Thứ hai, Tháng mười hai 16, 2024

Hàng không Đài Loan sáng tạo với tour ngắm sân bay và chuyến bay ‘giả’

Dịch Covid-19 làm giảm đến 99% số chuyến bay và hành khách của các hãng hàng không Đài Loan. Các sân bay vắng hoe. Nhưng ngành dịch vụ Đài Loan rất sáng tạo. Các sân bay và các hãng hàng không giá rẻ cũng như truyền thống cùng tham gia một thị trường mới mẻ để đáp ứng nhu cầu du lịch nước ngoài của cư dân hòn đảo…

Hành khách lên máy bay ở sân bay Tùng Sơn - Ảnh: Reuters
Bay giả ở Tùng Sơn, ngắm cảnh Đào Viên

Sân bay Tùng Sơn (Songshan) ở Đài Bắc đưa ra ý tưởng: mời khách giả bộ làm một chuyến đi nghỉ ở nước ngoài. Tùng Sơn tổ chức ít nhất ba tour cho du khách địa phương vào đầu tháng 7 rồi với 90 khách mỗi lần. Trong ba tiếng rưỡi, khách sẽ tham quan sân bay, làm các thủ tục xuất nhập cảnh (cho có vẻ thôi) và cuối cùng lên và xuống máy bay của hãng China Airlines hay Eva Airways. Cũng thắt dây an toàn, nhưng cửa máy bay không đóng trong suốt thời gian này. Sau đó, họ có buổi ăn nhẹ và cơ hội mua hàng miễn thuế, trừ thuốc lá.

Tùng Sơn là sân bay nội địa, đôi lúc có các chuyến bay quốc tế đi Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Theo trang Triposo, Tùng Sơn đón 6,2 triệu lượt khách trong năm 2018, chỉ bằng 13% của con số 46,5 triệu lượt khách của sân bay quốc tế Đào Viên (Taoyuan). Nhưng dịch bệnh kéo đến, cả hai sân bay vắng tanh.

Trong tháng 8 này, sân bay quốc tế Đào Viên cũng khởi sự chương trình tương tự như Tùng Sơn. Mỗi thứ Năm và thứ Bảy sẽ có khoảng 400 khách vào tham quan sân bay, ngắm hoàng hôn ở sân bay, mua đồ miễn thuế, thưởng thức trà chiều và bốc thăm trúng thưởng…

Chuyến bay thật nhưng không đáp đâu cả

Sáng 7-8 là cảnh tượng hiếm hoi ở Đào Viên khi có gần 200 hành khách đứng xếp hàng để làm thủ tục cho chuyến bay. Tuy nhiên, “họ thật sự sẽ không đi đâu cả”.

Nhân viên sân bay Tùng Sơn “giả bộ” trưng các bảng yêu cầu kiểm tra y tế và cách ly trong hai tuần - Ảnh: Reuters

Chuyến bay của hãng hàng không Starlux cất cánh vào lúc 11 giờ sáng, bay dọc theo bờ biển phía đông của Đài Loan và lướt qua Philippines trước khi quay về lại Đào Viên. Mặc dù chuyến bay không hề hạ cánh ở bất cứ đâu, nhưng đối với những người đam mê du lịch thì chỉ vậy thôi là cũng đủ.

“Chúng tôi rất vui mừng vì đã được trên chuyến bay này! Đây là lần đầu tiên trong năm nay mà tôi được lên máy bay. Tôi đã lên sẵn một danh sách mua sắm miễn thuế cho bản thân và đồng nghiệp của mình”, Peter Wu, người trên chuyến bay cùng với đồng nghiệp, cho Nikkei Asia Review biết.

Starlux cho biết, hành khách đã xếp hàng ở quầy làm thủ tục từ trước khi họ mở cửa vào lúc 8 giờ sáng và hầu hết các thủ tục cho chuyến bay đã được hoàn thành trước 9 giờ sáng. Chuyến bay này đã được điều khiển bởi K.W. Chang, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập của Starlux và cũng là người hướng dẫn trên chuyến bay. Thú vị là món ăn trên chuyến bay là các món ăn địa phương do đầu bếp có sao Michelin đảm trách. Khách sau đó có thể mua hàng miễn thuế.

Starlux đã cung cấp chuyến bay này thông qua sự hợp tác với nền tảng du lịch Klook, có trụ sở tại Hồng Kông. Được giới thiệu là gói “Muốn đi nước ngoài”, gói du lịch này có giá khởi điểm từ 159,80 đô la Mỹ. Những người muốn một trải nghiệm du lịch đầy đủ hơn có thể ở thêm một đêm tại khách sạn 5 sao ở Đài Bắc sau khi chuyến bay kết thúc.

Nieh Kuo-wei, Giám đốc truyền thông của Starlux, phát biểu: “Tất cả các gói du lịch cho chuyến bay bán hết sạch chỉ sau vài phút được mở bán. Vì thế, chúng tôi đã lên kế hoạch để tổ chức một chuyến bay nữa vào giữa tháng 8 này. Chúng tôi rất ngạc nhiên về số lượng người thèm muốn được di du lịch”.

Trong khi đó, hãng lữ hành trực tuyến Klook cho biết thì những người đã quen với việc đi du lịch đang rất khao khát một trải nghiệm tương tự. “Mọi người đang nhung nhớ ngay cả những khoảnh khắc du lịch đơn giản như sử dụng hộ chiếu hoặc lấy hành lý của họ tại băng chuyền”, theo lời Marcus Yong, Phó chủ tịch tiếp thị ở châu Á - Thái Bình Dương của Klook.

Hành khách trên các chuyến bay như trên vẫn phải xuất trình hộ chiếu hợp lệ, mặc dù hộ chiếu này sẽ không được đóng mộc khi khởi hành hoặc trở về.

Thị trường “du lịch giả vờ”

Starlux không phải là hãng hàng không duy nhất đã giới thiệu các gói “du lịch giả vờ”. Các hãng hàng không lớn khác của Đài Loan như China Airlines và Eva Air cũng đã giới thiệu các gói du lịch đặc biệt tương tự.

Làm thủ tục trước chuyến bay của Starlux sáng 7/8 ở Đào Viên - Ảnh: Nikkei

Eva Air, hãng hàng không tư nhân lớn nhất tại Đài Loan, sẽ ra mắt chuyến bay không điểm đến cho Ngày của Cha vào thứ Bảy 8-8 này. Chuyến bay có giá 5.288 đô la Đài Loan, tương đương 180 đô la Mỹ, sẽ khởi hành sẽ cất và hạ cánh tại sân bay quốc tế Đào Viên trong ngày. Máy bay sẽ theo dọc bờ biển phía đông của Đài Loan tới phía nam của hòn đảo. Khách sẽ được ngắm bờ biển phía đông Đài Loan ở độ cao 7.000-8.000m.

China Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Đài Loan, cũng đã cung cấp hai gói du lịch tương tự vào ngày 8-8 và 15-8. Gói của hãng hàng không nhà nước này bao gồm một tiếp viên dạy kèm cho trẻ em và một cabin mô phỏng để khách tham quan.

Hành khách có thể mua sắm miễn thuế trên các chuyến bay mà không cần nhập cảnh ra nước ngoài khi phi cơ bay qua không phận của Nhật Bản hay Philippines. Chẳng hạn chọn Philippines, đường bay của China Airlines sẽ bay qua đảo Ishigaki, trong khi Eva Air sẽ bay qua phần phía tây của quần đảo Ryukyu.

Vực dậy tinh thần

Các chuyên gia cho rằng, chuyến bay du lịch chiếm một vị trí đặc biệt trong lòng các du khách Đài Loan. “Mặc dù các chuyến bay nội địa tại Đài Loan vẫn đang hoạt động, nhưng đối với hầu hết người Đài Loan thì 'đi máy bay' đồng nghĩa với việc đi ra nước ngoài du lịch”, Daniel Cheng, nhà sáng lập nền tảng du lịch Redefine Tourism Mixer, cho biết.

Ông cũng cho biết thêm rằng trong khi thị trường du lịch nội địa Đài Loan đang chứng kiến sự phục hồi thông qua các khoản trợ cấp từ chính phủ, thì "các loại hình trải nghiệm địa phương mới và sáng tạo được hoan nghênh" bởi những người buồn chán ở nhà.

Bữa ăn thịnh soạn do đầu bếp Michelin chuẩn bị. Ảnh: Klook

Cư dân Đài Loan thực hiện hơn 16 triệu chuyến bay ra nước ngoài mỗi năm, khiến các chuyến đi nước ngoài này đã trở thành một thói quen tiêu dùng", Muchou Ko, Phó chủ tịch Hiệp hội Phát triển Du lịch Đài Loan, cho biết." Mọi người thích những 'chuyến bay giả' này

Tổng sản lượng nội địa (GDP) trong quý 2 của Đài Loan giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái trong 17 quý qua. Chính quyền hòn đảo cho rằng sự sụt giảm này là do lượng du khách quốc tế giảm mạnh kể từ Đài Loan đóng cửa không phận phòng dịch Covid-19 từ đầu tháng 3 vừa rồi.

Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề khi số chuyến đi của dân Đài Loan và khách quốc tế giảm đến 99% trong quý vừa rồi. Lion Travel, công ty du lịch niêm yết lớn nhất ở Đài Loan, đã chứng kiến doanh thu của mình suy giảm hơn 90% trong quý rồi. Doanh thu của Eva Air và China Airlines trong quý vừa qua cũng lần lượt giảm 56% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tour sân bay hay những chuyến bay không đáp đâu cả tuy không bù đắp nổi lợi nhuận mất mát do dịch bệnh, nhưng ít nhất lúc này đây là “những giờ phút lạc quan nhất của ngành du lịch” – Chủ tịch Chang của hãng bay Starlux nhấn mạnh.

Ricky Hồ - Lê Hiếu

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối