(SGTT) – Mặc dù hổ là động vật hoang dã (hoặc có nguồn gốc hoang dã nếu gây nuôi, bảo tồn theo luật pháp) quý hiếm nằm trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt ở Việt Nam và trên thế giới. Luật pháp nghiêm cấm mua bán, tàng trữ dưới mọi hình thức nhưng thực tế thì không hiếm người lấy chăn nuôi hổ làm kế sinh nhai, bất vi phạm  luật pháp, nguy hiểm cho mình và cho cộng đồng.

Hổ cắn đứt ngay ngón tay chủ trại

Vị bác sĩ thú y xin giấu tên chuyên chữa trị cho hổ kể lại, ngày xưa nói chuyện nuôi gấu rồi dùng kim chọc lấy mật tưởng là điều hoang đường nhưng vậy là mấy chục năm qua, chuyện nuôi gấu hút mật bán bất hợp pháp vẫn cứ xảy ra, đến công nhân chăn gấu cũng phải kiêm cả việc lấy mật gấu cho chủ bằng máy siêu âm dò tìm túi mật mới gọi là hàng thượng thừa.

Một con hổ đã được gây mê chuẩn bị cho vận chuyển.

Cũng như vậy, thấy Thái Lan thuần hóa, nuôi được hổ (không rõ họ nuôi hợp pháp hay bất hợp pháp) thì dân Việt cũng làm theo. Đầu những năm 2000, một số người ở Thanh Hóa và Nghệ An đã tìm mua hổ con từ Myanmar, Malaysia nhập bất hợp pháp vào Việt Nam, sau đó họ tìm cách hợp pháp hóa bằng cách làm giấy cho phép nuôi với danh nghĩa “không vì mục đích thương mại”

Vị bác sĩ thú ý cho biết theo thông tin đồn thổi, một giấy phép nuôi hổ con lên tới 1.000 đô la Mỹ do Cục Kiểm lâm cấp, thực hư thì khó ai biết có thật vậy không?

“Theo tôi tìm hiểu thì mấy anh bên kiểm lâm có đặt vấn đề nuôi hổ với cơ quan CITES nhưng họ cho biết là không được”, vị bác sĩ cho hay.

CITES (viết tắt của cụm từ trong tiếng Anh Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora) – Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp). Việt Nam tham gia Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Để thực thi CITES Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 82/2006/NĐ-CP về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nhập nội gây nuôi và trồng cấy nhân tạo các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp. Cơ quan quản lý CITES đặt tại Tổng cục Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Nhưng hổ con đã nhập về rồi, không có giấy phép nhưng người dân vẫn nuôi và tất nhiên các Chi cục Kiểm lâm địa phương trước sau đều biết nhưng chẳng hiểu sao vẫn tồn tại, mặc dù trái với công ước CITES.

“Tôi đã nhiều lần được đến các trại hổ này để chữa bệnh cũng như giúp họ gây mê đàn hổ khi chuyển chuồng. Nhớ lại lần chuyển chuồng 18 con hổ tôi phải bảo cậu đi cùng là nhớ bao nhiêu thuốc mê phải mang tất đi, mang cả thuốc giải mê đầy đủ. Chủ trại trấn an chúng tôi là hổ đã thuần hóa, bác sĩ cứ an tâm. Để chứng minh cho lời mình nói người chủ nhử miếng thịt cho một con hổ đi tới lưới B40 rồi giơ ngón tay sờ mũi nó. Ngay lập tức, nhanh như cắt con hổ hất hàm cắn đứt ngón tay giữa của vị chủ nhân này, máu chảy bê bết”, vị bác sĩ kể lại.

Trong quá trình bắn mê bằng thuốc gây mê Zoletin 50 của hãng Virbac-Pháp, vị bác sĩ phải dùng thịt bò nhử hổ đến ăn gần hàng rào B40 để bắn là trúng luôn bởi 1 mũi thuốc trị giá tới 500.000 đồng.

Khi 17 con đã mê, còn 1 con chưa mà thuốc chỉ còn 2 lọ, cậu bác sĩ thú y đi cùng tôi đã nôn nóng bắn phát thứ 18. Thật không may “đạn” trượt ra ngoài… Hai thầy trò toát hết mồ hôi vì nếu còn một con chưa mê thì cũng không thể vào trong lưới mà lôi các con hổ khác đã gây mê ra được.

“May mà còn 1 lọ tôi phải nạp, thử “đạn” rất cẩn thận, chụp áo tơi lên người, ngồi sẵn cạnh lưới, chỉ thò nòng súng qua khe áo tơi. Hai tảng thịt bò tươi được vứt cạnh hàng rào B40 gần chỗ tôi núp. Con hổ rất cảnh giác đến gần miếng thịt bò, mùi thịt bò hấp dẫn lúc đang đói đã làm nó quên hết nguy hiểm, cắm đầu vào ngoặm. Tôi thổi thật mạnh, viên đạn lao vút ra cắp phập vào đùi nó. Tôi mãn nguyện khi nhìn thấy lượt thuốc mê tự động bơm hết vào thân hổ”, vị bác sĩ nhớ lại.

Thế nhưng tai nạn vẫn chưa hết. Sau khi chở về chuồng mới 17 con đã ngọ nguậy đầu, còn 1 con vẫn nằm im bất động. Bác sĩ đến xem thấy bụng ít phập phồng, thử phản xạ mắt thấy lông mi không chớp. Biết là bị sốc thuốc mê, bác sĩ vội bảo chủ hổ khiêng nó vào chỗ mát và tiêm thuốc giải độc…

Sau 15 phút thấy có phản xạ mắt, bác sĩ biết là giải thuốc mê thành công, lúc đó mới yên tâm. Bởi hợp đồng nếu chết thì bác sĩ thú y phải mua lại con hổ bằng đúng giá trị lúc đó (ít nhất cũng phải 700 triệu đồng khi ấy).

“Làm nghề chăm sóc thú hoang dã là cẩn thận không bao giờ thừa. Tôi mà nghe lời cậu bác sĩ thú y trẻ không mang thuốc giải mê và tất cả kho thuốc mê theo thì là chuyến đi thất bại”, vị bác sĩ chăm sóc hổ này tâm sự.

Đàn hổ 11 con nuôi nhốt trong khu chuồng chật chội khiến chúng không thể sinh trưởng, sinh sản bình thường ở huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cơ sở này được cơ quan chức năng cấp giấy phép nuôi sinh trưởng, sinh sản, song đã hết hạn vào giữa năm 2017. Nguồn: Vnexpress.net

Nuôi hổ như… nuôi heo

Giới nuôi hổ suy cho cùng cũng vì mục đích thương mại, dẫu cho nuôi hợp pháp (tức được cấp giấy nuôi không vì mục đích thương mại) hay bất hợp pháp. Nấu cao là cách kiếm tiền đầu tiên của những người nuôi hổ.

Trước khi nấu cao, người ta thắp hương lên một cái điện, trên cùng là bàn thờ tứ phủ, giữa là bàn thờ thần tài, dưới cùng là bàn thờ ngũ hổ. “Tôi đến gây mê thì họ cho thức ăn gọi đàn hổ vào chuồng, khách đến chọn thì bắn thuốc đúng con đó, đợi nó nằm xuống ngủ, mở chuồng, đàn hổ ăn xong thì bước ra còn lại mỗi con ngấm thuốc nằm đó, bị bắt ra, cắt tiết thịt”.

Sau này một phần thấy cơ quan chức năng làm căng, phần nghĩ làm thế là tiếp tay cho những người vi phạm pháp luật nên vị bác sĩ thú y đã bỏ nghề.

Chất lượng cao hổ nuôi bằng thức ăn thừa, đầu, cánh gà công nghiệp theo bác sĩ thú ý, không thể bằng hổ tự nhiên được vì trong rừng chúng toàn ăn khỉ, hươu, nai…

Ông Nguyễn Văn Hiền, 39 tuổi ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, chủ hộ nuôi trái phép 14 con hổ, bị khởi tố về tội Vi phạm về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm, theo điều 244 Bộ luật Hình sự hồi tháng 8-2021. Theo cơ quan điều tra, Hiền là chủ của gia đình nuôi 14 cá thể hổ Đông Dương trong tầng hầm. Mỗi con trung bình trên 200 kg.

Một con hổ nuôi trái phép bị cảnh sát phát hiện. Ảnh: Vnexpress.net

Về vấn đề thuần dưỡng, nuôi hổ trong dân ở Nghệ An và Thanh Hóa theo lời bác sĩ thú y, họ tìm mối mua hổ con khoảng 5-7kg ở Lào, Myanmar, Malaysia về và như sự đã rồi. Họ lập trại nuôi cho chúng lớn với mục đích chính là nấu cao. Có chủ hổ thì phân chia hổ con cho các gia đình trong xã “nuôi rẽ”, nghĩa là chủ hổ bán chịu con hổ đó cho người nuôi với giá khoảng 300 triệu đồng.

Người nuôi chăm sóc trong vòng gần 2 năm khi hổ đã lớn thì chủ hổ sẽ mua lại với giá 700-800 triệu đồng. Như vậy mỗi con hổ nông dân sẽ kiếm được khoảng 400 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn thì được tiền công 200 triệu đồng, hơn nhiều so với nuôi gia súc, gia cầm.

Họ cho hổ ăn chủ yếu là đầu gà, cổ cánh gà, chân gà từ các lò mổ, giá mua rất rẻ thậm chí là các miếng thịt, cá thừa lấy trong các thùng nước gạo của các nhà hàng, đem về luộc lên nữa. Khi hổ ốm mới có thịt bò, trứng để ăn. Kỹ thuật chăn nuôi thì chủ hổ hướng dẫn cho nông dân, nếu bị bệnh thì chủ hổ sẽ kêu bác sĩ thú đến điều trị.

Bịt mắt bác sĩ thú y đi chữa bệnh cho hổ

“Chuyện chữa bệnh cho hổ của tôi bắt đầu cách đây đã hơn 10 năm, khi đang ở nhà tại Hà Nội thì bỗng nghe tiếng gõ cửa. Tôi ra mở cửa, thấy hai khách nam lạ mặt, hỏi tên, họ không nói mà cứ nài nỉ: “Chúng em có hai con hổ con bị tiêu chảy, liệt không thể đi được, bác giúp em, tiền công không thành vấn đề”, bác sĩ thú y kể lại.

Bỏ dở bát cơm trên tay, tôi lấy túi đồ nghề rồi đi. Khi lên chiếc ô tô đỗ ở đầu ngõ, cửa vừa đóng lại, một chiếc băng đen đã bịt lên mắt tôi. Họ trấn an: “Đây là chuyện tế nhị, nếu chẳng may có bị bắt, bác ngoại phạm vì không phải chủ động, không biết một tí gì”. Nhưng “tôi nghĩ họ bịt mắt mình để không thể nhớ được đường đi, lối lại đề phòng hậu họa”.

Xe chạy chừng gần hai tiếng thì đến một trang trại bí ẩn ở giữa vùng rừng núi, hơn nữa trời đã về khuya nên tôi không biết trại có rộng không, có nuôi loại thú hoang nào khác ngoài hổ nữa không. Dưới ánh đèn, hai con hổ con ốm gầy như một nhúm rẻ rách. Hổ con nuôi thường bị bệnh viêm dây thần kinh do thiếu chất nên bị liệt. Sau khi truyền mấy chai nước biển, vitamin, kháng sinh vào mạch cho chúng, bác sĩ còn cẩn thận tiêm chống viêm rồi hướng dẫn cho chủ trại cách tự chữa những ngày tiếp theo, nếu có tình huống gì đặc biệt thì gọi điện để được tư vấn.

Những con hổ Đông Dương bị nuôi nhốt trái phép trong hầm kín nhà dân ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Ảnh: Vov.vn

Một lần khác, vị bác sĩ được mời đến một tỉnh bắc miền Trung để chữa cho 6 con hổ con, được trả công 50 triệu đồng. Thường hổ con bị bệnh tiêu chảy và hô hấp dẫn đến bỏ ăn thì chủ hổ tự cho uống kháng sinh là khỏi, còn trường hợp bị liệt do viêm dây thần kinh vận động thì phải gọi bác sĩ thú y, nếu không sau 10 ngày hổ sẽ chết.

Với hổ con, khi chữa không cần phải gây mê, còn với hổ to, khi chữa hay lúc chuyển chuồng thì phải gây mê, cho vào rọ sắt, dùng đòn gánh, mấy người khiêng một lúc là hết cả đàn. Nhớ lại hồi đó các chủ hổ đón chúng tôi rất nồng nhiệt. Một lần ông chủ hổ sau khi đãi chúng tôi rất thịnh soạn liền tiện thể “buột miệng” nói rằng trước anh còn có bác sĩ ở trại hổ khác đến chữa.

Ông ấy nói nói chỉ cần một mũi thuốc ngoại là khỏi nhưng phải giá rất đắt, họ không mặc cả, đồng ý luôn, nhưng khi tiêm xong, uống hết ly cà phê thì quay lại hổ đã chết. Ông ấy đặt 100 triệu đồng nhờ chủ hổ lo hậu sự nhưng chủ hổ không đồng ý đồi đền bù 300 triệu đồng và mang xác con hổ này về.

“Tôi hiểu ngay là nếu mình chữa chết là cũng sẽ như ông kia vì thế dặn bác sĩ thú y đi cùng: “Nhất cử nhất động cậu phải làm đúng lời anh, chết hổ là đền ốm đó!”.

Nếu như chữa bệnh cho dã thú tại Trung tâm Cứu hộ Động vật Hoang dã cẩn thận một thì ở đây phải cẩn thận mười. Trên đường về tôi bảo với cậu bác sĩ thú y trẻ là về sau không bao giờ nhận đi chữa hổ kiểu như thế này nữa, nguy hiểm, căng thẳng lắm.

Dù hiện nay cơ quan chức năng thống kê nói có hơn 300 con hổ đang nuôi nhốt không vì mục đích thương mại nhưng trên dư luận và của vị bác sĩ thú y này thì lượng hổ đang nuôi cao hơn nhiều và nhiều cơ sở nuôi sau khi giấy phép đã hết hạn, đã không biết phải làm gì với đàn hổ của mình.

Dương Đình Tường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây