Thứ Năm, Tháng Tư 18, 2024

Gạo ST25 bị 4 doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu ở Mỹ

Vừa mới “phất lên” trên thị trường thế giới được chừng hai năm nay sau khi dấu ấn đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon Thế giới năm 2019, rồi giải nhì cuộc thi tương tự năm 2020, loại gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua đã bị bốn doanh nghiệp ngoại đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam đã bị mất quyền được bảo hộ sở hữu trí tuệ tại thị trường Mỹ. Ảnh: Nam Bình

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết ông vừa nhận được thông tin phản ánh của doanh nghiệp về việc sản phẩm gạo ST24, ST25 của Việt Nam đã bị bốn doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ.

Trao đổi với KTSG Online về thông tin này, một lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng là chuyên gia trong ngành xuất khẩu gạo (xin không nêu tên) cho rằng: Không có gì bất ngờ với thông tin này cả, vì không có luật nào cấm một doanh nghiệp (của bất cứ quốc gia nào) đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nào đó tại Mỹ nếu sản phẩm đó chưa được bảo hộ tại thị trường này.

“Điều đáng buồn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang còn quá chậm chạp trong việc đăng ký bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài! Việc này cũng đã xảy ra rất nhiều lần trong quá khứ chứ không riêng gì ST24, ST25”, vị chuyên gia nhận định.

Có thể kể đến vấn đề tương tự đã từng xảy ra với những thương hiệu nông sản nổi tiếng của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuộc…

Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp), từng chia sẻ câu chuyện bảo hộ nhãn hiệu của mình khi khảo sát để xuất khẩu gạo của công ty vào thị trường Mỹ.

Theo đó, ông Thiện bắt gặp nhiều sản phẩm gạo “Made in Thailand” nhưng lại ghi tên “rất Việt Nam” như gạo thơm Ba con nai, gạo Ba miền… lại còn in cả hình bản đồ Việt Nam lên bao bì. Người Thái cũng rất khéo léo khi giải thích rằng họ phải dán nhãn sản phẩm bằng tiếng Việt để có thể bán cho người Việt. Cho đến nay, việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn là chủ đề khiến nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành gạo, “đau đầu”.

Còn theo ông Vũ Bá Phú, điều đau lòng là khi sự việc đã xảy ra rồi, cơ quan chức năng hoàn toàn không thể hỗ trợ gì được cho doanh nghiệp trong việc đòi lại thương hiệu đã bị đăng ký bảo hộ tại các nước trên thế giới.

Gạo ST 25 của Việt Nam đã giành giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi do The Rice Trader tổ chức ở Philippines năm 2019 trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới. 

Do đó, cùng với quá trình xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cần có chiến lược trong việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở những thị trường trọng điểm, tùy theo khả năng tài chính và chiến lược phát triển thị trường của mình.

“Chúng tôi có mạng lưới tham tán thương mại, luật sư trong lĩnh vực này để hỗ trợ cho doanh nghiệp về quy trình đăng ký sở hữu trí tuệ ở các thị trường xuất khẩu nhưng không thể làm thay cho doanh nghiệp, không thể giúp doanh nghiệp đi đòi lại thương hiệu đã mất”, ông Phú thông tin.

Theo ông Phú, việc theo đuổi các vụ kiện liên quan đến bản quyền sở hữu trí tuệ là rất tốn kém, cả về thời gian và chi phí nên doanh nghiệp cần phải chủ động bảo vệ mình trước.

“Lấy ví dụ như một doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm ghế, gối có trụ sở chính tại Hà Nội, hễ có sản phẩm mới nào ra mắt thị trường là doanh nghiệp này đăng ký bảo hộ ở 60 quốc gia trên thế giới rồi sau đó mới tìm nhà phân phối sau. Đó là một cách làm đón đầu thị trường cũng như bảo vệ chính tài sản của doanh nghiệp mình”, ông Phú gợi ý.

Tại diễn đàn Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2021 với chủ đề: “Thương hiệu quốc gia Việt Nam – Vị thế mới, giá trị mới” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Brand Finance cho thấy năm 2020, Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng thương hiệu quốc gia nhanh nhất thế giới (tăng 29% so với năm 2019, lên mức 319 tỉ đô la Mỹ). Nhờ đó, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đã tăng 9 bậc, lên vị trí thứ 33 trong tốp 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.Theo ông Hải, hiện số lượng các doanh nghiệp tham gia vào chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và được công nhận có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia ngày càng tăng, từ 30 sản phẩm của 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 283 sản phẩm của 124 doanh nghiệp năm 2020.

Nam Bình

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Có nên đưa ‘hoa hậu gạo’ đi thi để thành ‘á...

0
Gạo ST 25 của Việt Nam đã giành giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi do The Rice Trader tổ chức ở...

Gạo ST25 đạt giải nhì trong cuộc thi Gạo ngon nhất...

0
(SGTTO) - Cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới năm 2020 vừa trao giải nhì cho gạo ST25 của Việt Nam. Giải nhất của...

Nafiqad bác bỏ thông tin 90% người dân Việt Nam đang...

0
(SGTTO) - Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), thông tin 90%...

Tranh luận xung quanh nhận định ‘90% người Việt đang ăn...

0
Mạng xã hội trong ngày 5-9 có nhiều ý kiến, tranh luận của những người trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo về...

Vì sao chọn gạo giống Nhật để làm thương hiệu?

0
NGUYÊN THƯƠNG -  Mới đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất đưa thêm giống lúa Nhật Japonica vào danh mục giống lúa...

Chọn giống nào xây dựng thương hiệu gạo?

0
TRUNG CHÁNH -  Thảo luận về đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam vừa được công bố mới đây, một...

Kết nối