Chủ Nhật, Tháng Một 19, 2025

Lướt qua những chuyến đi

Lê Trang -

Cô bạn tôi là người bận rộn và hay đi. Tháng nào cô cũng xê dịch, lúc thì đi công tác, lúc thì đi du lịch, có khi kết hợp cả hai. Sau nhiều lần tiếc nuối vì không đủ thời gian để khám phá hết những điểm tham quan lý thú và xem những hiện vật có giá trị trong bảo tàng, cô rút ra kinh nghiệm là phải chụp thật nhiều ảnh để lúc rảnh rỗi xem lại, từ từ chiêm nghiệm cái hay của những chuyến đi.

Hơn 15 năm rong ruổi, những tấm ảnh chụp đã chất đầy dãy album trên kệ sách cùng mấy chiếc ổ cứng máy tính. Cô vẫn giữ thói quen xem lại những bức ảnh đó, có khi lại làm thành những thư mục với các chủ đề riêng để đỡ mất công tìm kiếm. “Xem lại ảnh cũng là cách để thấy mình và thế giới xung quanh thay đổi ra sao”, cô bạn nói.

“Sự thay đổi đó là gì?”, tôi hỏi. Cô nói rằng, dễ thấy nhất là cách trải nghiệm chuyến đi. Giống như kiểu nhiều người chuyển từ trạng thái đọc sang lướt thông tin, trong thời đại công nghệ, nhiều người không còn đi du lịch để tìm hiểu, khám phá thực sự như nhiều năm về trước mà chỉ đến, lướt qua cảnh đẹp, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội nhằm chứng minh sự hiện diện của mình.

Trong thời đại công nghệ nhiều người đi du lịch chỉ lướt qua cảnh đẹp, chụp ảnh và đăng lên mạng xã hội nhằm chứng minh sự hiện diện của mình. Ảnh: Trần Minh

Cô lấy mấy tấm ảnh chụp những mốc thời gian khác nhau tại một bảo tàng ở châu Âu để diễn giải cho nhận định đó. Khoảng hơn chục năm trước, chiếc điện thoại thông minh không hiện diện nhiều trong các chuyến đi như bây giờ. Lúc đó, nhiều người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng hiện vật hoặc chụp ảnh ghi lại những điều muốn xem.

Nhưng nay, cũng trong những tấm ảnh, có rất nhiều người đang giơ cao điện thoại và nhìn vào đó tự sướng (tự chụp ảnh – selfie). Họ - những “công dân” của Instagram, Facebook, Twister -thường di chuyển từ điểm này sang điểm khác chỉ nhằm thay đổi phông nền cho các tấm ảnh, để chuyển tải lên mạng sao cho lung linh nhất thay vì chọn những góc hay để chiêm ngưỡng những hiện vật của lịch sử. Người ta tự chụp hình mình nhiều hơn thay vì những phong cảnh đẹp, dành thời gian để trải nghiệm giá trị của những chuyến đi ít hơn là để gửi ảnh và trả lời bình luận về tấm ảnh đó.

Cô bạn nói bản thân cô cũng đã ít nhiều bị cuốn theo xu hướng mới. Bằng chứng là những tấm ảnh selfie trong album du lịch đã nhiều hơn, tài khoản riêng trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều tấm ảnh giới thiệu chuyến đi hơn trước và cũng không ít lần đã ngấm ngầm sung sướng khi được bạn bè nhấn nút thích (like) hay những lời bình luận ngưỡng mộ cô - người luôn đến những điểm đến mới.

Nếu là người hay để ý, bạn sẽ thấy rằng, ngày nay, câu nói đầu tiên của khách hàng với nhân viên ở nhà hàng, khách sạn, quán nước, phòng hội nghị... không phải là lời chào hỏi mà là “ở đây có Wi-Fi không” và “mật khẩu là gì”. Có lẽ vì khách hỏi nhiều quá nên để không tốn thời gian trả lời, nhiều nơi dán sẵn mật khẩu Wi-Fi trước cửa phòng hội nghị, để sẵn trên quầy tiếp tân hoặc in trong những tờ hóa đơn đồ ăn, thức uống.

Nếu là người hay để ý, chắc hẳn bạn cũng sẽ thấy rằng, nhiều nhóm bạn bây giờ tụ tập hàng quán nhưng lại không tán gẫu cùng nhau mà cắm cúi vào chiếc điện thoại rồi tương tác với người kế bên bằng các nhận xét trên Facebook. Trong nhiều hội nghị, người ta thích livestream (phát trực tiếp trên mạng xã hội) sự kiện đó hoặc xem thông tin trên điện thoại hơn là lắng nghe và phản biện để nắm bắt nội dung của sự kiện.

Xem lại ảnh cũng là cách để thấy mình và thế giới xung quanh thay đổi ra sao. Ảnh: Trần Minh

Có anh bạn là đầu bếp của một khách sạn phàn nàn, nhiều lần“mất hết cả hứng” khi anh đang rất nóng lòng muốn giới thiệu những nét tinh túy ẩm thực cùng cách chế biến các món ăn ngon cho du khách thì các đoàn khách du lịch ùa vào, ồn ào hỏi mật khẩu Wi-Fi rồi chăm chú quẹt quẹt trên màn hình hoặc “gí” hàng chục chiếc điện thoại vào mặt anh để chụp ảnh, để live stream. “Sự tương tác bằng ánh mắt nhìn, bằng thái độ gật gù hay tư lự và những nụ cười trực tiếp ít đi nên đôi lúc mình cũng chỉ dẫn cho qua”, anh bạn nói.

Một anh hướng dẫn viên du lịch cũng than thở tương tự, cũng cho rằng sự hứng khởi trong công việc hướng dẫn du khách khám phá các điểm đến mới đã vơi đi vài phần bởi nhiều người không còn chăm chú nghe hướng dẫn viên nói mà để đầu óc ở... những chiếc điện thoại và những tấm ảnh. Thậm chí, có khi chỉ vừa rời khỏi điểm du lịch thì đã có người ồ lên ngạc nhiên khi nghe người kế bên kể về cái hay, sự lạ của nơi đó, cứ y như là khách chưa hề đến nơi. Công việc của anh, ngoài chuyện chăm sóc, hướng dẫn giờ còn thêm nhiệm vụ là chụp ảnh và hỏi mật khẩu Wi-Fi giúp khách.

Công bằng mà nói, sự thay đổi thói quen trải nghiệm và truyền tải thông tin của khách hàng đã đem lại nhiều điều hay. Có khi người tạo ra sản phẩm, dịch vụ hay những địa phương muốn quảng bá điểm đến không cần phải mất nhiều thời gian và công sức để đưa hình ảnh ra bên ngoài. Nhờ sự tích cực của các “công dân mạng”, có thể chỉ cần “một đêm” thôi là những cái mới sẽ được cả thế giới biết đến. Và hơn ai hết, doanh nghiệp là những người nhanh nhất trong việc nắm bắt xu hướng mới để truyền tải thông tin.

Cách đây hơn hai năm, khi đọc một bài báo đăng trên tờ Business Insider về việc Facebook đã thay đổi thành phần của Facebook News Feed bằng thuật toán để ưu tiên cho các bài đăng của bạn bè và người thân của người sử dụng. Ví dụ như những bức ảnh chụp gia đình hay cập nhật trạng thái, thay vì các bài báo hay tin giải trí được các công ty truyền thông đăng tải.

Một doanh nhân trong ngành truyền thông đã nhận định, sắp tới sẽ là thời của những KOL (key opinion leader - người có tầm ảnh hưởng). Quả thật, đến nay thì KOL, đặc biệt là những KOL có tiếng trên mạng xã hội đã trở thành một kênh truyền thông được các doanh nghiệp, điểm đến ưa thích và rất nhiều người đã sống khỏe với khoản thu nhập từ việc quảng cáo cho các thương hiệu bằng cách đưa hình ảnh, nội dung cùng những lời bình luận với bạn bè trên mạng.

Biết đâu đấy, cũng do sự hoạt động tích cực của họ cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của các “công dân mạng” cũng là một trong những nguyên nhân làm cho ngày càng có nhiều người “cắm mặt” vào chiếc điện thoại hay đi đến nơi mà dường như chưa ở đó.

Cô bạn mê xê dịch của tôi kể, mới đây, khi cùng nhóm bạn mải mê chụp ảnh cho nhau trước bức tượng nổi tiếng nhất của một bảo tàng nọ thì chợt thấy một đôi vợ chồng già người Mỹ đứng ở một góc phòng chờ để xem tượng. Cụ bà thì thào với cụ ông: “chúng nó chụp ảnh để đăng Facebook đấy” rồi nhìn nhóm bạn của cô như đang nhìn một thứ xa lạ mà ông bà vừa biết đến. Cô chợt giật mình, phải chăng mình cũng đang lướt qua những chuyến đi? Và đã đến lúc phải dũng cảm cất chiếc điện thoại đi để có những lần rong chơi thực sự, chơi để trải nghiệm chứ không phải để cho cả thế giới biết là mình đã “check-in” ở đó.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối