Thứ Bảy, Tháng Tư 27, 2024

Hà Tĩnh giãn cách xã hội toàn thành phố từ 12 giờ trưa nay

(SGTT) – Trưa ngày 8-6, Hà Tĩnh quyết định thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 thứ 10 trong cộng đồng.
Sáng ngày 8-6, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã tạm thời phong tỏa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và thiết lập 6 chốt phong tỏa tại tổ dân phố 6, phường Bắc Hà và tổ dân 3 phường Nguyễn Du, thành phố Hà Tĩnh – nơi có trường hợp nghi mắc Covid-19 sinh sống. Ảnh: baohatinh.vn

Theo báo Hà Tĩnh, sáng ngày 8-6, sau khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 là người đang công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Tĩnh đã họp khẩn để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và quyết định giãn cách xã hội thành phố Hà Tĩnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ bắt đầu từ 12h trưa nay cho đến khi có quyết định tiếp theo.

Báo Thanh niên thông tin thêm, phạm vi là giãn cách toàn bộ 15 xã, phường với tổng số 25.516 hộ và hơn 103.000 nhân khẩu trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Việc cách ly được thực hiện theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn cách ly với thôn, xã/phường cách ly với xã/phường.

Tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thực sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu hoặc làm việc tại công ty, nhà máy….

Bên cạnh đó, phải thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp và không tập trung quá 2 người bên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện hoặc ở nơi công cộng.

Trưa 8-6, trong nước có thêm 75 ca mắc mới Covid-19

Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 6:00 đến 12:00 ngày 8-6, Việt Nam có thêm 75 ca mắc mới Covid-19; trong đó, Bắc Giang 55 ca, TPHCM 10 ca, Bắc Ninh 4 ca, Lạng Sơn 5 ca, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh 1 ca.

Nhân viên y tế chuẩn bị các ống mẫu xét nghiệm. Ảnh: HCDC

Trong số các ca nhiễm được Bộ Y tế công bố trưa nay, có 74 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Các ca nhiễm mới gồm:

  • Ca BN9029-BNBN9033, BN9037, BN9039-BN9040, BN9042, BN9044-BN9045, BN9048-BN9053, BN9055-BN9067, BN9069-BN9093 ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang trong khu cách ly và khu vực đã được phong tỏa, liên quan đến công nhân làm tại các khu công nghiệp.
  • Ca BN9034-BN9036, BN9038 ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh: 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Quế Võ, 2 ca liên quan đến ổ dịch Khu công nghiệp Khắc Niệm.
  • Ca BN9068 ghi nhận tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (là nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19).
  • Ca BN9041, BN9043, BN9046-BN9047, BN9054 ghi nhận tại tỉnh Lạng Sơn: Là F1 của BN8794, đã được cách ly.
  • Ca BN9094-BN9103 ghi nhận tại TPHCM: 6 ca liên quan đến nhóm truyền giáo Phục Hưng, 3 ca là các trường hợp F1, 1 ca đang điều tra dịch tễ.

Tính đến 12 giờ ngày 8-6, Việt Nam có tổng cộng 7.520 ca ghi nhận trong nước. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 5.950 ca.

Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 thứ 54 tử vong

Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vừa thông báo về ca tử vong số 54 là BN3422, nam, 51 tuổi, có địa chỉ tại thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Bệnh nhân có tiền sử viêm gan nhiễm độc theo dõi do thuốc nam, xơ gan điều trị nhiều đợt.

Theo thông tin trên báo Tin tức, một tuần trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện sốt cơn, kèm mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, vàng da, vàng mắt.

Ngày 4-5, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh, được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết trên nền xơ gan Child-Pugh C, hôn mê gan độ 2, bệnh nhân được làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 cho kết quả âm tính.

Đến ngày 9-5, bệnh nhân tiếp tục được làm xét nghiệm SARS-CoV-2 và cho kết quả dương tính. Trong quá trình điều trị, tình trạng bệnh nhân tiến triển nặng dần, suy hô hấp tiến triển, được đặt ống nội khí quản, thở máy vào ngày 26-5. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn trên bệnh nhân xơ gan mất bù Child Pugh C, biến chứng hôn mê gan, viêm phổi do SARS-CoV-2.

Bệnh nhân được điều trị tích cực, an thần thở máy, vận mạch, kháng sinh phổ rộng kết hợp, truyền các chế phẩm máu, lọc máu liên tục và lọc thay huyết tương nhiều lần, duy trì các thuốc điều trị và dự phòng xuất huyết tiêu hóa, nuôi dưỡng và chăm sóc toàn diện.

Tuy nhiên, đến 4:00 sáng ngày 7-6, bệnh nhân đột ngột xuất hiện tình trạng chảy máu qua sonde dạ dày, mũi miệng, số lượng nhiều, khó cầm nghi do vỡ tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc mất máu. Mặc dù đã được cấp cứu tích cực nhưng tình trạng sốc không cải thiện, bệnh nhân tử vong cùng ngày.

Bệnh nhận được chẩn đoán tử vong sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên nền bệnh nhân sốc nhiễm trùng, xơ gan mất bù hôn mê gan, viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2.

lực lượng chức năng trực chốt phong tỏa các con hẻm liên thông tại phường 15, quận Bình Thạnh. Ảnh: HCDC

TPHCM sẵn sàng triển khai các biện pháp mạnh hơn để dập dịch

Hôm qua (7-6), TPHCM họp giao ban Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã đề nghị lãnh đạo thành phố Thủ Đức và các quận, huyện tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các chốt chặn cách ly trên địa bàn. Nếu cần thiết thì triển khai các biện pháp mạnh hơn nữa để dập dịch sớm nhất.

Theo thông tin trên báo Thanh niên, tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh, cho biết từ ngày 28-5 đến ngày 6-6, TPHCM có 640 ca nhiễm Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó, 433 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ 67,7%. Đã có 268 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 41,87%. Có 1 bệnh nhân (BN5463) tử vong do bệnh nền suy thận nặng, chiếm tỷ lệ 0,16%.

Về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM đợt này, số lượng ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 địa phương. Có đợt cao điểm ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Y tế, nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của thành phố, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hằng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, khoảng 20 – 25 ca trong cộng đồng.

“Song, vẫn còn những ca F1 ở các nhánh, chi nhánh của ổ dịch vẫn chưa khai báo hoặc khai báo chậm nên việc truy vết vẫn còn tiếp diễn như ổ dịch tòa nhà Samco, quân 1”, ông Bỉnh nhấn mạnh.

Vắc-xin Việt Nam sản xuất đang thử nghiệm giai đoạn 3. “Nếu mọi việc suôn sẻ, trong quí 3 sẽ có nguồn vắc-xin nội để sản xuất, không thua một số vắc-xin ở các nước lân cận”, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin.

Nguyễn Nam tổng hợp


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sau ca đậu mùa khỉ đầu tiên, HCDC cảnh báo nguy...

0
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), sau khi phát hiện ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM,...

TPHCM ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

0
Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết thành phố đã phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện ca bệnh...

Người nhập cảnh nghi ngờ hoặc mắc đậu mùa khỉ sẽ...

0
(SGTT) - Theo đại diện của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), khi nhập cảnh từ vùng có dịch hoặc không có...

Kích hoạt đo thân nhiệt tại cửa khẩu để giám sát...

0
Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, để phát hiện sớm các ca bệnh, Bộ Y tế...

Bàn chuyện có nên cách ly tập trung khi mắc đậu...

0
(SGTT) - Để tránh tình trạng lây lan rộng bệnh đậu mùa khỉ, việc cách ly tối thiểu 14 ngày là điều cần thiết....

Nhiều địa phương vẫn cách ly người đến từ TPHCM

0
(SGTT) - Lai Châu, Bình Định là những địa phương vẫn áp dụng biện pháp cách ly, theo dõi y tế đối với người...

Kết nối