Thứ sáu, Tháng mười hai 6, 2024

Người nghèo – khách hàng đầy tiềm năng!

Trung Chánh

Nhóm người có thu nhập thấp hay còn gọi là nhóm “đáy kim tự tháp” (chiếm số đông) được đánh giá là phân khúc khách hàng đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp, nếu biết khai thác tốt, theo các chuyên gia.

Ông Curtis W. Peterson, Giám đốc sáng kiến chiến lược thuộc chương trình giáo dục toàn cầu Pears Program thuộc trường Đại học Tel Aviv, cho biết thế giới hiện có khoảng 4,9 tỉ người có thu nhập dưới 3.000 đô la Mỹ/người/năm, chiếm hơn 50% dân số toàn cầu và được gọi là nhóm “đáy kim tự tháp”. Thế nhưng sức mua của phân khúc khách hàng này chiếm đến khoảng 50.000 tỉ đô la Mỹ/năm.

Ông Peterson nêu thông tin trên tại hội thảo “Cơ hội kinh doanh trong nông nghiệp, nhóm “đáy kim tự tháp” từ quan điểm xã hội và kinh doanh”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Phòng Kinh tế thương mại Đại sứ quán Israel tại Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 3-3 vừa qua. Theo ông Peterson, dù chưa có con số thống kê chính thức về số lượng dân cư thuộc nhóm “đáy kim tự tháp” ở Việt Nam, nhưng ông tin chắc sức mua của nhóm này cũng sẽ rất lớn.

Để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, phân khúc được đánh giá còn nhiều tiềm năng, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần quản lý chi phí đầu vào để có giá thành phù hợp.       Ảnh: Trung Chánh
Để đáp ứng nhu cầu của người thu nhập thấp, phân khúc được đánh giá còn nhiều tiềm năng, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cần quản lý chi phí đầu vào để có giá thành phù hợp. Ảnh: Trung Chánh

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết khu vực ĐBSCL tuy chỉ chiếm khoảng 19% dân số, và kinh tế của vùng có giai đoạn phát triển chậm hơn so với cả nước, nhưng sức mua lại rất mạnh, được thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa. “Tôi mới có được số liệu của Cần Thơ, theo đó tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2014 của địa phương đạt 72.000 tỉ đồng, đứng thứ ba sau TPHCM và Hà Nội, vượt qua Đà Nẵng và Hải Phòng. Sức mua mạnh cho thấy mức sống ở đây và khả năng gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Dũng nhận định.

Theo ông Dũng, tiềm năng của ĐBSCL dựa trên trục chính là nông nghiệp với những ngành về lúa gạo, thủy sản, trái cây. “Một khu vực nông nghiệp có lợi thế như vậy sẽ là nền tảng rất tốt cho công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng muốn biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, đáp ứng đúng những đòi hỏi của phân khúc thị trường thuộc nhóm “đáy kim tự tháp”, thì những kinh nghiệm của nước ngoài, đặc biệt là những nước đi trước trong đó có Israel có thể sẽ là lựa chọn tốt.

“Về tiềm năng của doanh nghiệp, ĐBSCL là khu vực năng động với nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng rất tiếc là họ thiếu tiếp cận các ý tưởng, sáng kiến mới và sự hỗ trợ nguồn lực về tài chính nên chưa tạo ra đột phá để khai thác tốt phân khúc thị trường này (nhóm “đáy kim tự tháp)”, ông Dũng nói. Theo ông, chỉ cần có những “cú hích” ban đầu là doanh nghiệp có thể biến tiềm năng thành lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ kinh nghiệm về cách thức triển khai thực hiện, ông Peterson cho rằng một khi đã xác định phục vụ phân khúc thị trường thuộc nhóm “đáy kim tự tháp”, tức thu nhập của người dân ở phân khúc này có giới hạn, thì phải chú ý chia nhỏ chi phí, chia nhỏ nguồn tiền đầu vào.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Peterson, doanh nghiệp phải chú ý đến chuỗi giá trị, tức quản lý chi phí bỏ ra để đầu tư vào hạt giống như thế nào, phân bón, thuốc trừ sâu ra sao để tạo ra sản phẩm có giá thấp nhất với chất lượng tốt nhất. “Đây là nhóm thị trường thu nhập thấp nên khi nói đến công nghệ, máy móc hiện đại, thì nên có giới hạn về chi phí để họ có thể tiếp cận được”, ông gợi ý.

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về vấn đề doanh nghiệp chuyên sản xuất cá tra phải làm gì để đáp ứng được phân khúc thị trường này, ông Peterson cho rằng doanh nghiệp phải xác định và quản lý thật chặt chi phí đầu vào, xem chi phí vận hành sản xuất hiện nay ra sao. Doanh nghiệp phải xác định cụ thể cái khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải là gì, chi phí đầu vào quá cao hay do chi phí sản xuất, đầu ra quá cao? Từ đó mới có được những tính toán cụ thể hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối