Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Mộc mạc bánh tổ – món bánh truyền thống ngày Tết ở Quảng Nam

(SGTTO) Bánh tổ – món ăn lúc đói lòng của khúc ruột miền Trung đã theo chân người Quảng Nam đi khắp các chốn, vào tận vùng Tây Nguyên xa xôi nơi tôi ở.

Chiếc bánh tổ hấp xong thì được đem phơi. Ảnh: Hoàng Long

Ba tôi quê ở Quảng Nam. Xứ Quảng khí hậu khắc nghiệt, bão lũ thường niên, cả gia đình ba bỏ xứ di cư vào Đức Trọng (Lâm Đồng) năm 1975. Tại huyện này có cả một ngôi làng của người dân Điện Bàn (Quảng Nam) mang tên Bồng Lai (trong chốn Bồng Lai Tiên Cảnh). Người dân nơi đây tuy xa quê nhưng mang vào cả một nền ẩm thực đậm đà của xứ Quảng, trong đó có bánh tổ. Cứ mỗi dịp tết đến, tại nhà bà nội tôi lúc nào cũng có món bánh tổ.

Chiếc bánh tổ được làm ra đơn giản, mộc mạc y chang như cái chất của người dân xứ Quảng. Chiếc bánh màu nâu óng, ấn vào mềm mềm trong chiếc rọ tre được làm từ hai nguyên liệu là bột nếp và đường. Đầu tiên nếp được ngâm nước, vo kỹ rồi xay ra cho mịn. Sau đó trộn đường vào bột nếp đã xay, thêm chút gừng cắt sợi rồi đổ vào cái rọ tre đem đi hấp cách thủy. Lúc lấy bánh ra thì nhanh tay rải một lớp mè rang chín lên bề mặt cho đẹp mắt rồi đem phơi.

Bánh tổ thường được cắt lát và chiên phồng lên để thưởng thức. Bánh tổ lúc mới chiên còn mềm và dẻo, lúc chiên, đường trong bánh nóng vàng và tươm ra làm hơi dính răng lúc ăn. Chiên lát bánh tổ là mùi thơm ngòn ngọt của đường quyện với hương thơm nếp ngào ngạt khắp gian nhà. Ăn bánh tổ chiên phồng kèm với một ngụm trà thì không gì bằng.

Bánh tổ chiên khéo là khi phần rìa hơi giòn nhưng bên trong vẫn còn đủ mềm, cắn vào một cái nghe tiếng rồn rột của lớp vỏ bị vỡ nhưng rồi lại đến ngay cái phần bánh mềm mềm ngòn ngọt, dính răng bên trong. Bánh tổ chiên có mùi thơm của nếp quyện với hương gừng và chút beo béo của mè. Bánh tổ chiên già lửa thì lúc để càng nguội sẽ cứng hết cả chiếc, ăn vào chỉ nghe rào rạo và chiếc bánh bị vỡ tan ra trong miệng, không còn cảm nhận được vị ngọt hay cái mềm bùi bùi của bánh.

Bánh tổ để ra mùng dần bị mốc vì không có chất bảo quản hoặc là cứng lại và vỡ ra khỏi kết cấu ban đầu. Thế nên ba ngày tết cứ chiều lại là mẹ chiên bánh tổ, đám nhỏ lại tha hồ chạy qua, chạy lại bàn ăn rồi nhón một miếng, ăn xong tay chân lấm lem mỡ.

Sau này, khi tết đã dần đủ đầy hơn, bánh tổ vẫn giữ một vị trí quan trọng trong lòng những người con gốc Quảng. Cái chất dinh dính thân tình trong bánh tổ như chất gắn kết với xứ Quảng xa xôi qua thức bánh giản dị, mộc mạc.

                                                                                                                 Hạnh Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thế giới xung quanh ngôi chợ du lịch lớn nhất Đà...

0
(SGTT) – Chợ Hàn – Ngôi chợ truyền thống lâu đời tại Đà Nẵng, đang là điểm đến được nhiều du khách quốc tế...

Phong trào chạy bộ nở rộ nhưng không phải ai cũng...

0
(SGTT) - Hiện phong trào chạy bộ đang phát triển mạnh tại khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, các bác...

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Kết nối