Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Hết thời kiếm tiền bằng video giật gân trên YouTube

Cơ quan chức năng đang mạnh tay xử lý đối với hành vi trục lợi, kiếm tiền từ các video giật gân, nhảm nhí của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trên mạng xã hội YouTube. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của cơ quan này.

Ngăn chặn việc kiếm tiền từ các clip độc hại

Quảng cáo YouTube Premium.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết đã gởi các công văn yêu cầu Google và các MCN (mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam hay Multi Channel Network – MCN) xử lý video có nội dung nhảm nhí, giật gân trên YouTube.

Động thái nêu trên được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành xử lý tình trạng tràn lan các video có nội dung nhảm nhí, giật gân, nhằm mục đích lôi kéo càng nhiều lượt xem càng kiếm được nhiều tiền trên mạng xã hội, trong đó có YouTube.

Hiện nay trên YouTube đang tồn tại nhiều kênh và video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ có nội dung không lành mạnh, vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ví dụ như các kênh, video dành cho trẻ em nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực…, theo cơ quan chức năng.

Thực trạng này đã được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhiều lần cảnh báo và yêu cầu xử lý nhưng vẫn chưa được Công ty Google giải quyết triệt để. Đáng chú ý, Cục nhận thấy các kênh YouTube này đều là các kênh cá nhân hoạt động độc lập, không chịu sự quản lý của các MCN”.

Thời gian qua hàng loạt vụ việc clip phản cảm, nhảm nhí đã bị cơ quan xử lý mạnh tay. Trong đó, điển hình là trường hợp kênh YouTube “Hưng Vlog” (gần 3 triệu người theo dõi) mới đây đã bị xử phạt 2 lần với số tiền 17,5 triệu đồng.
Vào năm 2019 Ngô Bá Khá (biệt danh là Khá Bảnh, SN 1993, trú tại Bắc Ninh) đã tung clip đập nát xe máy 70 triệu đồng, châm lửa đốt.

Trước tình hình này, cơ quan chức năng đề nghị Google tăng cường rà soát, chấn chỉnh, xử lý. Theo đó, yêu cầu Google ngừng việc chia sẻ tiền quảng cáo đối với các kênh YouTube có nội dung nhảm nhí, giật gân khi có yêu cầu của Cục, nhằm bảo vệ người sử dụng, đặc biệt là giới trẻ, và cộng đồng các nhà sáng tạo nội dung có uy tín tại Việt Nam.

Nếu kênh tiếp tục vi phạm, Cục sẽ đề nghị YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ kênh. Tăng cường bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung nhảm nhí, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ để tiến hành ngăn chặn, gỡ bỏ.

Xem xét, yêu cầu các kênh YouTube được bật kiếm tiền tại Việt Nam đăng ký vào các MCN của YouTube tại Việt Nam, đồng thời tăng số lượng MCN nhằm đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động của các kênh này.

Xử lý các doanh nghiệp “tiếp tay” cho cá nhân làm video clip vi phạm

Ảnh: www.youtubefanfest.com

Việc kiếm tiền trên YouTube quá dễ dàng khiến nhiều người bất chấp cả việc làm ra những clip có nội dung vô bổ, phản cảm, thậm chí là vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đáng lo ngại hơn khi những kênh YouTube có nội dung như vậy lại thu hút lượng người đăng ký theo dõi lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu.

Đặc biệt nhiều kênh YouTube của các đối tượng “giang hồ mạng” lại được giới trẻ hồ hởi đón nhận. Thậm chí những nhân vật này lại trở thành thần tượng của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

Chị N.P.Thảo (quận Tân Bình, TPHCM) cho biết: “Tôi rất lo lắng khi thấy nhiều clip có nội dung dung tục, cổ xúy bạo lực trên YouTube. Con tôi hằng ngày đều xem YouTube nên tôi lo sợ các cháu sẽ bị tác động, ảnh hưởng. Những clip này đều có yếu tố độc hại nhưng tôi không hiểu sao chúng vẫn tồn tại được trên mạng xã hội. Nếu không xử lý tôi e rằng các em nhỏ sẽ làm theo, học theo hết sức nguy hiểm”.

Những clip này có tác động mạnh đến giới trẻ, hậu quả là giới trẻ bắt đầu có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc, cư xử không đúng mực, thậm chí làm theo là rất nguy hiểm. Hiện nay các cơ quan chức năng rất bị động trong việc phát hiện, xử lý ngay từ đầu với các clip như vậy. Cho nên, đến khi sự việc xảy ra thì mọi chuyện đã muộn”.

Theo các chuyên gia an ninh mạng sở dĩ các clip xấu độc, nhảm nhí, phản cảm bùng phát trên YouTube là có phần tiếp tay từ các doanh nghiệp là các MCN. Các doanh nghiệp này vì lợi nhuận đã “dung túng” cho các kênh YouTube xấu, độc hại. Các MCN không quan tâm đến nội dung các các kênh này ra sao mà vô tư bật kiếm tiền cho các kênh này và nhận chia sẻ lợi nhuận.

Thậm chí nhiều MCN còn quảng bá cho các kênh này nhằm tăng lượt đăng ký, tăng lượng quảng cáo để thu tiền nhiều hơn. Hiện ở Việt Nam có hàng chục DN đứng ra làm các MCN trong đó quản lý hàng ngàn, hàng chục ngàn kênh YouTube khác nhau. Nếu không quản lý được nội dung của các kênh này thì số lượng clip độc hại tràn lan là rất lớn.

Để xử lý các doanh nghiệp là các MCN, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết cũng đã gởi công văn đến các MCN, với vai trò là mạng đa kênh của YouTube tại Việt Nam tăng cường rà soát, chấn chỉnh các kênh YouTube thuộc mạng lưới quản lý của mình.

Cục yêu cầu các chủ kênh YouTube tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp, quản lý nội dung và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ liên quan đến thuế. Không đăng tải các video clip có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ví dụ như các kênh, video hướng tới đối tượng người xem là giới trẻ nhưng có hình ảnh dung tục, phản cảm, nội dung nhảm nhí, cổ súy việc chơi cờ bạc, thử ma túy, kích động bạo lực, giang hồ mạng…

Các MCN tăng cường giám sát, bổ sung nhân sự, bộ lọc và công cụ kỹ thuật để chủ động rà soát, phát hiện các kênh, video có nội dung vi phạm để kịp thời xử lý. Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cũng sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các đối tượng chủ kênh YouTube và các MCN vi phạm.

Xử lý hàng ngàn video clip có nội dung độc hại

Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho biết thời gian qua đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa 6.337 clip, 3 kênh YouTube (2 kênh của Ngô Bá Khá – tức Khá “Bảnh” và 1 kênh của “Dũng trọc Hà Đông”).

Đơn vị cũng đã yêu cầu Facebook gỡ bỏ 544 bài viết, tài khoản cá nhân và Fanpage trên Facebook có nội dung xấu, độc, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện,… Thời gian tới, Bộ Công an phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường công cụ kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng. Yêu cầu các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Chánh Trung

Theo TBKTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề