Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Lạc lõng trên quê hương

Khánh Lam -

Trong một căn hộ cao cấp ở quận 2, TPHCM, bạn tôi cùng con gái vui vẻ trò chuyện lúc sửa soạn thổi nến để mừng cô con gái duy nhất – Ruby tròn 5 tuổi. Cạnh đó, chị giúp việc đang chuẩn bị bữa tối còn bà nội thì bày biện mấy cái dĩa, ly tách cho cháu gái ăn bánh kem mừng tuổi mới.

Một buổi sinh nhật êm đềm với những câu nói quen thuộc, có thể đã nghe đâu đó ở nhiều gia đình trong thành phố này. Chỉ khác là, thay vì nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt thì hai mẹ con dùng tiếng Anh hoàn toàn. Những lúc cần trao đổi với bà nội hoặc chị giúp việc, cô bé nói vài từ tiếng Việt ngọng nghịu rồi để người nghe tự hiểu, có khi nhờ mẹ nói giúp. Không ít lần, theo thói quen, cô bé tuôn ra một tràng tiếng Anh khiến hai người còn lại trong nhà không biết cô bé muốn gì.

“Mẹ con nó nói chuyện vậy đó. Hồi mới vô làm tui không biết làm sao nhưng giờ quen rồi. Mỗi khi nhờ việc gì, tui không hiểu là con bé nắm tay chỉ tận nơi”, chị giúp việc người miền Trung hiền lành nói.

Chị làm giúp việc theo giờ. Ba năm nay, chị lãnh nhiệm vụ đón Ruby sau giờ tan học, nấu cơm rồi dọp dẹp nhà cửa sau khi ba mẹ cô bé về nhà dùng xong bữa tối. Thời gian còn lại trong ngày, chị phụ việc cho vài nhà khác ngay trong khu chung cư. Mọi người thường giao chìa khóa để chị tự ra-vào làm việc, nên dù hàng tháng vẫn lãnh lương nhưng chị ít khi gặp chủ nhà. Thi thoảng có dịp gặp nhau thì cơ hội trò chuyện cũng hiếm, bởi cũng như nhà cô bạn tôi, mấy gia đình trẻ khác trong khu này cũng trao đổi với nhau bằng thứ ngôn ngữ mà chị không hiểu được. “Người Sài Gòn giỏi thật. Trẻ con mới bé tí đã nói tiếng Anh rào rào chứ ở quê tui, đến cấp hai tụi nhỏ mới được học ngoại ngữ”, chị nói.

“Tại Ruby nói ngọng nên khó nói tiếng Việt”, cô bạn tôi thường phân bua như thế khi người ngoài hỏi về chuyện sao ông bà, cha mẹ là người Việt, sống ở Sài Gòn mà con lại chỉ nói tiếng Anh.

Tuy nhiên, tôi biết bạn mình đã tốn nhiều công sức và tiền của để con gái có thể thông thạo ngoại ngữ như thế. Con bé có một môi trường hoàn hảo để luyện tiếng nước ngoài. Ngay từ trong bụng mẹ, Ruby đã được nghe những giai điệu nhạc Anh, nhạc Pháp. Khi con còn chưa biết nói, hai vợ chồng đã thủ thỉ trò chuyện tiếng Anh với con. Đến tuổi nhà trẻ, con bé được đi học ở trường quốc tế đắt đỏ bậc nhất của thành phố, nơi những người bạn, người thầy đến từ nhiều quốc gia khác nhau và tiếng Anh là ngôn ngữ chung để mọi người hiểu nhau.

“Vài ba năm nữa, mình sẽ cho con học tiếng Pháp, rồi thêm ngôn ngữ khác. Thời này, không giỏi ngoại ngữ thì chết”, bạn nói và dẫn câu chuyện của bản thân, rằng nếu không có ngoại ngữ thì  một cô gái trẻ bơ vơ từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp như cô đã không gặt hái được thành công như hiện tại. “Nhưng còn tiếng Việt, cứ bì bõm mãi thì làm sao con hòa nhập với xã hội”, tôi buộc miệng. Bạn nói: “Có gì đâu mà vội, giờ nói vậy vẫn ổn. Bạn bè Ruby cũng thế”.

Tôi giật mình, quả thật Ruby và bạn bè của con bé đều như vậy. Dường như lũ trẻ có một cộng đồng riêng để sống, không chỉ là gia đình, là trường học mà những cuốn sách, đoạn phim và cả nơi gặp gỡ, giải trí cũng khác với thứ mà những đứa trẻ trong thành phố đang vui chơi. Bữa tiệc thiết đãi bạn bè sau hôm cô bé tròn 5 tuổi là một trong những ví dụ. Tiệc mừng được tổ chức ở một khu vui chơi cao cấp, nơi người quản trò phải nói tiếng Anh để hướng dẫn trẻ chơi. Còn ba mẹ chúng, trong đó có khoảng phân nửa là người Việt, thì dùng tiệc đứng và trò chuyện với nhau cũng bằng ngôn ngữ đó.

***

Không lâu sau khi thông báo là đã thuê được nhân viên “xịn”, là người Việt Nam nhưng có đến 8 năm du học ở Anh về làm việc cho dự án trong nước, anh bạn của tôi, người của một tổ chức phi chính phủ rầu rĩ cho biết đang phải đi tìm người mới.

Tổ chức này đang thực hiện chương trình dài hơi giúp phụ nữ nghèo ở nông thôn cải thiện đời sống nên muốn tìm nhân viên giỏi, giúp những người nước ngoài hiểu tâm ý của các chị em, để từ đó có cách làm mang lại hiệu quả thiết thực nhất. Thế nhưng, mọi người đã thất vọng. Cô gái có thể nói tiếng Anh như người bản xứ nhưng có quá ít vốn liếng về văn hóa địa phương nên không thể hiểu hết câu chuyện của người dân để kể lại với người làm dự án. Khi trình bày chương trình, các bà, các chị cũng phản ứng vì cô thường xen vào nhiều từ tiếng nước ngoài làm bà con không hiểu. Người phụ trách dự án nhắc nhở mấy lần nhưng cô bảo không làm khác được vì “không có từ tương đương”.

Đây không phải là lần đầu anh bạn này phải thay người vì lý do như thế. Thế nên, dù thường khen giới trẻ ở Việt Nam giỏi ngoại ngữ nhưng anh cũng hay thể hiện sự ái ngại về việc nhiều bạn trẻ đang lơ là trau dồi tiếng mẹ đẻ. Nhiều người thoải mái xem phim Mỹ, phim Hàn Quốc không cần phụ đề nhưng lại “ngắc ngứ” khi trình bày một văn bản bằng tiếng Việt. “Không giỏi tiếng mẹ đẻ thì làm sao thấu hiểu được văn hóa của dân tộc mình và có sự nhạy cảm để tiếp nhận những nền văn hóa khác. Như bạn biết đó, am hiểu văn hóa bản địa là lợi thế lớn để giới trẻ hội nhập với thế giới”, anh nói.

***

Mấy hôm nay, Ruby không vui. Cô bé đang trong kỳ nghỉ xuân dài độ ba tuần, nhưng suốt cả tuần đầu tiên cô bé chỉ quanh quẩn trong nhà xem ipad, vẽ vời rồi chơi gấu bông. Thấy con bé buồn, chị giúp việc cũng lân la nói chuyện, nhưng giao tiếp “bằng tay” mãi cũng chán chị quay đi làm việc nhà. Hỏi sao không đưa con về quê nội, bạn tôi bảo về đó con bé cũng không thoải mái. Ông bà nội không trò chuyện được với cháu, hai đứa em họ làm biếng nói tiếng Anh ở nhà nên lười chơi với đứa chị, còn lũ trẻ hàng xóm thì hay trêu kiểu nói tiếng Việt cứng ngắc của Ruby nên con bé cũng không thích chơi cùng.

Bạn từng nói, Ruby là đứa trẻ tự do, con được thoải mái nói tiếng Anh, tiếng Pháp trong nhà vì hai vợ chồng bạn đều hiểu được ngôn ngữ đó, nhờ vậy con có chiếc chìa khóa mở cửa tương lai. Đúng vậy, ngoại ngữ giúp con ra bên ngoài nhưng với vốn tiếng mẹ đẻ trọ trẹ như thế, làm sao con bé có thể sống cùng được với xã hội nơi nó sinh ra. Phải chăng ba mẹ đang giao cho con trẻ chiếc chìa khóa để mở cửa tương lai nhưng lại bỏ mất chiếc chìa khóa khác, quan trọng hơn để mở cánh cửa trái tim của những người bên cạnh. Thế nên, chỉ cần ra khỏi cộng đồng nhỏ quen thuộc là con bé trở nên lạc lõng, lạc lõng ngay trên chính quê hương mình.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối