Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Kéo doanh nghiệp – thị trường lại gần

Gần 350 hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết ngay tại hội nghị sơ kết chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung-cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành năm 2014, vừa diễn ra cuối tuần qua. Ghi nhận tại hội nghị cũng cho thấy sức hút chương trình tiếp tục rất lớn, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng thêm, hàng hóa trưng bày nhiều hơn; đặc biệt các doanh nghiệp tìm ra tiếng nói chung trong hợp tác, tiêu thụ hàng hóa ở quy mô lớn.

Kết nối miền Trung, miền Bắc

Trong số các hợp đồng được ký nói trên, có 214 hợp đồng được 13 doanh nghiệp các tỉnh miền Tây Nam bộ ký kết, 53 hợp đồng đến từ các doanh nghiệp của tám tỉnh miền Đông và Tây Nguyên, 33 hợp đồng thuộc về các tỉnh miền Trung; số còn lại thuộc về doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc.

Sự tham gia ngày càng đông của các doanh nghiệp và những hợp đồng nguyên tắc được ký kết để từ đó hợp tác, giao dịch hàng hóa giữa các doanh nghiệp phía Nam và các doanh nghiệp miền Trung, miền Bắc là một thành công mới của chương trình. Có thể kế đến Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đã ký với Hội sản xuất và tiêu thụ mì Chũ Lục Ngạn (Bắc Giang); Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến gia cầm Trường Anh (Bắc Giang) ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Phạm Tôn, hệ thống siêu thị Big C; Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công thương miền Trung (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) ký kết hơn 20 hợp đồng với một số doanh nghiệp tại TPHCM…

Chủng loại, số lượng sản phẩm được doanh nghiệp các tỉnh, thành khác đưa về TPHCM ngày càng nhiều. Ảnh: Thành Hoa
Chủng loại, số lượng sản phẩm được doanh nghiệp các tỉnh, thành khác đưa về TPHCM ngày càng nhiều. Ảnh: Thành Hoa

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công thương miền Trung cho biết, hơn 20 hợp đồng được ký giữa công ty với các doanh nghiệp của TPHCM tập trung vào các mặt hàng như lương thực thực phẩm, may mặc, hàng tiêu dùng thiết yếu. Những mặt hàng này sẽ được đưa về phục vụ người tiêu dùng các tỉnh Bắc Trung bộ và Hà Tĩnh. “Dù đây là lần đầu tiên tham gia chương trình nhưng tôi thấy hiệu quả thực tế. Chương trình giống như một bà mai, giúp việc gặp gỡ, hợp tác, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp-nhà phân phối được nhanh gọn, tiện lợi, giảm thiểu thời gian cũng như chi phí”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Văn Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi và Chế biến gia cầm Trường Anh cũng cho biết, hợp đồng cung cấp khoảng 10 tấn gà đồi Yên Thế đã được công ty ký với Công ty TNHH Phạm Tôn. Với hệ thống siêu thị Big C số lượng cụ thể sẽ được thống nhất trong buổi làm việc vào tuần tới.

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Thủy, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh cho hay, hội nghị kết nối cung-cầu là dịp rất tốt để tỉnh Quảng Ninh mang những loại đặc sản như rượu Ba kích, miến dong Bình Liêu, rượu mơ Yên Tử, mực khô Cô Tô, chả mực Hạ Long, gốm nhẹ, nhựa thông vào giới thiệu, tìm nơi phân phối tại TPHCM.

Tiếp tục gỡ vướng

Bên cạnh những thành tựu đạt được, đại diện các doanh nghiệp, nhà phân phối tại hội nghị cũng khẳng định vẫn còn nhiều những khó khăn gặp phải khi triển khai thực hiện việc kết nối cung-cầu.

Bà Lê Ngọc Đào, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, những khó khăn này thường rơi vào doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cụ thể, những doanh nghiệp này có số lượng hàng hóa, bao bì mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, phong phú. Theo đó chưa đáp ứng được các nhu cầu của hệ thống phân phối, tiêu thụ. Đồng thời, có những sản phẩm chỉ mang tính thời vụ, sản lượng chưa đều, vì vậy cũng sẽ gặp khó khi vào hệ thống phân phối hiện đại.

Đứng về phía nhà sản xuất, ông Quý Đông, Giám đốc Công ty TNHH Trang trại Quý Đông (tỉnh Bình Phước) chuyên trồng trọt, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn VietGap (sầu riêng, quýt đường, bơ, mít Thái, mãng cầu…) cho biết, trong quá trình vào siêu thị thường gặp những khó khăn, sức ép. “Tôi mang hàng tới chào, họ yêu cầu phải đạt VietGap, tôi về làm VietGap mang tới họ lại hẹn sẽ gọi lại sau khi báo cáo cấp trên. Tôi chờ mãi mà không thấy gọi lại”, ông Đông chia sẻ.

Ông Đông cũng cho biết, hiện nay năm loại trái cây của trang trại đã xâm nhập siêu thị Co.op Mart, còn các chuỗi hệ thống siêu thị khác như Big C, AEON vẫn từ chối lấy hàng. Mỗi năm trung bình trang trại Quý Đông sản xuất khoảng 500 tấn, tính cả liên kết với các doanh nghiệp khác thì được khoảng 2.000 tấn. Trong khi đó, số lượng cung cấp cho siêu thị Co.op Mart mỗi ngày khoảng một tấn hàng loại một. Còn lại, cung cấp cho các nhà bán lẻ tại thị trường TPHCM, Gia Lai, Huế. Số lượng hàng dư nhiều, phải bán giá thấp ngoài thị trường, vì vậy, theo ông Đông, người sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, không muốn sản xuất VietGap.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, đối với nông sản, tiêu thụ được bao nhiêu là Co.opMart lấy hàng bấy nhiêu, trong khi cung-cầu đang mất cân đối. Cụ thể, tại các địa phương, một phần do khó khăn trong vận chuyển, một phần cũng có những loại trái cây, rau, củ, quả đặc trưng và tùy thuộc vào mùa vụ. Do đó, mặc dù chất lượng sản phẩm nông sản của nhà cung cấp sau đạt các yêu cầu, tương đương nhà cung cấp trước nhưng Saigon Co.op không thể nhập hàng. “Càng đi sau, các nhà sản xuất càng phải tìm ra các sản phẩm độc đáo, đặc thù, không được trùng lắp với các sản phẩm trước”, bà Hạnh nói.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết thời gian qua, với hội nghị kết nối, doanh nghiệp thành phố này đã tiếp cận hệ thống phân phối TPHCM thuận lợi, hiệu quả. Song song đó, doanh nghiệp TPHCM cũng tìm được đầu mối cung ứng hàng hóa, thu mua, tìm kiếm nguồn hàng. Qua đó, tạo điều kiện cho người nông dân, yên tâm đầu tư, tạo nguồn cung hợp lý cho TPHCM, giá cả hợp lý, bình ổn thị trường. Tuy nhiên, theo ông, hạn chế là chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nhiều sản phẩm của địa phương chưa vào được hệ thống phân phối.

Tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức hội nghị ở những tỉnh, thành phố khác, TPHCM và các tỉnh (thông qua Sở Công Thương) chủ động rà soát các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có tiềm năng để hỗ trợ đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó chú trọng quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu để phát huy thế mạnh từng địa phương… “Bộ Công Thương sẽ phối hợp với bộ ngành trung ương và kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách về thuế, hỗ trợ đầu tư sản xuất công nghiệp và hệ thống bán lẻ”, ông Hải nói.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tiêu chuẩn hưởng ưu đãi quá cao, doanh nghiệp hàng hải...

0
(SGTT) - Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường thuỷ cho rằng, mức vốn đầu tư để doanh nghiệp được...

‘Bền vững’, ‘thủ công’ – 2 từ khóa chính ở triển...

0
(SGTT) - Sáng ngày 20-3, hội chợ "Style Bangkok 2024" - triển lãm quốc tế quy mô lớn về các sản phẩm thiết kế...

Chưa kịp phục hồi, doanh nghiệp nơm nớp nỗi lo thị...

0
(SGTT) - Trong những ngày tất bật chuẩn bị cho mùa bán hàng cao điểm, cũng là mùa đắt hàng nhất năm, các nhà...

Nhìn về cơ hội trong một thị trường không mấy lạc...

0
(SGTT) - Giới quan sát cho rằng thị trường năm 2024 vẫn khó, buộc các doanh nghiệp phải xoay chuyển đáp ứng những thay...

Thị trường F&B vào kỳ thanh lọc, doanh nghiệp nhỏ tìm...

0
(SGTT) - Tình hình khó khăn chung của nền kinh tế gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi tiêu của người tiêu...

Kinh tế khó khăn cản trở nỗ lực khử carbon của...

0
(SGTT) - Các công ty công nghiệp nặng khắp nơi trên thế giới thừa nhận bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn hiện...

Kết nối