(SGTT) - Dù đang trong đợt cao điểm của mùa hè nhưng hoạt động du lịch không diễn ra rầm rộ do dịch Covid-19 “bủa vây” nhiều tỉnh thành trong nước. Tuy nhiên, ở một số địa phương, tình hình dịch khả quan hơn, việc đi lại, vui chơi giải trí được hoạt động trở lại nên một số đơn vị lữ hành cũng “rục rịch” chào bán tour hè.
- Du lịch giữa mùa dịch: Bám trụ với đủ nghề để có thể trở lại
- Doanh nghiệp du thuyền ngủ đêm trên vịnh Lan Hạ muốn được giảm giá vé, lệ phí
- Du lịch giữa mùa dịch: Ông chủ công ty du lịch đi dạy học, mở thêm ngành nghề mới
Vẫn mở cửa nhưng vắng khách
Đại diện một doanh nghiệp du lịch lớn tại TPHCM cho biết hoạt động du lịch hè năm nay “yên ắng” vì TPHCM vốn là nguồn khách lớn nhất cho cả nước. Nhưng hiện nay, mỗi ngày Sài Gòn vẫn thông báo vài chục ca nhiễm, người dân được yêu cầu hạn chế ra ngoài nếu không cần thiết.
“Chúng tôi liên hệ với các đối tác ở Phú Quốc để cập nhật thông tin, tình hình hoạt động, họ cho biết vẫn mở cửa đón khách bình thường. Tuy nhiên, nếu là khách đến từ TPHCM, ngoài khai báo y tế, khi xuống sân bay sẽ phải thực hiện xét nghiệm Covid-19”, vị này nói. Trong trường hợp khách xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với nCoV sẽ được đưa đi cách ly tại những điểm cách ly có tính phí. Chi phí này và cả chi phí xét nghiệm Covid-19, khách sẽ phải tự trả.
Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Quang Duy, Giám đốc Seaworld - đơn vị khai thác tour đi bộ dưới biển ở Phú Quốc, cho biết doanh nghiệp của ông vẫn đón và phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 “bủa vây” nhiều tỉnh thành, trong đó có Hà Nội và TPHCM là những thị trường khách lớn, nên lượng khách tới Phú Quốc giảm đáng kể.
Ông Trần Thế Dũng, Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, cho biết từ tháng Năm đến giờ, hoạt động du lịch gần như đứng im. "Chỉ bán được tour free & easy (chỉ cung cấp các dịch vụ riêng lẻ-NV) cho khách quen thôi", ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến Du lịch Lai Châu, cho biết địa phương vẫn mở cửa hoạt động du lịch để phục vụ cho người dân. Tuy nhiên, lượng khách tới Lai Châu giảm đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết về lưu trú, địa phương đã cho phép đón khách vãng lai đến từ các vùng không có dịch nhưng phải có khai báo y tế trước trên Hue-S để có kết quả mã QR.
“Các điểm du lịch, nghỉ dưỡng, suối thác được mở cửa đón khách nội tỉnh; các dịch vụ ẩm thực, hoạt động thể thao ngoài trời và trong nhà được phép hoạt động trở lại nhưng chỉ 50% công suất; một số hoạt động thể thao (Gym, Yoga) hay dịch vụ (massage, Pub beer, bar) và bãi tắm công cộng vẫn chưa được hoạt động”, ông Phúc nói.
Cũng theo ông Phúc, khách ngoại tỉnh hiện nay chỉ đến Huế lưu trú để công tác, thăm thân được sử dụng dịch vụ được phép mở cửa nhưng chưa được phép đến các điểm tham quan du lịch nên lương khách không nhiều.
“Trong tuần, lượng khách lưu trú trung bình chỉ khoảng 100 lượt, cuối tuần chỉ khoảng 900 lượt khách. Chủ yếu là khách trong tỉnh đưa gia đình về các khu nghỉ dưỡng ở Lăng Cô, Thuận An và khu suối khoáng Alba Thanh Tân, khu cắm trại ở YesHue Eco Thác Mơ”, ông Phúc nói. Hàng ngày chỉ có khoảng xấp xỉ 100 khách (nội tỉnh) vào tham quan các điểm di tích. Tại các điểm du lịch suối, thác lượng khách khá hơn, chủ yếu vào cuối tuần.
Thị trường đang dần ấm lên
Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Tây Bắc có trụ sở tại Hà Nội, cho biết hiện nay một số địa phương vẫn mở cửa đón khách du lịch nội tỉnh và cả những tỉnh không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Ông Tùng cho biết, doanh nghiệp của ông đang xây dựng lại một số tour như tour Mai Châu - Mộc Châu - Tà Xùa (2 ngày 1 đêm), có giá khoảng 1,3 triệu đồng; tour về cao nguyên đá Hà Giang, tour Bắc Kạn – Cao Bằng (3 ngày 2 đêm) đều có giá khoảng 2 triệu đồng… để chào bán với thời gian khởi hành vào tháng Bảy tới đây.
“Đây là tour khách lẻ và mức giá giảm so với khi chưa dịch khoảng 30%”, ông Tùng nói. Tuy nhiên, khó để đánh giá được sức mua vì hiện nay, hình thức du lịch của khách cũng đã thay đổi khi lựa chọn phương thức du lịch tự túc và cũng thường chọn tour sát thời gian khởi hành.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel, cũng cho biết, tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc… các resort nghỉ dưỡng, villa biệt lập hay homestay đều đã đầy khách dịp cuối tuần. “Chúng tôi cũng đã có kế hoạch để bán tour. Tuy nhiên, du nhu cầu và xu hướng du lịch của khách cũng đã thay đổi nên thời điểm này chúng tôi chủ yếu tập trung bán dịch vụ F&E”, ông Đạt nói.
Ông Vũ Văn Tuyên, CEO Công ty du lịch Travelogy Việt Nam chia sẻ, các resort nghỉ dưỡng quanh Hà Nội cũng bắt đầu nhộn nhịp trở lại vào cuối tuần. “Doanh nghiệp du lịch cũng bắt đầu bán tour ngắn ngày nghỉ dưỡng hay tham quan ít nghỉ ngơi nhiều”, ông Tuyên nói.
Tuy nhiên, khách chủ yếu là tự đặt dịch vụ và tự đi bằng xe cá nhân. Ngoài ra, đơn vị cung ứng dịch vụ lẻ như vé máy bay, đặt phòng, vận chuyển cũng dần chuyển sang cung cấp trực tuyến cho khách hàng nên khách có thể tự đặt mà không cần thông qua các công ty du lịch.
“Lượng khách có nhu cầu đi du lịch chưa cao. Chủ yếu vẫn là khách nghỉ dưỡng gần nhà, dịp cuối tuần. Cán cân giữa cầu và cung đang bị lệnh nhiều nên doanh nghiệp lữ hành rất khó bán tour”, ông Tuyên nói, có chăng chỉ bán dạng dịch vụ riêng lẻ free&easy hoặc xây dựng tour theo nhu cầu của khách.
Ngoài ra, khách vẫn nghe ngóng tình hình dịch và cẩn trọng trong an toàn, không muốn đi theo tour, nếu có thì cần một không gian và dịch vụ riêng. Chính vì vậy doanh thu bán tour của các công ty lữ hành chưa cao mặc dù thị trường đang ấm dần.
Nguyễn Nam
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.