Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Mệt mỏi chạy theo phong trào trường lớp

Đăng Nam-

Năm nào cũng vậy, cứ vào năm học là các phong trào trong trường học lại được phát động. Điều đáng nói là nhiều phong trào đã biến tướng, trở nên hình thức khiến phụ huynh và học sinh đều mệt mỏi.

Phụ huynh làm thay con

Mới đầu tháng 10, chị Y., người có con học trường THCS Thông Tây Hội (quận Gò Vấp, TPHCM), đã được con gái học lớp 6 mang về khoe bảng danh sách các phong trào thi đua ở trường trong năm, gồm học tốt, chăm ngoan, giúp bạn, kế hoạch nhỏ… Nhìn vào danh sách, chị Yến ngao ngán nói: “lại một năm học chạy đua theo phong trào với con”.

Năm ngoái, khi bé học cấp một, trường ra thông báo phải nộp hơn 5 kg giấy vụn để làm kế hoạch nhỏ. Nhà ở thành phố, không gian nhỏ, không có thói quen tích trữ sách báo cũ nên chị phải đi khắp nhà người quen để gom đủ số lượng. Trong khi cô giáo nói là việc đóng góp này không quan trọng, không chạy theo thành tích, nhưng nếu em nào không nộp đủ sẽ bị cô giáo phê bình trước lớp.

Vị phụ huynh này kể, thấy trẻ vất vả tìm giấy vụn, ve chai mang đi nộp cho đủ chỉ tiêu, nhiều trường còn gợi ý đóng tiền thay vì đóng hiện vật. Mỗi khoản kế hoạch nhỏ từ 10.000 đến 15.000 đồng nên hầu hết phụ huynh cho con tiền. Lâu dần, phong trào kế hoạch nhỏ bị mất ý nghĩa giúp trẻ biết tiết kiệm, bảo vệ môi trường, thay vào đó là hoạt động mang tính hình thức, vô nghĩa.

Theo chị Y., nhà trường nên thông báo ngay từ đầu năm học, rằng học sinh gom được bao nhiêu đóng bấy nhiêu và không nên áp đặt chỉ tiêu. “Thay vì làm kế hoạch nhỏ bằng giấy báo, nên cho các cháu nuôi heo đất tiết kiệm, hoặc dùng sách giáo khoa xong rồi chuyển lại cho nhà trường để góp lại, mang tặng những nơi khó khăn”, chị nói.

Trong khi đó, chị Nhi, một phụ huynh học sinh trường THCS ở quận Thủ Đức, tỏ ra bức xúc cả những hoạt động nhân văn như quyên góp tiền cho hoạt động nhân đạo, cứu trợ đồng bào lũ lụt, thiên tai cũng đang chạy theo bệnh thành tích, khoa trương. Chẳng hạn, sau mỗi đợt quyên góp, trường tặng danh hiệu cho học sinh đóng góp nhiều tiền, trong khi nhiều em khác nhà nghèo, phải tiết kiệm góp quỹ giúp bạn. Theo chị Nhi, việc làm này vô tình làm tổn thương đến học sinh góp ít, làm cho ý nghĩa nhân văn của chương trình không còn nhiều.

Chưa hết, các phong trào trong năm dù không thông báo chính thức nhưng cô giáo đều nói “chỉ tiêu” của lớp mà nhà trường giao. Do đó, giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh đóng góp khiến các em bị áp lực, xao nhãng việc học. “Tôi nghĩ trong môi trường học đường mà cứ nói chuyện tiền nong là không hay chút nào. Phong trào nào còn thực chất thì nhà trường giữ, cái nào đã biến thành hình thức rồi thì nên dẹp bỏ để cha mẹ, học sinh đỡ khổ”, người mẹ này bức xúc.

phongtraoVào mỗi năm học, phụ huynh, học sinh và giáo viên mệt mỏi thực hiện các phong trào trường học.  Ảnh minh họa: Đăng Nam

Giáo viên cũng ngán

Từ đầu năm, cô N. (giáo viên một trường THCS ở quận 5) đã nhận được kế hoạch lớp mà trường giao xuống. Ngoài nhiệm vụ thực hiện chủ đề năm học còn có khoảng 10 phong trào khác như kế hoạch nhỏ, nụ cười hồng, văn thể mỹ, đóng góp để thực hiện công trình măng non. Dù là kế hoạch dự kiến, nhưng tất cả đã được cấp trên sắp xếp nên giáo viên cứ thế triển khai cho lớp thực hiện. Theo cô N., giáo viên chủ nhiệm ngán nhất là các phong trào của trường bởi nó rất hình thức, triền miên trong năm và tốn nhiều thời gian.

Bản chất của các phong trào trường, lớp là tốt, giàu tính giáo dục. Nhưng hiện nay nhiều phong trào đang trở nên hình thức, trở thành cuộc ganh đua thành tích đè nặng lên giáo viên lẫn học sinh. Cô N. đơn cử như phong trào kế hoạch nhỏ với mục đích dạy cho học sinh có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường để quyên góp tiền cho các bạn nghèo khó thì nay học sinh có thể đóng tiền. Chỉ cần phụ huynh cho tiền nộp đủ thì xem như đã hoàn thành kế hoạch nhỏ.

Chuyện này diễn ra nhiều năm, nay hầu như không còn em nào đi gom giấy báo, lon nước lên nộp nữa mà mang tiền nộp cho nhanh. Với mỗi chương trình đó, buổi sinh hoạt đầu giờ nào giáo viên cũng phải nhắc nhở học sinh nộp tiền đầy đủ để hoàn thành chỉ tiêu trong khi còn nhiều việc khác quan trọng hơn cần dặn dò. “Dẫu biết là hình thức, tốn tiền của phụ huynh nhưng sao trường nào cũng duy trì hoạt động này?”, cô giáo than thở.

Cùng nỗi niềm trên, thầy S. (giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh) chia sẻ, mỗi năm giáo viên phải “chạy” từ 5-7 phong trào lớp cho học sinh, trong đó phần lớn đã biến tướng, hình thức. Ngoài kế hoạch nhỏ, giáo viên và phụ huynh các lớp còn khổ sở với các chương trình đóng góp nhân đạo. Theo thầy S., ý nghĩa của các quỹ đóng góp này là rất tốt, nhân văn song các lớp đều bị giao các mức “sàn” đóng góp, mặc dù trường kêu gọi là tự nguyện. Do đó, giáo viên phải nhắc nhở học sinh, gọi điện cho phụ huynh liên tục, khi đến hạn nộp về trường mà vẫn thiếu, giáo viên tự bỏ tiền túi bù vào.

“Nhiều lần giáo viên ý kiến với trường nên chắt lọc, bỏ đi các phong trào hình thức để chúng tôi có nhiều thời gian tập trung cho chuyên môn, nhưng trường lại bảo đó là chủ trương của quận, của cấp trên nữa. Cứ như vậy, từ năm này đến năm khác, giáo viên cứ mệt mỏi chạy theo phong trào”, thầy S. than.

Từ thực tế rà soát ở các trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, số lượng cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh hiện nay quá nhiều, chồng chéo, gây áp lực, nhiều cuộc thi không nhận được sự đồng tình của xã hội. Mới đây, bộ này vừa gửi công văn tới các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành yêu cầu tinh giảm cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh ở trường phổ thông. Bộ yêu cầu các trường chỉ chọn tổ chức một số cuộc thi cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính của ngành giáo dục.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ...

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn...

Kết nối