Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Giới trẻ Mỹ bỏ qua đại học để gia nhập thị trường lao động đang ‘nóng’

Ngày càng có nhiều học sinh trung học ở Mỹ bỏ qua con đường đại học để đi làm những công việc cổ cồn xanh, không đòi hỏi bằng cấp chuyên môn và đang được trả lương cao trong một thị trường lao động đang “nóng”.

Bỏ qua con đường đại học vì chi phí tốn kém, Simon Alvarado, 21 tuổi, ở Hyattsville, bang Maryland, tham gia khóa học việc để trở thành kỹ thuật viên dịch vụ bảo dưỡng hạng nhẹ tại một đại lý của Toyota. Ảnh: WSJ

Theo dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ gia nhập đại học của những học sinh mới tốt nghiệp trung học phổ thông ở Mỹ, tuổi từ 16-24, đã giảm xuống 62% vào năm ngoái từ 66,2% vào năm 2019, ngay trước khi đại dịch Covid-19 ập đến. Tỷ lệ này đạt mức cao nhất là 70,1% vào năm 2009.

Tăng trưởng việc làm tại các nhà hàng, công viên giải trí và các bộ phận khác của lĩnh vực giải trí và khách sạn, tăng nhanh hơn gấp đôi so với tăng trưởng số việc làm tổng thể trong năm qua ở Mỹ. Đây là những nơi có xu hướng tuyển dụng những người trẻ tuổi và thường không yêu cầu bằng đại học.

Bên cạnh đó, có vô số cơ hội việc làm trong ngành xây dựng, sản xuất và kho bãi, những lĩnh vực thường yêu cầu đào tạo bổ sung nhưng không cần bằng đại học.

Tháng trước, tỷ lệ thất nghiệp của lao động vị thành niên từ 16-19 tuổi ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 70 năm là 9,2%, giúp lương ở nhóm lao động này cải thiện đáng kể.

Thu nhập trung bình mỗi giờ cho nhân viên cấp thấp ở ngành giải trí và khách sạn tăng gần 30% trong giai đoạn từ tháng 4-2019 đến tháng 4-2023, so với mức khoảng 20% trong cùng kỳ của tất cả người lao động.

Nhân viên phục vụ nhà hàng kiếm được mức lương trung bình 14 đô la/giờ vào năm 2022, cao gần gấp đôi mức lương tối thiểu liên bang. Mức lương thậm chí còn cao hơn trong những ngành không yêu cầu bằng đại học nhưng cần đào tạo thêm, chẳng hạn như thông qua các chương trình học nghề. Năm ngoái, thợ máy kiếm được 23,32 đô la/giờ, cao hơn mức lương trung bình toàn quốc là 22,26 đô la/giờ. Trong khi đó, thợ mộc kiếm được 24,71 đô la/giờ.

“Đại dịch đã làm gián đoạn việc học đại học đến mức nhiều người trì hoãn việc đi học. Một khi họ trì hoãn, họ sẽ bị cuốn vào việc kiếm tiền và không quay trở lại trường đại học”, Julia Pollak, nhà kinh tế trưởng của ZipRecruiter, cho biết.

Số lượng học sinh trung học gia nhập đại học ở Mỹ giảm khoảng 15% trong thập niên qua, theo dữ liệu liên bang. Những lý do bao gồm chi phí giáo dục đại học tăng cao, nhiều trường đại học đóng cửa và lợi ích của bằng cấp không ổn định, cũng như nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh.

Theo một cuộc khảo sát của Wall Street Journal/NORC hồi đầu năm nay, hầu hết người Mỹ không nghĩ rằng tấm bằng đại học đáng giá. Sinh viên tốt nghiệp đại học đang phải đối mặt với hành trình kiếm việc không chắc chắn hơn vào mùa hè này khi các công ty suy nghĩ lại về giá trị của nhiều vai trò cổ cồn trắng.

Tình trạng thiếu lao động trầm trọng sau khi đại dịch Covid-19 tấn công đã buộc các chủ sử dụng lao động phải đưa ra mức lương, phúc lợi và điều kiện làm việc tốt hơn để thu hút và giữ chân nhân viên. Chẳng hạn, họ cho phép người lao động linh hoạt hơn trong việc sắp xếp giờ làm việc của họ. Nhu cầu đối với người lao động cổ cồn xanh ở Mỹ đang rất cao và dự kiến sẽ tiếp tục cao, do lực lượng lao động ngày càng già đi và lượng dân nhập cư tăng trưởng chậm lại kể từ đại dịch.

“Nếu bạn có thể kiếm một công việc mà không đòi hỏi bằng cử nhân và với mức tăng lương khá, thì bạn cần gì lấy bằng đại học, đúng không?”, Pollak nói.

Tỷ lệ ghi danh vào đại học đã giảm đối với cả nam giới và nữ giới trong những năm gần đây, nhưng giảm mạnh hơn ở nam giới. Năm ngoái, 66,1% học sinh nữ tốt nghiệp trung học phổ thông, tuổi từ 16-24, đăng ký học đại học, cao hơn gần 10 điểm phần trăm so với tỷ lệ nam thanh niên ghi danh vào đại học. Các nhà kinh tế cho rằng nữ giới được hưởng các lợi ích tài chính lớn hơn trong sự nghiệp nếu có bằng đại học.

Một số thanh niên Mỹ đang theo đuổi các hình thức đào tạo nghề khác bên cạnh việc học đại học. Số lượng người học nghề (thực tập sinh) ở Mỹ đã tăng hơn 50%, theo dữ liệu liên bang và Viện Đô thị, một tổ chức tư vấn ở Washington.

Các ngành công nghiệp bao gồm xây dựng và cơ khí thường cung cấp các khóa học nghề cho học sinh trung học. Nhưng các khóa học này ngày càng phổ biến trong các ngành cổ cồn trắng như ngân hàng, bảo hiểm và an ninh mạng.

Theo Steve Boden, người đứng đầu bộ phận trường công lập ở hạt Montgomery của bang Maryland, các lo ngại về sĩ diện lâu nay với học sinh trung học đi làm hoặc học nghề, thay vì học lên đại học, đã giảm dần trong những năm gần đây khi chi phí học đại học tăng lên. Ông nói thêm rằng số lượng nhà tuyển dụng quan tâm học sinh tốt nghiệp trung học cũng tăng lên.

Simon Alvarado, 21 tuổi, ở Hyattsville, bang Maryland, vừa hoàn thành khóa học việc để trở thành kỹ thuật viên dịch vụ bảo dưỡng hạng nhẹ tại một đại lý của Toyota. Ban đầu, anh dự định theo học đại học nhưng quyết định hoãn lại do học phí quá cao.

“Làm việc trên ô tô là điều mà tôi thực sự hứng thú khi còn nhỏ. Được thanh toán chi phí đào tạo và bảo đảm có một công việc là cơ hội hiếm có mà tôi sẽ không từ chối”, Alvarado nói.

Lê Linh

Theo WSJ, Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

TPHCM sẽ dành biên chế tuyển công chức, viên chức từ...

0
(SGTT) - TPHCM sẽ điều động, luân chuyển hoặc tinh giản những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, hạn chế...

Tình trạng ‘nhảy việc’ không còn lặp lại trên thị trường...

0
(SGTT) - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tại TPHCM và Bình Dương đã tăng cường tuyển dụng lao động số...

Kỹ năng làm việc và kỹ năng hạnh phúc

0
(SGTT) - Khi thế giới thay đổi, các kỹ năng cần thiết để thành công tại nơi làm việc cũng thay đổi, do đó...

Cơ hội việc làm cho gần 30.000 người lao động dịp...

0
(SGTT) - Vừa qua, TPHCM diễn ra phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến nhằm tuyển dụng lao động với nhu...

Robot giao hàng tạo làn sóng mới cho kinh tế Hàn...

0
(SGTT) - Robot giao hàng đã trở nên quen thuộc trên vỉa hè đường phố ở thủ đô Seoul và các đô thị lớn...

IMF: AI tác động đến 40% việc làm toàn cầu

0
(SGTT) - Sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể tác động đến gần 40% việc làm trên thế...

Kết nối