Mỗi khi được đứng bếp làm bánh, tôi quên đi những suy nghĩ tiêu cực và hoàn toàn chìm vào những thứ đang bày ra trước mặt. Tôi nghĩ ẩm thực đã rèn luyện cho tôi tính kiên trì, nhẫn nại, làm vệc không biết mệt”, chị nói.
Theo chị Huyền, để làm ra một chiếc bánh ngon, người làm bánh phải có kiến thức, hiểu bản chất của loại bánh đó chứ không đơn thuần chỉ làm theo hướng dẫn là xong. Trên thực tế chỉ cùng một công thức nhưng mỗi người đều cho ra một thành phẩm khác nhau. Người thợ phải chuẩn bị tốt từ khâu nguyên liệu không cân thiếu cũng như thừa, các bước làm đạt chuẩn tỷ lệ cho phép, đặc biệt trong quá trình làm luôn đặt cảm xúc vào từng món bánh.
Chị tâm niệm mình luôn tập trung và dồn hết mọi năng lượng tích cực trong quá trình làm để cho ra lò chiếc bánh hoàn hảo, đảm bảo yếu tố kỹ thuật và trang trí chỉn chu, giúp bánh không chỉ ngon mà còn đẹp, bánh đạt yêu cầu khách hàng.
“Điểm khác biệt trong các sản phẩm của tôi có lẽ là ở khâu tự làm hoàn toàn, thay vì mua nguyên liệu có sẵn để tối giản công đoạn như nhân được sên sẵn. Điều này giúp tôi điều chỉnh được độ tự nhiên của bánh và đảm bảo không sử dụng chất bảo quản, màu thực phẩm. Khách dùng bánh sẽ thấy hương vị bánh từ nguyên liệu có thật chứ không phải từ hương liệu có sẵn chỉ thêm vào”, chị nói thêm.
Được biết, chị Huyền đang ấp ủ mở tiệm bánh riêng sau khi tìm đủ vốn và nguồn lực ở thành phố, hiện tại chị kinh doanh các sản phẩm món ăn vặt trước tại nhà, bên cạnh đó, chị cũng tìm kiếm nguồn khách từ việc bán hàng trên mạng.
Khi tiệm bánh phát triển, chị mong muốn sẽ trao thêm cơ hội cho những người khuyết tật cùng hoàn cảnh để họ làm việc kiếm tiền, tận hưởng niềm vui, giúp ích cho xã hội bằng lao động chân chính của mình.
An Phú