Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Lễ hội truyền thống trong mắt người trẻ

Vũ Yến thực hiện

Lê Thị Thanh Vy, Thạc sĩ Văn học Việt Nam, bộ môn Văn hóa dân gian, Khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học KHXH&NV TPHCM:

Không thể không tính đến tác động xã hội

Theo tôi, dù trong xã hội truyền thống hay hiện đại, những chức năng cốt tủy của lễ hội (tạ ơn và cầu xin thần linh bảo trợ, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, gìn giữ giá trị truyền thống, quảng bá hình ảnh địa phương, thu hút khách du lịch…) vẫn cần được bảo đảm, nếu thiếu nó thì không còn là lễ hội nữa. Việc chúng ta còn lưu giữ được nhiều lễ hội là một điều may mắn của văn hóa, là một lợi thế không nhỏ trên con đường phát triển. Tuy nhiên, hoạch định, tổ chức, điều tiết như thế nào để chúng vừa không đi chệch những mục tiêu nhân văn ban đầu, vừa phù hợp với bối cảnh xã hội mới quả là một thách thức lớn.

Lê Thị Thanh Vy
Lê Thị Thanh Vy

Với những lễ hội như “chém lợn”, “chọi trâu”, “đâm trâu”… tôi cho rằng nên loại bỏ, thay thế vì nó không còn phù hợp, tiếp xúc với những cảnh máu me ghê rợn trong lễ hội sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ nhỏ. Tôi nghĩ, việc yêu động vật, sống hài hòa với tự nhiên là một xu hướng trên toàn thế giới. Quả thật, những người trẻ như chúng tôi, dù rất yêu văn hóa, nhưng chứng kiến những nghi lễ như chém lợn, đâm trâu, vẫn cảm thấy rất hãi hùng. Ấn tượng đó lấn át những trầm tích ý nghĩa văn hóa. Nếu thế thì nên cất nó vào “bảo tàng” chứ tại sao phải khăng khăng duy trì trong khi người đương đại đã từ chối tham dự?

Một điều cần lưu ý, trước đây, đại đa số không gian vật chất, không gian xã hội của lễ hội truyền thống là không gian làng. Ngày nay, hội làng không thể và rất khó có thể chỉ gói gọn trong nội bộ dân làng, đối tượng tham dự không chỉ là các thành viên trong làng mà còn có cả khách thập phương, khách du lịch, hình ảnh hội làng có thể được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, mạng xã hội). Một khi đã “xã hội hóa” lễ hội như thế, ta không thể không tính đến tác động xã hội của nó.

Chúng ta nên lựa chọn những lễ hội không gây nhiều tranh luận (lễ hội chùa Hương, hội Gióng, lễ hội đền Hùng) để nhân rộng, quảng bá. Đồng thời với lễ hội như đâm trâu, chọi trâu, chém lợn… nên dành cho những đối tượng nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa.

Đa số lễ hội truyền thống Việt Nam nảy sinh trên bối cảnh văn hóa nông nghiệp, gắn với công cuộc đấu tranh với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội của con người. Đặt trong không gian văn hóa truyền thống đó, nó mới bật lên hết được ý nghĩa của mình. Ngày nay, không gian đó nhiều khi đã không còn, không nguyên vẹn (xã hội nông nghiệp tiến lên công nghiệp, con người bước đầu chinh phục được tự nhiên), nên việc mọi người xa lạ và cảm thấy khó hiểu là điều hiển nhiên. Vì vậy có những lễ hội nên xếp vào “bảo tàng”, làm tư liệu nghiên cứu. Chỉ những lễ hội vẫn còn thiết thân với đời sống hiện đại mới nên tiếp tục nhân rộng, phát huy, phổ biến.

Tham gia vào vấn đề giải quyết những xung đột cũ-mới trong vấn đề lễ hội có nhiều thành phần, trong đó về cơ bản, theo tôi, phải là các nhà quản lý và các nhà khoa học.

Nhà khoa học là người có tâm huyết, có chuyên môn sâu trong lĩnh vực, nhưng đôi khi tình yêu đó là dẫn đến những cực đoan trong bảo tồn và chưa chú ý đúng mức đến những tác động xã hội. Nhà quản lý văn hóa, ngược lại, nhiều khi không phải xuất thân từ ngành văn hóa, thiếu những hiểu biết đúng mức về văn hóa, quá chú trọng đến dư luận xã hội mà có những can thiệp thô bạo vào văn hóa. Một sự dung hòa giữa hai thái cực này là một điều cần thiết trong cải cách lễ hội tại Việt Nam.

Phan Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Cội Việt:

Phan Khắc Huy
Phan Khắc Huy

Cần sự cộng cảm tâm linh của cộng đồng

Tôi nghĩ trong bối cảnh xã hội hiện đại, lễ hội trước hết để thỏa mãn nhu cầu trình diễn đông người. Lễ hội dân gian đang trong thời kỳ phục hưng sau mấy mươi năm bị lãng quên. Tuy vậy, sự phục hưng này lại diễn ra một cách tự phát, xé lẻ, mạnh địa phương nào địa phương đó làm. Vậy nên ở những nơi tổ chức tốt, lễ hội giữ được sự thuần khiết, vừa thỏa nhu cầu là nơi vui chơi truyền thống, vừa thỏa nhu cầu tâm linh thiêng liêng. Ngược lại, ở phần đông các lễ hội, chúng ta chỉ thấy phơi bày những nghi lễ hỗn tạp, cóp nhặt mang đầy tính đố kỵ, ganh đua.

Mỗi một lễ hội truyền thống đều có không gian văn hóa, bối cảnh lịch sử khai sinh, nuôi dưỡng và biến đổi theo thời gian. Vì vậy lễ thức trong lễ hội có thể là linh thiêng phù hợp với cộng đồng tổ chức nhưng lại có những va chạm với những tiêu chí được cho là văn minh hiện đại của cộng đồng khác. Chúng ta không có quyền phán xét lễ thức là đúng hay sai, nên bỏ, nên giữ hay cải tiến nếu như không thấu hiểu ý nghĩa của nó.

Theo ý kiến của tôi, đời sống lễ hội truyền thống của chúng ta trong những năm gần đây có nhiều thay đổi tích cực. Giới trẻ bắt đầu quan tâm hơn đến các giá trị truyền thống thông qua các lễ hội được tổ chức. Nhưng khi tham gia các lễ hội cổ truyền, tôi vẫn rất băn khoăn vì cảm thấy thiếu sự cộng cảm tâm linh của cộng đồng để cùng hướng đến những giá trị nhân văn. Nhiều người đến lễ hội để chơi và cầu khẩn nhằm thỏa mãn nhu cầu mê tín nhiều hơn là tìm về giá trị truyền thống. Để giữ gìn giá trị của lễ hội truyền thống, tôi nghĩ rằng cần có sự phối hợp giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và đối tượng thụ hưởng trên cơ sở khách quan, khoa học. Riêng đối với cá nhân tôi, khi tham gia một lễ hội nào đó tôi đều cố gắng tìm hiểu nguồn gốc, ý nghĩa và những nghi lễ của nó để có thể cảm nhận được giá trị mà lễ hội mang lại.

Huỳnh Kim Kiều,
Phó giám đốc Công ty Truyền thông và Giải trí Ẩn Số Vàng, TPHCM:

Huỳnh Kim Kiều,
Huỳnh Kim Kiều,

Nhiều lễ hội không còn phù hợp

Theo tôi, lễ hội truyền thống là những giá trị văn hóa mang đậm bản sắc riêng của một đất nước. Nhưng trong bối cảnh cuộc sống hiện đại, nhiều lễ hội không còn phù hợp, đôi khi có sự không rõ ràng giữa lễ hội và chương trình, thậm chí một vài lễ thức trong lễ hội “va chạm”, đi ngược lại với các tiêu chí của đời sống văn minh hiện đại, vì thế cần xem xét thay đổi cách thức tổ chức hay xóa bỏ.

Việc thay đổi này không nằm ở một hay một số người mà cần có sự đồng lòng và nỗ lực chung của nhiều người. Trong đó phải kể đến vai trò của những đơn vị, những người tổ chức. Họ cần nhận định đúng về giá trị truyền thống để tổ chức một lễ hội mang ý nghĩa thực sự.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM: Các khu du lịch mở xuyên tết, không tăng giá...

0
(SGTT) – Khu du lịch Suối Tiên, Công viên văn hóa Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn là những địa điểm tham quan,...

Du xuân đường hoa “phố nhà giàu” Phú Mỹ Hưng

0
(SGTT) - Đường hoa Phú Mỹ Hưng ở quận 7, TPHCM, năm nay được bài trí quy mô vừa phải, bố trí lối đi...

Chùa Bà Thiên Hậu, nét đẹp văn hóa cầu bình an...

0
(SGTT) - Tuệ Thành Hội quán (còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu hay Chùa Bà Chợ Lớn) là một trong những ngôi chùa...

TPHCM tổ chức nhiều hoạt động phục vụ Tết Nguyên đán...

0
(SGTT) - Nhằm tạo không khí đón xuân vui tươi, an toàn trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, UBND TPHCM đã có kế...

Đường hoa Nguyễn Huệ sẽ khai mạc vào 9-2-2021

0
(SGTTO) - UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức đường hoa Tết Tân Sửu 2021 trên phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận...

Bình – Tĩnh du xuân

0
Nguyễn Văn Mỹ Mới nghe, cứ ngỡ là tour ung dung, thư thả; sống chậm để hưởng xuân. Ai dè, đọc kỹ, mới hay các...

Kết nối