Thứ tư, Tháng mười hai 11, 2024

Giáo dục và phát triển đội ngũ công dân toàn cầu

Công dân toàn cầu (CDTC) là mục tiêu mà nhiều quốc gia đang theo đuổi. Việc nâng tầm nền tảng giáo dục quốc gia và định hướng giáo dục năng lực CDTC có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển năng lực quốc gia và hội nhập quốc tế. Bài viết này sẽ phân tích cơ bản những nội dung liên quan đến giáo dục CDTC.

Quyền công dân toàn cầu

Quyền CDTC là một trong những quyền con người, được quy định cụ thể tại Tuyên bố chung về nhân quyền 1948(**) (trong Nghị quyết 217A của Đại hội đồng Liên hiệp quốc). So với công dân của một quốc gia, quyền và nghĩa vụ của một CDTC mang ý nghĩa rộng hơn. Ở cấp độ toàn cầu, công dân phải đảm bảo nguyên tắc về đa dạng văn hóa, kết nối và xây dựng các mối quan hệ xã hội thể hiện qua công việc với những người đến từ các quốc gia và nền văn hóa khác.

Các tiêu chí và mục tiêu trong giáo dục công dân toàn cầu. Nguồn: UNESCO

Về cơ bản, quyền CDTC được xây dựng dựa trên nền tảng các quyền tự do cá nhân, quyền bình đẳng và quyền công bằng. Ghi nhận từ Tuyên bố chung về nhân quyền thì không có sự phân biệt đối xử CDTC dưới bất kỳ hình thức nào, như về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hoặc quan điểm cá nhân, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hoặc địa vị khác.

Hơn nữa, không có sự phân biệt nào được tạo ra trên cơ sở tình trạng chính trị, quyền tài phán quốc tế hoặc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà một cá nhân thuộc về, cho dù đó là quốc gia độc lập, ủy thác, không tự quản hoặc dưới bất kỳ giới hạn chủ quyền nào khác. Một CDTC có quyền học tập, quyền sinh sống và quyền được làm việc tại bất kỳ đâu trên phạm vi toàn cầu.

Hiện vẫn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau liên quan các vấn đề sắc tộc, xã hội, chính trị và kinh tế…, điều quan trọng đối với một CDTC là hiểu được những quan điểm khác nhau này để xây dựng các giải pháp chung, từ đó thúc đẩy sự đồng thuận giải quyết vấn đề ở phạm vi quốc tế.

Giáo dục công dân toàn cầu

Giáo dục CDTC là phản ứng của UNESCO đối với những thách thức về sự kết nối toàn cầu, vi phạm nhân quyền, bất bình đẳng và nghèo đói đang đe dọa hòa bình và sự bền vững. Theo UNESCO, giáo dục CDTC nhằm mục đích trao quyền cho người học tham gia và đảm nhận vai trò tích cực tại địa phương, quốc gia và trên toàn cầu.

Đây là một lĩnh vực chiến lược trong chương trình giáo dục của UNESCO và được xây dựng dựa trên công việc giáo dục hòa bình và nhân quyền, bao gồm ba lĩnh vực học tập: nhận thức, cảm xúc xã hội và hành vi. UNESCO xem giáo dục CDTC là chủ đề chính để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về giáo dục (mục tiêu 4.7 SDGs).

Những giá trị cần có của công dân toàn cầu.
Nguồn: Global Citizen Education Solutions, https://gcedsolutions.com/

Khi thế giới hội nhập quốc tế nhiều hơn, giáo dục CDTC cũng trở nên quan trọng hơn, được nhiều quốc gia quan tâm và thiết lập những khung quy chuẩn nhất định. Theo đó, quá trình giáo dục CDTC nên trải qua bốn giai đoạn: (1) nhận thức về văn hóa (culture) và tính toàn vẹn của môi trường hội nhập (enviromental integrity); (2) trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết của một CDTC thông qua sự hiểu biết về vai trò (roles), quyền lợi (rights) và trách nhiệm (responsibilities); (3) hoạt động vì các giá trị của quyền con người (human rights); (4) thay đổi hiệu ứng về văn hóa.

Để áp dụng bốn giai đoạn trên vào thực tế giáo dục CDTC, các kiến thức cần được trang bị đầy đủ và phù hợp với nhu cầu xã hội. Một đề xuất của Rosalba Thomas Muñoz (2022)(1)mang đến sự tổng quan về năng lực để trở thành CDTC. Theo đó, để trở thành CDTC, một cá nhân cần đáp ứng hài hòa ba yếu tố kiến thức, kỹ năng và thái độ, với các nội dung cụ thể như:

(i). có kiến thức về quyền con người, về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên; có kỹ năng giao tiếp để thông báo hoặc truyền đạt kiến thức, tương tác xã hội; có tư duy phê phán, tư duy phản biện về những trách nhiệm với tư cách cá nhân; có thái độ tôn trọng, cam kết, nhất quán và sẵn sàng phục vụ, cống hiến.

(ii). có kỹ năng thích ứng với môi trường toàn cầu và điều kiện hệ sinh thái, có kỹ năng tổ chức, tập hợp người khác hợp tác làm việc cho các mục tiêu chung trong tinh thần đoàn kết.

(iii). mở rộng sự trao đổi với cộng đồng địa phương và toàn cầu giải quyết các vấn đề phức tạp của môi trường xã hội, trong đó, có kiến thức về sinh thái môi trường và biến đổi khí hậu, nhận thức về tính bền vững.

(iv). có kỹ năng phân tích thực tế, thiết lập các liên kết thay đổi mạnh mẽ trong cộng đồng…

Ở góc độ giữa các quốc gia, các chính phủ nên có sự hợp tác với nhau thông qua việc thiết lập một hệ thống giáo dục hiệu quả và xây dựng một chương trình giáo dục phù hợp chuyên về quyền công dân và tư cách CDTC(2).

Tại Việt Nam, CDTC được nhìn nhận là người có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo, giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng, góp phần làm cho địa phương, đất nước, thế giới tốt đẹp và phát triển bền vững.

Trong đó, các tiêu chí quan trọng của CDTC Việt Nam gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị. CDTC Việt Nam phải đề cao quyền con người, tôn trọng sự đa dạng bản sắc và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc(3).

Phát triển công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập

Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, CDTC tìm kiếm những nhà lãnh đạo toàn cầu. Hay nói cách khác, nhà lãnh đạo toàn cầu là một trong số những CDTC và thông thường, họ là những công dân có tiếng nói trong quốc gia của họ. Các nhà lãnh đạo toàn cầu có những phẩm chất cá nhân, dung hòa được bản sắc chung của cộng đồng thế giới.

Sự phát triển của những nhà lãnh đạo toàn cầu nói riêng và CDTC nói chung giúp tăng tính minh bạch và tính hợp pháp của việc hoạch định chính sách toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc của các tổ chức toàn cầu. Những nhà lãnh đạo toàn cầu có ý nghĩa dẫn dắt xu hướng. Ngược lại, nhiều quốc gia cũng áp dụng chiến lược quảng bá hình ảnh lãnh đạo toàn cầu như một cách để tôn vinh niềm tự hào dân tộc và thu hút CDTC.

Bên cạnh đó, CDTC yêu cầu một xu hướng dân chủ hóa. Tuy nhiên, dân chủ hóa quản trị toàn cầu đòi hỏi các cơ chế cho phép các tiếng nói đa dạng từ khắp nơi trên thế giới được lắng nghe và cân nhắc trong hoạch định chính sách toàn cầu. Chẳng hạn chính sách phát triển du lịch đến các quốc gia sẽ cung cấp cho những CDTC những kinh nghiệm và giáo dục vô giá thông qua việc tương tác với các nền văn hóa khác nhau.

CDTC không chỉ là một danh hiệu, đó là một tư duy. Chính vì vậy, xây dựng và phát triển quyền CDTC góp phần vào một thế giới hòa bình và bền vững hơn trong việc hướng tới cộng đồng với những nguyên tắc thống nhất và hài hòa bản sắc.

(**) https://www.un.org/en/about-us/universal-declaration-of-human-rights

(1)Rosalba Thomas Muñoz (2022), Educational Response, Inclusion and Empowerment for SDGs (Sustainable Development Goals) in Emerging Economies: How do education systems contribute to raise global citizens, Chapter X.

(2) Nguyễn Mạnh Hải (2019), Nội dung, phương pháp giáo dục công dân toàn cầu trong trường học và những vấn đề cần lưu ý, Tạp chí Giáo dục tháng 12-2019.

(3) Lương Việt Thái (2020), Hoàn thiện bộ tiêu chí về giáo dục công dân toàn cầu tại Việt Nam, Đề tài KHGD/16-20.ĐT.009 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 về nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam).

Nguyễn Hoàng Nam (*)

(*) Khoa Luật, trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, Đại học Kinh tế TPHCM

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối