Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024

Đừng dùng thực phẩm chức năng vô tội vạ

(SGTT) - Với suy nghĩ “không bổ cái này thì bổ cái khác”, nhiều người đã và đang sử dụng thực phẩm chức năng một cách vô tội vạ. Một số người với lối sống lười vận động, thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng dùng các sản phẩm này để cải thiện sức khỏe.

Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo nguồn dinh dưỡng tốt nhất chính là các dưỡng chất hấp thu trong bữa ăn hằng ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thành Danh, Giám đốc điều hành Besins Healthcare France tại Việt Nam, cho rằng thị trường thực phẩm chức năng tăng trưởng nóng theo nhu cầu phòng bệnh tự nhiên của người Việt Nam bởi sản phẩm này được cho là bổ dưỡng, lại không có tác dụng phụ như thuốc.

Quá nhiều loại

Các bác sĩ khuyến cáo nguồn dinh dưỡng tốt nhất chính là các dưỡng chất hấp thu trong bữa ăn hằng ngày.

Cụ thể, theo thống kê của Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), chỉ có 4% lượng mặt hàng thực phẩm chức năng là trung thực với thành phần như miêu tả của nó.

Thực phẩm chức năng có quá nhiều loại không thể đếm xuể, khó nhận biết thật - giả, không bảo đảm chất lượng.

Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết năm 2000 cả nước có khoảng 63 mặt hàng thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu, đến nay có tới 10.930 sản phẩm đang lưu hành đến từ 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh.

Những loại này cũng đang được bán tại hơn 90% số nhà thuốc trên toàn quốc, siêu thị và cửa hàng bách hóa.

Thực tế, nhiều bậc cha mẹ thấy con chậm lớn, còi xương nên ra hiệu thuốc mua vitamin D và canxi về bổ sung cho trẻ với mong muốn con tăng chiều cao.

Nhưng không phải cứ gầy gò là thiếu vitamin hay canxi, nên hệ quả là trẻ bị ngộ độc do sử dụng không đúng liều lượng. Hậu quả chính của ngộ độc vitamin D là làm tăng canxi máu, dẫn tới chán ăn, buồn nôn và nôn. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, tiểu tiện thường xuyên.

Một số chị em phụ nữ muốn giảm cân, da dẻ mịn màng, tóc mượt… cũng đổ tiền mua thực phẩm chức năng vì những lời quảng cáo bóng bẩy thay vì bổ sung dinh dưỡng hằng ngày. Hậu quả là có không ít trường hợp bị suy thận, thiếu dinh dưỡng.

Có nhiều quan niệm sử dụng thực phẩm bổ sung sai lầm đang xuất hiện phổ biến như uống vitamin, khoáng chất thay cho bữa ăn chính; tăng liều dùng để có tác dụng bồi bổ nhiều hơn; dùng các loại này để chữa bệnh hoặc uống hằng ngày để phòng bệnh...

Lạm dụng, tác hại khó lường

Thị trường có nhiều loại thực phẩm chức năng, ai cũng dễ dàng mua như vitamin và chất khoáng gọi là “thuốc bổ đa sinh tố” hay multivitamin, đặc biệt là các loại bổ sung vitamin và chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E, beta–carotene (tiền vitamin A); sản phẩm có nguồn gốc dược thảo dùng lâu đời trong đông y như nhân sâm, lá bạch quả... hoặc vừa là dược thảo vừa là gia vị như tỏi, gừng, nghệ.

Ngoài ra còn có các chế phẩm có nguồn gốc hormone như melatonin, hormone tăng trưởng GH được quảng cáo là “chống lão hóa, cải lão hoàn đồng”. Còn có coenzyme q10, DHEA; các acid béo có lợi cho tim mạch như acid omega 3, acid omega 6 và nhiều loại khác.

BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho rằng mặc dù thực phẩm chức năng không có tác dụng chữa bệnh nhưng lại được quảng cáo có công dụng chữa đủ thứ, quá trình sản xuất lại không chịu sự quản lý chặt chẽ như đối với các loại thuốc. Thậm chí nếu người dùng uống vào không có tác dụng cũng không biết “đổ thừa” ai.

Việc sử dụng thực phẩm chức năng trong thời gian dài nếu không có chỉ định của bác sĩ điều trị sẽ gây rối loạn quá trình trao đổi chất do cơ thể liên tục tiếp nhận nhiều loại chất bổ và dinh dưỡng dư thừa.

Điều này dẫn tới hậu quả mỡ máu tăng cao và mô mỡ dự trữ cũng phì đại, đường huyết tăng, cũng như đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

Ai cũng biết chức năng quan trọng của vitamin D đối với sự chắc khỏe của xương, nhưng sử dụng quá liều vitamin D có thể gây ra sự dư thừa canxi, dẫn đến bệnh sỏi thận.

Nếu dùng vitamin C quá liều sẽ gây tiêu chảy, nổi mụn, đau đầu, buồn nôn và phá hủy chức năng của thận, gây chứng sỏi thận. Nếu dùng acid folic quá liều có thể gây ung thư, đau bao tử, khó ngủ, tim đập nhanh, co giật…

Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên khoa Dược, trường Đại học Y dược TPHCM, việc sử dụng thực phẩm chức năng tùy tiện, không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây tác hại.

Mỗi loại thực phẩm chức năng cần tuân thủ nguyên tắc sử dụng riêng để bảo đảm tính hiệu quả và an toàn. Ngoài ra, việc bổ sung các dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh phải được thực hiện song song với việc chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.

Theo BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, vitamin và chất khoáng hoàn toàn không thay thế được thức ăn, thức uống, do đó người bệnh vẫn phải ăn uống đủ chất bên cạnh việc dùng thuốc. Người muốn cải thiện sức khỏe nên dùng thức ăn bổ dưỡng, đặc biệt ăn nhiều trái cây, rau quả vì chúng được xem là nguồn vitamin thiên nhiên rất tốt. Có tình trạng đáng buồn ở các nước đang phát triển là một số bà mẹ quan tâm, tiêu tốn nhiều tiền cho con mình uống thực phẩm chức năng nhưng lại quên cho chúng ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng, hậu quả là trẻ bị suy dinh dưỡng.

Hoàng Nhung

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối