(SGTT) - Bất động sản nghỉ dưỡng có thể còn chật vật để tìm hướng đi trong quá trình phục hồi của thị trường. Tuy nhiên, giới chuyên gia có niềm tin phân khúc này sẽ quay trở lại, với sự cố gắng của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ từ chính sách, sự hồi phục của ngành du lịch, bán lẻ.
- Vàng, chứng khoán khó lường, bất động sản vẫn hấp dẫn
- Nâng cấp nhân sự bất động sản trong cuộc tái cấu trúc toàn diện
Chật vật trong chu kỳ phục hồi
Ngay từ cuối năm 2023, nhiều ý kiến chuyên gia đã nhận định thị trường bất động sản xuất hiện các dấu hiệu tích cực, có tín hiệu “đảo chiều”. Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn tin rằng thị trường bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới từ quí 2 năm nay, trải qua 4 giai đoạn: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định.
Ông kỳ vọng thị trường sẽ sớm bước vào thời kỳ khởi sắc trong nửa cuối năm 2025, ghi nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng. Tiềm lực tài chính của chủ đầu tư và môi trường tiền tệ cải thiện dẫn đến sự phục hồi về nguồn cung và thanh khoản trên diện rộng, giá bất động sản trong giai đoạn này cũng sẽ cải thiện đồng thời với nguồn cung và thanh khoản.
Tuy nhiên, phân tích tâm lý của người mua bất động sản, các chuyên gia của Batdongsan.com.vn tóm tắt tình hình các loại hình bất động sản nổi bật như sau: Chung cư linh hoạt thích ứng, nhà phố biến động, đất nền ảm đảm và chờ thời. Bất động sản nghỉ dưỡng không được nhắc đến.
Báo cáo mới nhất từ DKRA Group công bố cho thấy nửa đầu năm, nguồn cung phân khúc condotel có sự gia tăng, các loại hình còn lại tiếp tục đà sụt giảm trong dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng. Trong đó, nguồn cung condotel mới tăng đáng kể ở một dự án ở Khánh Hòa, giao dịch cũng tập trung tại đây. Tuy nhiên, những dự án cũ hầu hết đều có tình hình bán chậm hoặc đóng giỏ hàng không phát sinh giao dịch.
Thị trường nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng tiếp tục gặp khó khăn về thanh khoản lẫn khả năng tăng giá khi niềm tin nhà đầu tư, động thái phục hồi của phân khúc này vẫn còn rất thấp. Thị trường vẫn chưa thoát khỏi “vùng tối” dù ngành du lịch có nhiều khởi sắc.
Riêng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận, DKRA Group cũng ghi nhận nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng ở mức thấp so với cùng kì, phần lớn đến từ hàng tồn kho của những dự án đã mở bán trước đó. Mặt bằng giá bán sơ cấp không có nhiều biến động, tiếp tục xu hướng đi ngang.
Trong quí 3 này, DKRA cho rằng nguồn cung mới có khả năng tiếp tục vắng bóng do các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng. Đồng thời, thanh khoản vẫn còn khó khăn. Mặt bằng giá sơ cấp duy trì ổn định và không có biến động nhiều so với quí trước. Các chính sách hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, giãn tiến độ thanh toán… vẫn tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.
Đi cùng với khó khăn chung của thị trường, một loạt doanh nghiệp là chủ đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn đã công bố những khoản lỗ hàng tỉ, thậm chí là hàng trăm tỉ đồng trong nửa đầu năm nay.
Trong đó, có Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sông Tiên, Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương, Công ty cổ phần Tonkin Land, Công ty cổ phần Crystal Bay, Công ty cổ phần Bất động sản BIM.
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy thị trường này còn đầy rẫy khó khăn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vẫn “ôm” núi nợ cao, đặc biệt là nợ trái phiếu. Trong đó, có Công ty Du lịch Phú Quốc, Công ty Hưng Thịnh Quy Nhơn và một số doanh nghiệp khác cũng có nợ phải trả ở mức cao như Công ty KN Cam Ranh, Công ty Bất động sản BIM, Công ty Du lịch Vạn Hương. Nhiều chủ đầu tư có dư nợ trái phiếu hàng nghìn tỉ đồng.
Bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng cho thấy thị trường này còn đầy rẫy khó khăn. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp vẫn “ôm” núi nợ cao, đặc biệt là nợ trái phiếu. Con đường phục hồi của ngành có thể còn chậm và nhiều thách thức.
Cơ hội trở lại vẫn còn
Nói là vậy nhưng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gần đây đang có những dấu hiệu cho thấy sự hồi sinh của phân khúc này. Nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch bàn giao sản phẩm, xây dựng và triển khai nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở các tỉnh, thành khác nhau như Novaland, Charm Group, Nam Group, DIC Corp…
Báo cáo 8 tháng của Tổng cục Thống kê cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4,14 triệu tỉ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng cao. Trong 8 tháng, cả nước đón hơn 11,4 triệu lượt khách, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm trước và tăng 1% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Ngành du lịch được xem như hậu thuẫn lớn nhất cho bất động sản nghỉ dưỡng đang trên đà phục hồi và được kỳ vọng tạo động lực mạnh mẽ cho ngành này biến chuyển tốt hơn trong thời gian tới.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng từng đưa ra ý kiến rằng việc hoàn thiện khung pháp lý, công bố quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ, triển khai dự án hạ tầng… giúp bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi. Đặc biệt là hấp lực từ ngành du lịch, trên nền tảng tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”.
Đồng thời, Nghị định 10/2023 của Chính phủ trong việc tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình condotel, officetel… có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hi vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư. VARS dự kiến nguồn cung bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng năm nay có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm trước.
Trong một báo cáo gần đây, VARS tiếp tục nhận định nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng rục rịch tăng trở lại ở nửa đầu năm. Thị trường có hơn 3.100 căn mở bán mới, tăng gấp đôi so với nửa đầu năm ngoái, nhưng chỉ bằng 27% so với cùng kỳ 2022.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước các cơ hội mới, nhất là sau ngày 1-8, nhiều nút thắt pháp lý liên quan tới phân khúc này được tháo gỡ. Giới chuyên gia kỳ vọng sự phục hồi của du lịch, bán lẻ sẽ tác động tích cực và là bàn đạp để bất động sản nghỉ dưỡng quay trở lại thị trường trong thời gian sớm nhất.