Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Leo đỉnh Bà Đen, trải nghiệm khó quên

NGỌC HÙNG – 

Đối với miền Đông Nam bộ, núi Bà Đen nằm ở tỉnh Tây Ninh cao 986 m được xem là ngọn núi cao nhất vùng. Nhiều người thích leo núi, thích những cuộc trekking – đi bộ đường dài trong rừng, vẫn hay chọn ngọn núi này làm nơi thể hiện khả năng chinh phục của mình. Họ không chỉ thử sức một lần mà là nhiều lần, và mỗi lần như vậy đều tự mày mò mở một cung đường mới, thường thì cung đường sau khó hơn cung được trước như để thách thức những giới hạn của bản thân.

DL_02Thử thách đầu tiên của đoàn là vượt qua những vách đá cheo leo.

Bảy đường lên đỉnh

Tính đến nay, núi Bà Đen đã tiếp đón không biết bao nhiêu dân phượt từ khắp nơi, kể cả những du khách nước ngoài ưa thích mạo hiểm. Với họ, núi Bà Đen là một trong những điểm trekking lý tưởng vì có khá nhiều cung đường để thử thách sức khỏe, ý chí của người leo núi. Bạn tin không, có người cho biết anh ta đã 50 lần leo lên đỉnh núi Bà Đen chỉ vì mỗi lần là một cảm giác khác nhau.

Theo những người leo núi, hiện tại có ít nhất bảy đường đi lên đỉnh núi Bà Đen. Dễ nhất là đi theo đường lên chùa Bà Đen vì từ dưới chân núi lên đến nơi có hệ thống mấy trăm bậc thang, ngoài ra còn có cáp treo, rồi từ chùa chỉ cần leo lên khoảng vài giờ nữa là đến đỉnh. Một đường khác được nhiều người lựa chọn là “đường cột điện” (vì đường có hệ thống dây điện từ chân núi dẫn lên đỉnh núi phục vụ cho một trạm phát sóng di động ở trên đỉnh). Hai cung đường này có thể đi lên và xuống trong ngày. Thêm một đường nữa cũng dễ đi là “đường ống nước”, rất thích hợp cho những ai muốn vừa leo núi vừa tắm thác.

Những con đường còn lại có mức độ khó hơn và đây chính là lựa chọn của những ai muốn chinh phục khám phá, thử sức leo núi của mình. Chọn những cung đường này bạn phải đi trong hai ngày, vác ba lô nặng tối thiểu 6 kg và đi bộ liên tục nhiều giờ.

Một trong những cung đường khó và đòi hỏi người leo núi có thể lực tốt là cung Ma Thiên Lãnh, cung Núi Phụng và một cung mới được mở gần đây là Ma Thiên Lưới – leo lên núi Heo rồi từ đó mới leo lên núi Bà Đen. Trong hành trình hai ngày leo lên đỉnh, nếu ngày đầu gặp mưa thì khả năng là phải ngủ đêm trong hang đá.

DL_07Ngắm mây trên đỉnh núi Bà Đen.

[box] Anh Dương Đình Học, một người có 40 lần leo núi Bà Đen và nhiều ngọn núi cao ở Việt Nam, chia sẻ một số kinh nghiệm về leo núi: Chuẩn bị về mặt thể lực: Tập leo cầu thang bộ, cố gắng kiếm được tòa nhà cao khoảng 20 tầng trở lên để tập. Lúc đầu là leo không vác theo đồ, khi nào leo một hơi được 20 tầng không cần nghỉ thì lúc đó bắt đầu vác đồ. Đối với nam thì vác 8 kg, nữ vác khoảng 5 kg. Sau đó, cứ tăng dần lên đến khi nào nam đạt 18 kg, nữ đạt 12 kg và leo 20 tầng không nghỉ. Đồ dùng, dụng cụ leo núi, đi rừng: Phải có một ba lô chuyên dụng loại có đai trợ lực, bao tay leo núi hạt nhựa, bộ đồ áo mưa mỏng nhẹ nhưng bền chắc. Một hộp thuốc cá nhân bao gồm thuốc chống dị ứng, thuốc bôi vết côn trùng cắn, thuốc trị đi ngoài, thuốc hạ sốt, thuốc xoa bóp làm tan vết bầm hoặc bong gân, băng gạc cá nhân và hai cuộn băng thun, một ống vitamin C, một dao lam. Mỗi người phải trang bị một con dao bấm hoặc dao đa năng, một cây gậy leo núi (để chống cho khỏi trơn trượt và để xua đuổi rắn). Riêng người dẫn đoàn phải có dao lớn mở đường hoặc chặt củi. Phải có một bộ đồ nấu nước, bếp ga loại tháo ráp hoặc bếp cồn, một ca để nấu nước và bộ ống muỗng nĩa mini. Khi leo núi, đôi tay thường sử dụng để đu bám nên bắt buộc phải có đèn pin đội đầu, không được dùng loại cầm tay, rất bất tiện và không an toàn. Đôi giày bạn dùng để tập luyện leo cầu thang và khi đi leo núi phải là một để quen chân, tránh tình trạng khi đi leo núi mang giày mới, dễ bị bó chân sẽ không leo được. Khi mua giày nên mua loại lớn hơn một size so với cỡ chân của mình. Tùy theo cung đường leo dài hay ngắn để mang đồ ăn cho phù hợp, như bốn thanh sô cô la, hai thỏi lương khô, hai chai nước tăng lực, mì gói hoặc bánh chưng, chục trái quýt ăn vặt, 200 g đường, ba trái chanh, 100 g muối. Nước khoảng 3 lít/ngày. Khi leo núi, dù đường dễ hay khó, dốc nhiều hay dốc ít, mọi người nên bước đều chân, bước chắc chắn từng bước một. Khi nào mệt thì dừng lại nghỉ, mỗi lần nghỉ không quá ba phút; tốt nhất là đứng nghỉ tại chỗ, hạn chế ngồi nghỉ. Trong lúc di chuyển, nên nhớ nguyên tắc trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen.[/box]

…muốn đi xa hãy đi cùng nhau

Vào những diễn đàn du lịch bụi, bạn chỉ cần viết một dòng trạng thái là cần tìm bạn đồng hành leo núi Bà Đen, khoảng vài giờ sau bạn đã có thể có một nhóm để đi. Cách khác là bạn đăng ký vào một nhóm nào đó, bởi hầu như tháng nào cũng có một vài nhóm ở TPHCM tổ chức leo núi Bà Đen.

DL_03Chuẩn bị leo một vách đá lớn, trên đầu là những dây leo.

Nhóm của chúng tôi gồm 16 thành viên đã được hình thành theo cách như vậy. Sau khi gom đủ quân số, việc tiếp theo là gặp nhau ở một địa điểm hẹn trước để làm quen, và để… kiểm tra thể lực, kiểm tra xem trong nhóm có ai bị “rung chân” khi leo trèo không. Kết thúc màn dạo đầu làm quen này, mọi thứ còn lại là chờ ngày lên đường.

Có ai đó từng nói, trong cuộc sống, bạn cần phải độc lập, tự mình làm mọi việc để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình. Tuy nhiên, đơn độc lại là bất lợi trong trường hợp bạn đi leo núi. Chính leo núi cũng cho bạn thêm kinh nghiệm làm việc nhóm với những người lạ mà ở đó an toàn của mỗi người là ưu tiên hàng đầu. Ngạn ngữ có câu: Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau. Leo núi chứng minh cho vế sau của câu này.

Theo hệ thống định vị, cung đường Ma Thiên Lưới mà đoàn chúng tôi chọn để lên núi chỉ có 4,8 km nhưng hành trình thực tế để chúng tôi đi từ chân núi lên đến đỉnh núi là mất hai ngày cùng với một đêm ngủ trong hang. Do đây là cung đường mới nên tốc độ đi khá chậm. Đường đi là những vách đá cheo leo, và gần 70% đoạn đường là phải phát rừng để đi. Cái thú vị của cung đường này là bạn sẽ leo lên những vách đá dựng đứng, phải bám vào dây leo để leo lên, rồi nhảy từ vách đá này qua vách đá kia trong khi phải mang ba lô nặng… Cảm giác khi thực hiện những động tác để leo núi đó thật khó diễn tả được.

Không chỉ leo đá, đoàn phải đi qua những đoạn ở dưới tán cây rừng, cứ thế mà chui rúc, song cũng có đoạn phải đi trên những ngọn cây. Với những ai đi cung đường này lần đầu, sẽ có những cảm giác chân tay run rẩy khi thấy vách đá dựng đứng, rồi xuất hiện ý nghĩ lỡ chẳng may có chuyện gì thì sao. Song, nhờ sự động viên, hỗ trợ của những người trong đoàn, bạn đã lên được đỉnh núi, cảm giác sợ hãi được thay bằng sự phấn khích.

Chính cảm giác phấn khích, cười tươi ấy lại là một lời động viên ngầm cho những người phía sau. Đơn giản, người trước leo được, người sau cũng phải leo được. Sau hai ngày leo núi, dù có lúc gặp mưa to, phải ngủ ở trong hang, nhưng cuối cùng đoàn cũng lên được đỉnh núi. Hành trình tuy mệt nhưng ai cũng có những trải nghiệm khó quên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cảnh sắc thay đổi ấn tượng trên đường đèo nối Đà...

0
(SGTT) - Khánh Lê là đường đèo nối Đà Lạt và Nha Trang, với chênh lệch độ cao giữa chân đèo và đỉnh đèo...

‘Phượt’ xe máy chinh phục đèo cao nhất thế giới ở...

0
(SGTT) - Nằm trên dãy Himalaya huyền bí, Ladakh được biết đến là một “tiểu Tây Tạng” ở Ấn Độ, nổi tiếng với cung...

Blogger du lịch chia sẻ bí quyết để có bức ảnh...

0
(SGTT) - Được cộng đồng yêu xê dịch biết đến qua những bộ ảnh du lịch đầy tính sáng tạo và mang đậm dấu...

Câu chuyện du lịch: Blogger du lịch chia sẻ về hành...

1
(SGTT) - Dịch bệnh đã khiến những dự án về du lịch của blogger Trần Việt Anh phải tạm hoãn lại. Trong những ngày...

Du lịch giữa mùa dịch: Phượt “bụi” 1.500 cây số để...

0
(SGTT) - Tháng Chín về, thời tiết vừa chuyển mình sang thu, chợt Facebook nhắc lại kỷ niệm cũ khiến tôi nhớ lại chuyến...

Dạo chơi giữa khung cảnh đồi xanh nắng vàng nơi Hòn...

0
(SGTTO) - Dự định ghé thăm Bàu Trắng (Bình Thuận), vùng tiểu sa mạc nổi danh với đồi cát và những vạt sen hồng, thế...

Kết nối