(SGTTO) – Rất nhiều người trong đoàn leo núi “Thử thách trekking mưa rừng Tà Đùng” thuộc chuỗi hoạt động “Saigon Times Nối vòng tay lớn – Cùng du lịch Việt Nam” do nhóm báo Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức hồi cuối tháng 6 bất ngờ khi thấy hành trang từ đỉnh núi xuống bãi tập kết dài 14 km của anh Nguyễn Thế Lợi rất khác thường.

Đó là ngoài tư trang như các thành viên trong đoàn, anh còn có những bịch đựng rác nhựa mà anh nhặt trên đường đi. Anh kể không chỉ chuyến này mà nhiều chuyến đi du lịch trải nghiệm như cắm trại, leo núi… thì hành trang kết thúc chuyến đi của anh có vài bịch đựng rác nhựa mà anh nhặt. Anh Nguyễn Thế Lợi là Chủ tịch Hội đồng quản trị Sài Gòn Thăng Long Group và không chỉ nhặt rác ở các điểm du lịch, anh còn tổ chức cho anh em nhân viên công ty vừa du lịch, vừa nhặt rác ở những nơi mà họ đến.

Nhưng không chỉ anh Lợi, ý thức gìn giữ môi trường hiện nay trong giới những người thích đi du lịch, trải nghiệm, leo núi, cắm trại ven rừng, hồ đập… đã thay đổi.

Mang rác về

Một facebooker có nickname Sỹ Kỳ Hoàng đăng tấm ảnh nhặt rác nhựa trên núi Chứa Chan ở Đồng Nai.

Một người cắm trại trên đỉnh núi đã viết trong nhóm cắm trại trên mạng xã hội thông điệp: “Mang cây lên trồng và mang rác về!”. Theo người này thì mỗi lần ở đâu, người cắm trại hãy cố gắng mang cây lên trồng và mang rác về, giữ cho các bãi cắm luôn sạch và đẹp cho người khác cũng hưởng. Bằng chứng mà bạn này kể lại là mỗi lần lên đỉnh núi Chứa Chan (Đồng Nai) nhìn thấy một “núi” rác mà phát ngán và khuyên mỗi người chịu khó chỉ cần tự mang rác của mình xuống là tốt rồi.

Có người leo núi kể “cây người ta cực khổ trồng vừa lớn tí mấy anh mấy chị chặt lấy chỗ cắm trại với làm củi khác chi phá rừng”.

Leo núi, cắm trại ven hồ gần đây trở thành xu hướng của nhiều người dân đô thị mà một trong những điểm cắm trại gần TPHCM được nhiều người quan tâm là xung quanh hồ thủy điện Trị An (Đồng Nai), hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh)… Theo một người đi cắm trại ở hồ Dâu Tiếng thì người dân địa phương đã bắt đầu khó chịu với các nhóm cắm trại khi xả rác ra môi trường. Có nhóm cắm trại nghĩ chỉ cần gom rác lại một chỗ là đủ nhưng dân địa phương than phiền chỉ cần một trận gió là rác lại tứ tán.

Rác nhựa sau cắm trại ở ven hồ Dầu Tiếng.
Rác ven hồ Dầu Tiếng do các nhóm cắm trại để lại.
Rác sau cắm trại ở ven hồ Dầu Tiếng. Ảnh: facebooker Quan Bui

Bây giờ trên cộng đồng mạng có chuyện những người đam mê cắm trại giấu chỗ cắm trại, không dám khoe, không share (chia sẻ) vì sau đó sẽ tan hoang vì… rác.

“Ngày trước thấy share rầm rộ hồ Dầu Tiếng, thấy tương lai cái hồ nó tan hoang, rác rưới giờ thành sự thật rồi. Hồ này cấp nước sạch cho TPHCM mà cắm trại xả rác nhiều quá, không chừng mai mốt người ta cấm luôn khỏi cho lên chơi”, một người cắm trại lo lắng.

Đã khoe ảnh sống ảo thì nên khoe ảnh dọn rác thật!

Dọn rác sau cắm trại, dã ngoại.

Trên mạng hiện có khá nhiều hình ảnh cắm trại, chèo xuồng đẹp như chốn bồng lai tiên cảnh nhưng có người viết: “khoe camping (cắm trại) thì luôn kèm ảnh thu gom rác, nếu không sống ảo xong đời thật tan hoang”.

Có người than phiền lần nào đi cắm trại cũng phải dọn rác của những người đi trước rồi mới cắm trại được do nhóm đi trước rả rác quá nhiều.

Nhưng dư luận dân cắm trại hiện nay sợ nhất lại là những nhóm người gia đình đi cắm trại, dã ngoại dạng sáng đi chiều về. Ăn chơi no say xong đi xe máy ngại mang rác về, vậy là đa số để lại tại chỗ thành ra khám thì ít mà phá thì nhiều.

Hay như có người kể chỗ hồ Cốc, cư dân làng chài nhậu, lại thêm một hội mô tô cả trăm người dã ngoại và trưa hôm sau “người đi, rác ở lại”.

Vận nên có người đề xuất: “Anh em đi cắm trại nên chụp hình bãi cắm trại trước khi hạ trại và sau khi rời đi. Với tiêu chí: Lúc đi sạch hơn lúc đến. Chẳng bao lâu nữa cộng đồng camping sẽ lớn mạnh và lan tỏa giá trị nhân văn này”.

Ý thức dọn rác sau cắm trại dã ngoại.

…tới lửa

Một người viết trong diễn đàn: “Tha thiết kêu gọi cộng đồng người yêu thích cắm trại yêu quý, tiếp tục nâng cao ý thức ngoài rác ra chúng ta không để lại các đám tro tàn trong khu vực cắm trại”.

Thử tưởng tượng thảm cỏ tuyệt đẹp ở hồ Dầu Tiếng và các triền cát trắng mịn tuyệt đẹp ở bãi biển đều từng mảng từng mảng đen thui vì đốt lửa… Liệu nó có còn đẹp cho những người đến sau?

Chúng ta hay nói ý thức về rác nhưng không nói về từng mảng cháy đen chúng ta đã để lại sau đêm lửa trại.

Tốt hơn hết là “Không để lại bất kỳ điều gì, kể cả dấu chân”, một người đam mê cắm trại nói.

Đồ nghề đi cắm trại nhất định phải có do một người đề xuất:

  • Túi rác tự phân hủy
  • Bao tay nylon
  • Cây gắp rác

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây