Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Hành trình ‘bão tố’ chinh phục cung trekking 200km ở Nepal

(SGTT) – Anh Trần Trung Hiếu, nhiếp ảnh gia tự do ở Hội An, vừa có chuyến đi Nepal và dành 14 ngày chinh phục cung trekking Annapurna Circuit (AC) với nhiều trải nghiệm “bão tố” nhưng đầy ý nghĩa.
Cung trekking Annapurna Circuit (AC), có độ dài gần 200km ít được chọn hơn bởi thời gian đi nhiều, người leo núi cần khoảng 2 tuần để chinh phục. Ảnh: Trần Trung Hiếu

Nepal là quốc gia có nhiều cung trekking đẹp như Everest Base Camp (EBC) hay Annapurna Base Camp (ABC), khá phổ biến với khách Việt. Tuy nhiên, cung trekking Annapurna Circuit (AC), có độ dài gần 200km ít được chọn hơn bởi thời gian đi nhiều, người leo núi cần khoảng 2 tuần để chinh phục.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Hành trình của anh Hiếu xuất phát từ Đà Nẵng, sau đó bay qua Ấn độ và tiếp tục đón chuyến bay đến thủ đô Kathmandu, Nepal.

Ảnh: Trần Trung Hiếu
Ảnh: Trần Trung Hiếu

Để leo núi ở Nepal cần có giấy phép (trekking permit) gồm hai loại: giấy phép leo núi toàn Nepal và giấy phép riêng từng vùng.

Sau khi bay đến Nepal, người leo núi cần làm trekking permit và di chuyển 350km đến vị trí xuất phát tại một ngôi làng để đi xe jeep vào chân núi. Đoạn đường từ Kathmandu đến điểm trekking khá khó đi, nhiều ổ gà, ổ voi.

Ảnh: Trần Trung Hiếu
Ảnh: Trần Trung Hiếu

“Kỷ niệm đáng nhớ nhất là bị kẹt trên núi 5 ngày, cứ nghĩ là sẽ ngắm cảnh mùa Thu lãng mạn, tuy nhiên thời tiết hôm đó xấu bất thường, gió lớn và bão tuyết. Cả nhóm đi được nửa hành trình, rồi kẹt lại. Đi xuống cũng không được vì mưa lớn, sạt lở nhiều; đi lên cũng không xong vì tuyết ngập dày, quá đầu gối, có chỗ quá ngực. Mọi người đành… chờ khoảng 5 ngày để thời tiết tốt hơn. Lúc đó thì chỉ biết chờ đợi, cũng không biết khi nào thời tiết ổn, cuối cùng may mắn cũng mỉm cười…”, anh Hiếu chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình chinh phục Annapurna Circuit.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Hôm sau là ngày đẹp nhất trong cả hành trình, khi mây mù tan, trời quang tạnh ráo, tuyết bắt đần tan và các đỉnh núi bắt đầu hiện ra phía xa xa chân trời.

“Cứ đi được một lúc là mình lại phải dừng lại để chụp hình, mà vẫn cảm thấy những bức hình không thể nào lột tả được hết vẻ đẹp của nơi đây”, anh Hiếu kể lại.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Theo anh Hiếu, cung Annapurna Circuit không quá khó. Tuy nhiên, để chinh phục đỉnh cao nhất là 5.400m khá mệt và “đuối sức”.

Càng tiến gần đỉnh, không khí càng loãng, thiếu oxy nên người leo núi dễ bị mệt. Nếu đi tự túc, người leo núi phải vác ba lô hành lý khoảng 16kg, còn đi tour sẽ có người hỗ trợ, đỡ vất vả hơn.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

Khi có kế hoạch đi Nepal, người leo núi nên dành thời gian chạy bộ hoặc theo cầu thang mỗi ngày, trước khi khởi hành từ một đến hai tháng.

Địa hình ở Nepal chủ yếu là đồi núi, dốc… nên việc leo cầu thang thường xuyên rất tốt cho việc chuẩn bị thể lực chinh phục hành trình này.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

“Người leo núi lưu ý mang theo đồ ấm, vì lên cao rất lạnh, nhất là vào ban đêm. Nếu  không mang đủ đồ ấm, mọi người trong đoàn cũng rất khó để hỗ trợ. Và một điều quan trọng nữa là phải sắp xếp đồ đạc sao cho hợp lý, dưới 12kg càng tốt; nên chọn đồ đạc nhẹ nhất và bỏ đi những thứ không cần thiết”, anh Hiếu nói.

Ảnh: Trần Trung Hiếu
Ảnh: Trần Trung Hiếu

Anh Hiếu chia sẻ, khả năng lạc đường ở cung trekking này khá thấp, vì hầu như mọi người đi khá đông và chỉ có một con đường chính. Tuy nhiên, người leo núi cũng nên tìm hiểu kỹ những thông tin về đường xá, điểm dừng chân phù hợp.

Ảnh: Trần Trung Hiếu

“Các bạn nên dành thời gian tập thể lực, dù có đi tour hay tự túc. Thậm chí, nếu có người vác đồ dùm thì họ cũng rất mệt, mọi người đều không thật sự tận hưởng hành trình này”, anh Hiếu tâm sự.

Ảnh: Trần Trung Hiếu
Ảnh: Trần Trung Hiếu
Ảnh: Trần Trung Hiếu

Do toàn bộ là tự túc, nên chi phí cho chuyến đi của anh Hiếu là 24 triệu đồng. Anh vẫn đang ấp ủ kế hoạch sẽ quay lại Nepal vào tháng 4 năm sau để chinh phục cung Everest Three Passes.

Nguyễn Phong

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề