Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Hãy tiết kiệm điện, nước

Cuối tuần rồi tôi có ghé thăm người cháu đang ở trọ, là sinh viên năm nhất. Đúng là bọn trẻ, nhất là nam, căn phòng bừa bộn không thể tả. Nhưng sự kém ngăn nắp ấy không làm tôi khó chịu bằng việc các cháu quá lãng phí. Ban ngày, dù căn phòng hưởng đủ ánh sáng mặt trời từ cửa sổ chiếu vào nhưng cháu và các bạn vẫn bật đèn điện. Căn phòng chỉ có ba người nhưng có ba chiếc quạt và quạt cứ quay ù ù làm tôi chóng cả mặt. Biết rằng đang là mùa nắng, đứa nào cũng cảm thấy nóng nực trong người, buộc phải mở nhiều quạt cho mát. Nhưng điều đó sẽ gây tác dụng ngược. Khi tôi bảo làm như thế là tốn tiền điện, thì cháu tôi nói: “Có gì đâu mà lãng phí chứ cậu. Chủ nhà trọ bao mà, mình cứ dùng vô tư”. Tôi lắc đầu vì thái độ bàng quan ấy, rồi nhẹ nhàng bảo ba đứa: “Biết là người ta bao, các cháu không mất tiền, nhưng cần phải tiết kiệm. Các cháu không biết là mùa nóng hay thiếu nước, sinh ra thiếu điện hay sao. Nếu biết tiết kiệm thì ngân sách Nhà nước được dư ra, có cái để lo cho đời sống an sinh xã hội, và các hộ gia đình đỡ phải thấy cảnh cúp điện”. Tôi còn giải thích thêm là bật nhiều quạt, nhiều bóng đèn điện lúc ban ngày chỉ mát và làm sáng tức thời rồi sau đó căn phòng sinh ra nhiệt, khô người. Nghe tôi giải thích cặn kẽ, ba đứa lặng lẽ đi tắt bóng đèn và tắt bớt hai chiếc quạt treo tường.

Đến lúc ăn cơm xong, bạn cháu tôi bê chén đĩa đi rửa. Thấy nước tràn cả bồn rửa, tôi nhắc cháu không nên xả nước tràn lan như vậy, sẽ gây lãng phí nước. Vẫn điệp khúc “miễn phí”, bạn cháu tôi gãi đầu trả lời rằng chủ nhà bao nước nên đâu có tốn tiền. Tôi lại phải giải thích cho mấy đứa hiểu dù mình không tốn tiền nước, không phải nước của mình nhưng làm như vậy tội cho chủ nhà vì họ đóng một khoản tiền rất cao, trong khi mức sử dụng thực sự không hợp lý. Ba đứa vâng dạ, vội vàng khóa vòi nước. Tôi biết có thể chúng khó chịu (chỉ nghe lời tức thời và làm cho tôi vừa lòng) nhưng thấy sự lãng phí thì tôi cần phải nói, dù bất cứ ai và họ có ghét hay không. Nếu không nói thành ra sự tốn kém sẽ kéo dài, sẽ là một sự thỏa hiệp với sự phung phí. Một, hai, ba... người nói thì sự lãng phí ấy từ từ chấm dứt, tiết kiệm sẽ đi vào khuôn khổ.

Thực tế cho thấy, hiện nay còn rất nhiều trường hợp sử dụng điện, nước một cách lãng phí như cháu tôi và các bạn cùng phòng. Tiếc là lối suy nghĩ rằng “ta đã trả tiền nên ta cứ sử dụng thoải mái, không cần phải ngại, không cần phải gìn giữ hay tiết kiệm” tồn tại trong một bộ phận khá lớn dân chúng, gồm cả người trẻ còn đi học cho đến người đã đi làm. Sự lãng phí đó nếu không được ngăn chặn sẽ thản nhiên bước vào nhà mình và chính gia đình mình bị tốn kém vì tư tưởng lãng phí đeo bám. Ngân quỹ gia đình thâm hụt cũng bắt nguồn từ đây.

Trong lịch sử thế giới loài người, đã xảy ra biết bao thiên tai hạn hán khủng khiếp khiến sông ngòi khô cạn, cây cối chết trụi, con người lâm vào cảnh chết khát. Việt Nam cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Năm 2016, Đồng bằng sông Cửu Long phải gánh chịu đợt hạn hán khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử 100 năm qua, khiến cho lúa nước, hoa màu, cây ăn trái thiệt hại nặng nề.

Nước có tầm quan trọng biết bao nhiêu đối với con người. Vì vậy hãy tiết kiệm điện, nước (có nước mới sinh ra điện) mọi lúc mọi nơi, cho mình và cho cộng đồng của mình. Việc tiết kiệm nước sẽ làm giàu ngân quỹ gia đình, ngân sách nhà nước và giúp trái đất không lâm vào tình cảnh thiếu nước.

Trần Thái Học (Bến Tre)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối