Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Khá lên nhờ… đất mượn

Việt Cường

Ởmột số huyện ngoại thành Hà Nội, không ít diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang hóa trong cơn lốc đô thị hóa diễn ra những năm qua. Người nông dân có tâm lý cứ để đó, chờ khi đất bị thu hồi để làm dự án thì họ sẽ được đền bù. Tuy nhiên, thời gian gần đây những mảnh đất này bỗng “sống lại”, nhờ những người dân không có đất canh tác đã đi mượn những phần đất bỏ hoang của các gia đình có đất để làm kinh tế.

Tưởng chừng đất đai là tài sản lớn, không dễ đem cho người lạ mượn sử dụng, nhưng thực tế việc mượn đất ở đây không khó khăn chút nào. Tâm lý của các chủ đất cũng muốn có người canh tác trên phần đất của mình để không bị cỏ dại tràn lan, và đến khi nào cần lấy đất để trồng trọt trở lại thì cũng đỡ mất công khai phá.

Thay vì để đất bỏ hoang, người đi mượn đất sử dụng trồng rau muống, mỗi năm thu nhập cũng được mấy chục triệu đồng.
Thay vì để đất bỏ hoang, người đi mượn đất sử dụng trồng rau muống, mỗi năm thu nhập cũng được mấy
chục triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Hương, ở thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, cho biết diện tích đất bị bỏ hoang ở trong thôn rất nhiều. Không chỉ các chân ruộng trũng, mà rất nhiều thửa ruộng thuộc diện đất màu mỡ cũng bị bỏ hoang cho cỏ dại mọc um tùm. Nhà chị Hương chỉ có ba sào ruộng tiêu chuẩn, lại không có nhà trọ cho công nhân thuê, cũng không làm ăn buôn bán gì để ra tiền nên chị đã đi mượn thửa đất khoảng 3.600 m2 để canh tác lúa và hoa màu. Chị Hương kể: “Khi mượn thường là chủ đất họ không lấy bất cứ một chút tiền nào, cũng như không lấy sản phẩm làm được. Công việc làm nông bây giờ, nhất là cấy lúa đều đã được cơ giới hóa một phần nên chỉ mình tôi cũng có thể đảm đương được hơn mẫu ruộng; thêm nữa nó chỉ thực sự vất vả vào mấy ngày mùa vụ”.

Từ mảnh đất đi mượn ấy, mỗi vụ chị Hương thu gần 2 tấn thóc (lúa), trừ chi phí đi cũng lãi được khoảng gần một nửa số thóc ấy. Niên vụ 2014 vừa qua, vụ lúa chiêm, vụ lúa mùa đều trúng nên sự tích cóp từ khoảng diện tích đất đi mượn là kha khá. Ngoài ra, với hai sào đất trồng đậu, năm qua cũng cho chị Hương nguồn thu hơn chục triệu đồng…

Ở thôn Bầu, do có dịch vụ nhà trọ phát triển rầm rộ nên khá nhiều người nông dân “chán” ruộng, và vì thế mà những người đi mượn đất để canh tác đều làm hết sức mà vẫn không xuể. Chị Lê Thị Hưng, một người cũng “làm ăn được” trên đất đi mượn của người khác, nói: “Đất bỏ hoang nhiều, tôi mượn làm cũng lắm, những hai mẫu mà làm không xuể được. Tiếc quá, vì toàn đất tốt nhưng sức lực có hạn. Mỗi sào ruộng một năm cấy hai vụ lúa, sau khi trừ hết chi phí như giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, tiền cày bừa, công gặt, công tuốt lúa… cũng vẫn có lãi khá”.

Chẳng riêng gì ở thôn Bầu, xã Kim Chung, mà mấy xã khác của huyện Đông Anh như Đại Mạch, Võng La, Hải Bối, Kim Nỗ… cũng có ruộng bị bỏ hoang nhiều và cũng xuất hiện nhiều những người nông dân đi mượn đất ruộng này để canh tác. Chị Nguyễn Thị Mai, ở thôn Sáp Mai, xã Đại Mạch, một người đi mượn ba sào đất của người khác bỏ hoang và chỉ chuyên cấy rau muống bán, vậy mà mỗi năm thu nhập cũng được mấy chục triệu đồng.

Chị Mai kể: “Đất ở khu Đại Mạch thuộc diện đồng trũng nên phù hợp với cây lúa và trồng rau muống. Tôi cấy ba sào rau muống ở phần ruộng ngập nước đi mượn gần nhà nên cứ một tháng là lại có một lứa thu hoạch rau để bán. Dịp đầu mùa xuân, khi rau muống được giá, khoảng 4.000-5.000 đồng/bó, thì một lứa rau muống cho thu nhập hơn chục triệu đồng. Khi rau vào chính vụ, giá khoảng 1.500-2.000 đồng/bó thì thu cả lứa cũng được dăm bảy triệu đồng”. Chị Mai cho biết, hàng ngày chị tự cắt rau và sáng hôm sau mang sang một chợ trong nội thành bán buôn. Mỗi hôm chị cắt khoảng 100-200 bó, vì vậy nguồn thu cứ đều đặn hàng ngày mấy trăm ngàn đồng… Từ mấy sào đất đi mượn ấy, gia đình chị đã khá lên.

Những người đi mượn đất kể trên nói rằng họ rất cám ơn những người chủ đất tốt bụng, sẵn sàng tạo điều kiện cho họ được canh tác, trồng trọt để kiếm sống mà không đòi hỏi gì. Mặt khác, cũng nhờ vậy mà nguồn lợi từ đất đai không bị phí phạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp có hướng dẫn phát triển...

0
(SGTT) - Lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành tài liệu tập huấn phát triển mô hình du...

Yêu cầu bàn giao 8 dự án cao tốc Bắc –...

0
(SGTT) - Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án hoàn thiện các thủ tục liên quan để sớm bàn...

Nha Trang sẽ bắn pháo hoa ba đêm cuối tuần đến...

0
Bắt đầu từ ngày 3-5, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà sẽ bắn pháo hoa tầm thấp vào 3 đêm cuối tuần tại...

Trưa nay ăn gì: Bữa trưa thơm lừng cùng diềm bò...

0
(SGTT) – Trong nhiều phong cách ẩm thực nướng, các món nướng của người Hàn Quốc luôn có những "tín đồ" riêng bởi sự...

Dừng nghỉ, đổ xăng ở đâu trên suốt tuyến cao tốc...

0
(SGTT) - Trên dữ liệu ghi nhận thực tế, Sài Gòn Tiếp Thị tóm lược các vị trí trạm dừng tạm, cây xăng và...

Singapore thu hồi ba loại thực phẩm có xuất xứ từ...

0
Cơ quan Quản lý Thực phẩm Singapore thông báo thu hồi một số thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gồm nem cuốn...

Kết nối