Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

El Nino gây áp lực lên nguồn cung gạo của Indonesia

(SGTT) - Thời tiết khô hạn do hiện tượng thời tiết El Nino đang đe dọa sản lượng lúa ở Indonesia, nơi chứng kiến giá gạo tăng 15% trong năm nay.
Nông dân gieo hạt bắp trên một cánh đồng khô cằn ở tỉnh Trung Java, Indonesia. Thay vì trồng lúa, nhiều nông dân ở Indonesia chuyển sang trong bắp do thời tiết khô hạn. Ảnh: Getty

Nhiều cây lúa hạt xép xuất hiện ở cánh đồng của nông dân Akma Rangga, 50 tuổi ở tỉnh Tây Java, nơi hầu như không có mưa kể từ tháng 4 và phải dựa vào các kênh tưới tiêu gần như cạn kiệt. Rangga có thể phải trì hoãn vụ lúa tiếp theo nếu mảnh đất của ông không có mưa vào tháng 10 khi thời tiết ở Indonesia được dự báo sẽ khô hạn hơn trong bốn tháng tới.

“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong một hoặc hai tháng tới”, ông nói.

Cùng với động thái cấm xuất khẩu gạo trắng phi basmati của Ấn Độ, thời tiết nắng nóng tại các khu vực trồng lúa quan trọng trên khắp châu Á đang đe dọa sản lượng lúa, đẩy giá gạo tăng đến 20%.

Hoạt động nhập khẩu gạo của Indonesia đang chậm và lượng tồn kho tại thị trường gạo lớn nhất Indonesia giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái, Nhiệt độ cao do hiện tượng thời tiết El Nino dự kiến đạt đỉnh vào khoảng tháng 10. Tất cả những điều này làm dấy lên lo ngại rằng giá gạo ở đất nước đông dân nhất Đông Nam Á có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm.

Gạo là thực phẩm chính trong số 270 triệu người dân Indonesia. Vì vậy, các biến động về giá gạo rất nhạy cảm về mặt chính trị, đặc biệt là trước cuộc tổng tuyển cử  diễn ra vào tháng 2-2024. Giá gạo tăng cũng có thể đảo ngược thành công gần đây của Jakarta trong việc kiểm soát lạm phát.

Zulkifly Rasyid, chủ tịch hợp tác xã bán buôn gạo tại chợ Cipinang lớn nhất Indonesia, cảnh báo, nếu tình hình không được cải thiện, giá gạo có thể đạt mức cao nhất trong nhiều năm là 15.000 rupiah (gần 1 đô la Mỹ)/kg.

Trong khi đó, cơ quan phụ trách phân phối và kiểm soát giá thực phẩm của Indonesia là Bulog cho biết chỉ có 1,5 triệu tấn gạo đã được chuyển đến Indonesia trong tổng số 2,3 triệu tấn được chính phủ cấp phép nhập khẩu trong năm nay để giảm bớt tác động của El Nino. 400.000 tấn gạo khác đang được vận chuyển đến Indonesia và 400.000 tấn nữa chưa được ký hợp đồng.

Bulog thường nhập khẩu từ các nước xuất khẩu gạo lớn gồm Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam, đang mở rộng tìm kiếm nguồn cung ở Campuchia và Myanmar. Budi Waseso, CEO của Bulog, cho biết giá chào bán của Campuchia quá nhưng ông vẫn hy vọng tìm được giải pháp thay thế.

Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia ước tính El Nino có thể làm giảm sản lượng gạo từ 5-7% trong năm nay so với 31,54 triệu tấn năm ngoái. Tuy nhiên, con số thiếu hụt này sẽ được bù đắp bằng hạn ngạch nhập khẩu hiện tại.

Hiện tượng El Nino gần đây nhất của Indonesia vào năm 2019 khiến sản lượng gạo giảm khoảng 7%, nhưng giá gạo trong nước vẫn ổn định do Bulog có đủ nguồn cung để can thiệp vào thị trường sau khi nhập khẩu lượng lớn gạo vào một năm trước đó.

Dù tình trạng ấm lên của dòng hải lưu của Thái Bình Dương chỉ mới gây tác động vừa phải, giá gạo trung bình ở Indonesia đã tăng 15% trong năm nay lên 13.800 rupiah (0,91 đô la)/kg, do Bulog chỉ còn lượng tồn kho thấp vào đầu năm nay nhưng đưa ra quyết định nhập khẩu chậm trễ.

“Người mua đang phàn nàn vì giá gạo tăng nhanh” Aam, 45 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Nam Jakarta, nói và cho thêm, doanh số bán gạo của ông giảm gần một nửa kể từ ông phải tăng giá gần như mỗi ngày.

Lạm phát giá gạo hàng năm của Indonesia đạt 13,76% trong tháng 8, cao nhất kể từ tháng 6-2012, mặc dù mức tăng 3,27% của chỉ số giá tiêu dùng tổng thể nằm trong mục tiêu của Ngân hàng trung ương Indonesia.

Tại chợ Cipinang ở Jakarta, nơi lượng gạo tồn kho giảm khoảng 1/3 so với năm ngoái, những người khuân vác ngồi chờ bốc dỡ các bao tải gạo các đoàn xe tải nhỏ. Trong khi đó, các nhà máy xay xát gạo đang tranh giành thu mua các nguồn lúa đang khan hiếm

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia, Syahrul Yasin Limpo cho biết Indonesia đã triển khai chương trình tăng sản lượng trên 500.000 hecta diện tích trồng lúa vẫn đang có nguồn nước tưới tiêu, thông qua những nỗ lực như cung cấp máy móc và giống lúa tốt hơn.

Theo Zulharman Djusman, Phó tổng thư ký của Cộng đồng nông nghiệp quốc gia Andalan (KTNA), một số nông dân đã nhận được máy bơm nước từ chính phủ để hỗ trợ tưới tiêu, nhưng hạn hán nghiêm trọng khiến một số nông dân chuyển sang trồng các loại cây cần ít nước hơn như bắp.

Tổng thống Joko Widodo cho biết Indonesia sẽ thúc đẩy chương trình hỗ trợ xã hội trị giá 8 nghìn tỉ rupiah (525 triệu USD) trong vòng một tháng tới tháng 9 để phân phát thêm gạo cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Nỗ lực đó sẽ giúp Bulog phân phối 640.000 tấn gạo trong ba tháng, từ kho dự trữ còn khoảng 1,5 triệu tấn gạo vào cuối tháng 8, đồng thời tiếp tục chuyển sang cung cấp cho các nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, ở Tây Java, nông dân Akma Rangga vẫn chưa thoát ra khỏi nỗi lo hạn hán. Nhiều đồng lúa ở khu vực của ông đang héo quắt, dẫn đến vụ thu hoạch thất bát.

Lê Linh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối