(SGTT) – Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố. Đáng nói hơn, trong năm 2023, gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với chi phí 600 tỉ đồng. Đây là nội dung được ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, thông tin tại buổi toạ đàm “Phòng chống bệnh dại năm 2024” do Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam tổ chức vào sáng ngày 20-4 tại Long An.
Chủ quan ‘chó mèo nhà’
Theo ông Minh, thống kê của Văn phòng Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người cho thấy năm 2023, cả nước ghi nhận 82 người tử vong vì bệnh dại, tăng 12 ca so với năm 2022. Trong năm 2023, gần 500.000 người phải tiêm vaccine phòng dại với chi phí khoảng 600 tỉ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 29 ca tử vong do mắc bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố. Con số này tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm 2023.
Dù bệnh này được các cơ quan chức năng cảnh báo thường xuyên nhưng đại diện Cục Thú y cho biết thời gian qua, số ca bệnh dại có chiều hướng gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Nguyên nhân các ca tử vong vì bệnh dại là do chó, mèo của gia đình hoặc hàng xóm cắn. Đặc biệt, chính tâm lý chủ quan cho rằng chó, mèo nhà nuôi nên không sợ mắc bệnh dại; hoặc thời điểm cắn động vật bình thường nên không tiêm vaccine phòng dại sau khi bị cắn, dẫn đến một số trường hợp tử vong đáng tiếc.
Tại Long An, từ đầu năm đến nay, tỉnh này đã tiêm phòng hơn 79.000 liều vaccine phòng dại cho chó mèo, đạt 75% tổng đàn. Tuy nhiên, “bệnh dại trên người và động vật trên địa bàn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nguyên nhân là do công tác thống kê đàn chưa đúng với thực tế, đàn tiêm bị sót và tiêm không kịp thời”, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, thông tin thêm.
Nói về bệnh dại, ông Minh chia sẻ dại là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính do virus dại gây ra và lây truyền từ động vật sang người thông qua vết cắn, cào hoặc liếm vào vết thương hở. Bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Một khi đã lên cơ dại, nguy cơ tử vong là 100%.
Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Thế nhưng, hiện đã có vaccine phòng bệnh dại, người dân có thể hoàn toàn phòng tránh được. Việc khống chế và loại trừ bệnh dại hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào khâu phòng ngừa. Ý thức của mỗi hộ nuôi chó, mèo góp phần không nhỏ vào công tác phòng chống bệnh dại. Theo đó, các hộ dân cần thực hiện tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y, đại diện Cục Thú y chia sẻ thêm.
26.500 chó mèo được tiêm vaccine miễn phí từ năm 2021
Bà Khanh cũng thông tin trong hơn 3 tháng qua, tình hình bệnh dại tại tỉnh Long An vô cùng căng thẳng, đã phát hiện sáu trường hợp chó mèo mắc bệnh dại thuộc ba huyện là Đức Hòa, Tân Hưng và Đức Huệ. Ngoài ra, huyện Tân Hưng ghi nhận hai trường hợp tử vong trên người do bệnh dại và một trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, xảy ra vào ngày 1-3.
“Huyện Tân Hưng đã thực hiện công bố dịch dại trên toàn huyện vào ngày 7-3. Hiện tại, địa phương vẫn còn một ổ dịch dại động vật (ở xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) được phát hiện ngày 12-4 vừa qua và đang tiếp tục các hoạt động triển khai khống chế”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết thêm.
Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới, nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn còn tiếp tục do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên tổng đàn chó, mèo còn thấp. Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế.
Trước tình hình bệnh dại đang diễn biến phức tạp và để giảm thiếu tối đa số ca tử vong ở người bệnh dại tại Long An, chiều ngày 20-4, Công ty Boehringer Ingelheim Việt Nam phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh cho chó, mèo miễn phí tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Đức Huệ và một số hộ gia đình nuôi chó, mèo. Chương trình dự kiến thực hiện tiêm phòng cho 6.500 chó, mèo trên địa bàn kể từ nay đến hết ngày 27-4.
Bên cạnh triển khai tiêm chủng trong đợt này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2024 là phải tiêm phòng đạt 91.000 liều vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo; đạt 85% kế hoạch và 80% tổng đàn chó mèo trên toàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, Long An đã tiêm phòng hơn 79.000 liều vaccine, đạt 75% tổng đàn.
Về chiến dịch tiêm phòng cho chó và mèo trên địa bàn tỉnh Long An, ông Hardge Torsten Klaus-Dieter, Tổng giám đốc Công ty thuốc thú y Boehringer Ingelheim Việt Nam, cho biết tính đến nay, chương trình đã có 26.500 con chó và mèo được tiêm phòng kể từ khi triển khai lần đầu tiên năm 2021. Đơn vị này hướng đến mục tiêu đẩy lùi bệnh dại từ tận gốc, ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh. Tiêm phòng là biện pháp hiệu quả về mặt chi phí để phòng ngừa bệnh dại. Chương trình tiêm chủng tại huyện Đức Huệ cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu tiêm phòng 70% con chó và mèo trong giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ Việt Nam.