Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Khơi dậy nguồn lực khách quốc tế như thế nào trong một thế giới đầy biến động?

Đại dịch Covid-19 đã được khống chế tại nhiều quốc gia, nhưng bối cảnh thế giới vẫn còn “ngột ngạt” cho việc khai thác du lịch quốc tế tại Việt Nam khi diễn biến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nhiều nước còn khó lường trong một thế giới đầy biến động (hay còn gọi là trạng thái VUCA – viết tắt của Volatility (biến động), Uncertainty (bất định), Complexity (phức tạp), Ambiguity (mơ hồ)).

Sau hai năm “đóng băng” vì đại dịch, nhu cầu đi du lịch của khách Việt Nam ngày càng cao. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, du lịch nội địa được phục hồi nhanh chóng, các tháng mùa hè năm nay các điểm đến nổi bất gần như được lấp đầy khách du lịch nội địa.

Chuẩn bị bước qua tháng 9, học sinh quay trở lại trường học, các bậc phụ huynh cũng tập trung cho cộng việc mùa cuối năm, hệ quả của tính mùa vụ trong du lịch sẽ dần trở nên rõ nét khi thị trường chỉ khai thác một đối tượng khách nội địa. Trong khi đó, lượng khách quốc tế vốn trước đây chiếm vị trí chủ lực, lấp đầy 75% công suất trong tại các điểm đến thì vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi, nhiều thị trường khách trọng điểm còn “cửa đóng, then cài”.

Việt Nam đã gỡ bỏ hầu hết các điều kiện đi lại cho khách du lịch quốc tế, và được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nền kinh tế mở cửa thông thoáng nhất châu Á. Tuy nhiên, chính sách và lòng nhiệt tình của chúng ta vẫn chưa đủ để kéo khách vào.

Các chính sách hỗ trợ kích cầu khách quốc tế cần được triển khai mạnh mẽ và đồng đều trên các thị trường trọng điểm, trọng tâm và tập trung hơn. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Mục tiêu 5 triệu khách bị lung lay?

Gần 6 tháng kể từ khi mở cửa du lịch quốc tế (ngày 15-3), ghi nhận từ cộng đồng chuyên gia và doanh nghiệp cho thấy mục tiêu đón 5 triệu khách sẽ khó thực hiện. Nhìn lại các số liệu thống kê, trong 10 năm gần đây (2010-2019), khách từ các nước Đông Bắc Á đứng đầu trong 10 quốc tịch vào Việt Nam, chiếm gần 67% (gần 12 triệu lượt trong năm 2019). Thế nhưng, các thị trường này vẫn chưa thực sự mở cửa trở lại như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần đây, Hàn Quốc có tín hiệu tốt nhưng sau đó chính phủ nước này đã siết chặt kiểm dịch, hạn chế đi lại quốc tế do số ca Covid-19 tăng, các biến chủng mới phát tán trở lại. Nhiều chuyến bay quốc tế, chuyến bay thuê trọn gói (charter) từ Hàn Quốc đi các tỉnh thành tại Việt Nam đã bị cắt giảm ngay lập tức trong tháng 9 và tháng 10.

Nhìn vào các thị trường lớn tiếp theo trong bảng tổng sắp khách quốc tế vào Việt Nam trong giai đoạn hoàng kim 2010-2019, sẽ thấy Mỹ, Nga, Úc, Anh, Pháp vẫn đang chịu tác động nặng nề từ chiến sự Nga- Ukriane, chiến tranh thương mại, xăng dầu, lạm phát, tiền tệ, mất cân đối cán cân thương mại… Tất cả đều đang tác động lên sự phục hồi chung của ngành du lịch toàn cầu.

Bảng 1: Khách du lịch quốc tế vào Việt Nam giai đoạn 10 năm gần đây (2010-2019)

Đông Nam Á là lựa chọn ưu tiên khách quốc tế vào Việt Nam hiện nay. So với các thị trường khách quốc tế khác thì Đông Nam Á được đánh giá có tiềm năng nhất cho du lịch Việt Nam. Trong đó Malaysia và Thái Lan là hai thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh và đều trong nhiều năm gần đây.

Hai thị trường này cũng khá tương đồng với Việt Nam về xu hướng, sở thích du lịch, văn hóa, ẩm thực, kinh tế, đời sống xã hội, chính sách mở cửa du lịch của các nước bạn. Hai nguồn khách này thường đi theo đoàn, hoạt động bán tour qua các đại lý du lịch, mạng lưới bán tour của hai thị trường đều dàn trải trên cả nước. Các kênh truyền thông số, mạng xã hội cũng khá phát triển, góp phần thông tin điểm đến hiệu quả hơn. Khách quốc tịch Malaysia thì đa sắc tộc hơn, chia ra làm ba nhóm khách chính, khách gốc Hoa, gốc Malay và gốc Ấn, vì vậy thực phẩm của họ đa số là Halal. Để thu hút nhóm khách này các điểm đến cần khuyến khích doanh nghiệp mở nhà hàng Halal, các khu công cộng có phòng cầu nguyện để thuận lợi cho khách làm lễ cầu nguyện trong lúc đi tour, như sân bay cần có phòng cầu nguyện.

Bảng 2: Sự tăng trưởng của thị trường Malaysia và Thái Lan trong 10 năm (2010-2019)

Các báo cáo của Google Insights cũng cho thấy nhu cầu tìm hiểu du lịch của các nước Malaysia và Thái Lan là rất lớn, đứng hạng cao trong các nước mong muốn đi du lịch Việt Nam. Như thông tin của Destination Insights trong quý 2-2022 thì nhu cầu tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam tăng 6 lần sau khi mở cửa. Trên thực tế, nhu cầu du lịch từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Malaysia khá lớn, nằm trong Top 10 quốc gia có nhu cầu đi du lịch cao nhất.

Bảng 3: Nhu cầu du lịch quốc tế của 11 quốc gia

Trong thời điểm hiện nay, theo quan điểm của người viết, khi chưa có sự lựa chọn để thay thế cho 67% thị trường khách Đông Bắc Á thì Ấn Độ là thị trường hàng đầu của Việt Nam để lấp đầy mục tiêu. Dự kiến trong năm nay, Vietjet Air có 19 đường bay kết nối giữa các tỉnh thành Ấn Độ đến các địa phương Việt Nam. Kỳ vọng sau tháng 9 và10, lượng khách này sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và góp phần thu hút lượng khách để tiệm cận mục tiêu 5 triệu khách của cả ngành công nghiệp không khói này.

Giải pháp nào cho khách du lịch quốc tế

Visa, visa và visa. Hiện tại du lịch Việt Nam đang bị “thắt cổ chai” về chính sách phê duyệt thụ thực (Visa). Việc này đã được bàn thảo và đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy tín hiệu mở rộng visa cho khách vào Việt Nam. Hiện tại chỉ có duy nhất một cổng xin thị thực vào Việt Nam là e-visa, nhiều du khách phản ánh rằng họ bỏ cuộc đi du lịch Việt Nam vì quy trình xét duyệt e-visa và hoàn trả không đúng hạn. Kênh duyệt visa-on-arrival thì hoàn toàn chưa kích hoạt, rất nhiều doanh nghiệp muốn xin visa theo kênh này nhưng đây vẫn là ngõ hẹp cho du khách. Vì vậy, ngành du lịch mong muốn việc xét duyệt visa cho du khách quốc tế vào Việt Nam rộng rãi và thuận lợi hơn.

Quảng bá xúc tiến tại nước ngoài. Chúng ta đã có quá nhiều hoạt động xúc tiến trong nước, nhiều cuộc họp bàn giải pháp khai thác khách quốc tế, nhưng rất ít hoạt động xúc tiến ở nước ngoài. Các chính sách hỗ trợ kích cầu khách quốc tế cũng không đồng đều, có địa phương làm mạnh mẽ, có địa phương thì không. Vì vậy, hoạt động truyền thông, xúc tiến ra bên ngoài còn rời rạc và thiếu sự đồng bộ. Việc này cần được triển khai mạnh mẽ và đồng đều trên các thị trường trọng điểm, trọng tâm và tập trung hơn.

Kêu gọi mạng lưới ngoại giao tại nước ngoài hỗ trợ. Hiện tại, các nguồn lực trong nước của khối nhà nước lẫn doanh nghiệp còn khá hạn chế. Chúng ta nên tận dụng mạng lưới ngoại giao, hợp tác quốc tế, hệ thống nguồn lực của đại sứ quán và lãnh sự quán tại nước ngoài để chủ động hỗ trợ tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch Việt Nam. Giai đoạn này cần kêu gọi mạng lưới ngoại giao quan tâm và hỗ trợ ngành du lịch nhiều hơn và triển khai đồng loạt tại các nước.

Trong bối cảnh khó khăn, nếu không nghiên cứu kỹ xu hướng chuyển dịch của thị trường, nắm bắt kịp thời các điều kiện phục hồi du lịch quốc tế thì việc quảng bá xúc tiến như “vứt tiền qua cửa sổ”.

Nguyễn Sơn Thủy
Chủ tịch Diễn đàn trao đổi du lịch Việt Nam

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối