Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Gói vay cho cá nhân: lãi suất khá thấp

Trần Thu

Ngay sau kỳ nghỉ tết, nhiều ngân hàng đưa ra các gói vay ưu đãi chủ yếu nhắm đến khách hàng cá nhân, phục vụ mục đích mua nhà, ô tô với lãi suất khá thấp, chỉ còn 7-8%/năm, nhưng các gói vay lãi suất cố định 3-5 năm gần như không còn nữa.

Bà Mây quyết định mua một căn hộ chung cư tại quận Thủ Đức, TPHCM, và được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho vay 500 triệu đồng, phê duyệt từ đầu tháng 2, với lãi suất 9,6%/năm cố định trong năm năm, thời hạn vay 15 năm. Tuy nhiên, bà Mây được hưởng lãi suất 9,4%/năm nếu thời gian giải ngân trong tháng 3, và được giảm thêm 2% lãi suất trong năm đầu tiên vì lâu nay bà được công ty trả lương qua ngân hàng này.

Sau năm năm đầu, bà Mây sẽ phải trả lãi theo lãi suất thông thường được áp dụng tại thời điểm đó (hiện lãi suất cho vay thông thường là 10,8%/năm), nhưng được miễn phí phạt nếu trả nợ trước hạn (sau năm năm đầu).

Mức lãi suất cho vay cá nhân này khá thấp so với những năm trước đó. Tuy nhiên mới đây, nhiều ngân hàng còn đưa ra các gói vay mua nhà đất, ô tô với lãi suất còn thấp hơn, có nơi chỉ 7-7,2%/năm – khá thấp so với lãi suất huy động hiện nay của nhiều ngân hàng là 6,8-7,3%/năm (cho tiền gửi kỳ hạn 12 tháng).

Nhân viên tín dụng của một ngân hàng ở TPHCM đang tư vấn các gói vay cho khách hàng.
Nhân viên tín dụng của một ngân hàng ở TPHCM đang tư vấn các gói vay cho khách hàng.

Nhiều gói cho vay ưu đãi

Theo thông tin từ Ngân hàng An Bình (ABBank), từ ngày 1-3 đến hết ngày 30-9, ngân hàng này dành 1.000 tỉ đồng cho khách hàng cá nhân vay vốn trung và dài hạn với lãi suất cố định từ 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên, và khách hàng không bị phạt nếu trả nợ trước hạn sau hai năm.

Từ cuối tháng 2, Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng đưa ra các gói vay cá nhân với lãi suất 7%/năm, và 8%/năm cố định trong 12 tháng đầu.

Trước đó, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), từ ngày 14-1 đến 30-4 (hoặc khi giải ngân hết 7.000 tỉ đồng tùy theo điều kiện nào đến trước), cũng triển khai gói cho vay mua nhà đất gồm vay mua, xây, sửa, mua sắm nội thất… với lãi suất 7,2%/năm áp dụng trong 12 tháng đầu tiên. Mức gốc để tính lãi sẽ giảm từng tháng. Sau 12 tháng này, khách hàng sẽ phải trả lãi theo mức mới (lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng + 4%).

Theo một nhân viên tư vấn tín dụng của BIDV, nếu trả trước hạn trong ba năm đầu, khách hàng sẽ chịu mức phạt 0,03% và phải hoàn trả số tiền lãi ưu đãi đã được hưởng trong 12 tháng đầu tiên là 3,6% (lãi suất vay thông thường hiện nay 10,8%/năm trừ đi lãi suất ưu đãi 7,2%). Sau ba năm, khách hàng chỉ bị phạt trả trước 0,03%, sau 10 năm là 0,01% (nhưng không quá 10 triệu đồng).

Điểm chung của những gói vay này là thời gian cố định lãi suất tối đa chỉ còn 12 tháng thay vì 3-5 năm như cuối năm 2014, đầu năm 2015. Hiện Vietcombank vẫn áp dụng gói vay mua bất động sản với lãi suất ưu đãi cố định trong thời gian từ một năm (7,5%/năm) đến năm năm (9,4%/năm), nhưng chương trình này chỉ áp dụng đến hết ngày 31-3, còn có tiếp tục thời gian cố định lãi suất dài như vậy hay không thì chưa biết. Theo nhân viên tư vấn của BIDV, hiện các gói vay ưu đãi sửa nhà, mua bất động sản, mua ô tô của BIDV có lãi suất cố định tối đa chỉ 12 tháng.

Lãi suất có thể giảm trong ngắn hạn

Tại thời điểm này, việc người đi vay có lợi hay không có lợi nếu chọn thời gian ổn định lãi suất ngắn hay dài còn tùy thuộc vào việc lãi suất huy động trong thời gian tới thay đổi ra sao? Nếu lãi suất huy động tiếp tục giảm, thời gian ổn định lãi suất càng ngắn thì càng có lợi cho người vay.

Các gói cho vay hiện nay có lãi suất cố định 12 tháng là 7-8%/năm, nhưng lãi suất sau đó thường bằng lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 3,5-4%. Do đó, sau thời gian cố định lãi suất, để khách hàng cá nhân được hưởng lãi suất 9,4%/năm như trường hợp bà Mây, thì lãi suất huy động vào thời điểm đó cũng phải ở mức 5,4-5,9%/năm, tức giảm thêm nhiều so với mức 6,8-7,3%/năm của hiện nay.

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, lạm phát đến cuối năm nay được dự báo nằm ở mức 4%, theo đó lãi suất huy động có thể nằm ở mức 5-6% (tức lãi suất vẫn đảm bảo thực dương – cao hơn lạm phát).

Trong khi đó, nhìn chung lãi suất huy động hiện vẫn nằm ở mức 7%, mặc dù mới được một số ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ. Do đó, ông Hiếu cho rằng, về ngắn hạn lãi suất trong năm nay vẫn có thể giảm thêm, với mức giảm 1 điểm phần trăm trong cả năm. Ngoài yếu tố lạm phát thấp, tùy vào tình hình cung-cầu, các ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động để giảm bớt chi phí, trong khi vẫn không lo ngại dòng chảy vốn ra khỏi ngân hàng vì trên thực tế lãi suất huy động vẫn cao hơn lạm phát, tức vẫn còn hấp dẫn để người dân gửi tiền.

Về lâu dài, trong thời gian 2-3 năm tới, ông Hiếu cho rằng có thể đến thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ thả nổi (tức không áp mức trần lãi suất huy động như hiện nay) để lãi suất huy động vận hành theo cơ chế cung-cầu của thị trường. Do đó, khó có thể đoán biết được lãi suất huy động sẽ đi theo chiều hướng nào khi vận hành theo thị trường.

Tuy nhiên, giả sử trong năm 2016-2017, nếu các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản trở nên sôi động và thu hút nguồn tiền nhàn rỗi của người dân, trong khi đó nhu cầu vay vốn ngân hàng tăng lên, có khả năng các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn tiền nhàn rỗi này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chóng mặt với lãi suất 365%/năm

0
THU NGUYỆT - BAN CAO -   Mặc dù đã cảnh báo nhiều, nhưng trên thị trường vẫn âm ỉ dịch vụ cho “vay nóng” thông...

Kết nối