Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Độc đáo món lẩu nhìn hoài không thấy nước dùng

(SGTT) – Có cách chế biến đặc sắc cùng sự đa dạng trong nguyên liệu, lẩu khô là món ăn được nhiều thực khách chọn lựa cho những khi họp mặt, sum vầy.

Bắt nguồn từ ẩm thực Trung Hoa rồi theo dòng chảy văn hóa ẩm thực đến một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, lẩu khô dần trở món ăn không thể thiếu trong thực đơn nhà hàng Việt Nam hay Trung Hoa.

Khác với món lẩu nước khi phần nước dùng quyết định đến độ ngon của nồi lẩu thì ở lẩu khô, yếu tố này lại nằm ở loại nước sốt đặc biệt để nấu và giúp các loại thực phẩm gắn kết gia vị và hương vị cùng nhau. Khi thưởng thức, phần nước sốt tuôn chảy ra cũng là lúc gia vị ngấm đều vào thực phẩm, gắp đến đâu phải ồ lên thú vị vì cách dùng nẩu kiểu khô này.

Lẩu khô vịt: Với kiểu nấu này, đầu bếp chọn vịt nguyên con và cắt thành những phần vừa ăn. Tiếp đến, đem xào qua ít gia vị và để trong hộp. Khi thực khách gọi món, nhà hàng phục vụ lên nồi lẩu với thịt ở trong nồi cùng ít nước sốt sền sệt. Món này hợp vị hơn khi dùng thêm một số loại rau, củ như cải thảo, cà rốt, xà lách, rau muống, nấm kim châm và thêm đĩa mì trứng tươi.

Lẩu khô chim bồ câu: Chọn một loại thịt khá lạ miệng là bồ cầu, đầu bếp muốn mang đến cho thực khách một trải nghiệm ẩm thực thú vị, bên cạnh hương vị thơm ngon. Chọn lấy những con bồ câu trưởng thành, người nấu sơ chế sạch rồi thả vào nồi lẩu cùng trái bí rỗng ruột. Điểm đặc sắc ở sự rỗng ruột này lại chính là bí mật, nơi lưu giữ phần nước sốt để tan chảy ra khi nấu lẩu khô.

Lẩu khô Nhật Bản: Quay về xứ Phù Tang, đầu bếp quốc gia này chọn làm lẩu khô là sự tổng hợp của nhiều loại thịt. Có thể kể đến như thịt bò, tôm, thịt heo; kết hợp cùng rau cải thảo, cải cúc, hành tây, cà rốt. Cuối cùng, đến phần nước sốt được bật mì cụ thể là nước sốt sukiyaki gồm nguyên liệu như cá bào, phổ tai, nước tương shoyu, rượu ngọt mirin, rượu sake. Đáp lại sự kỳ công ở phần nước dùng chính là độ ngon của món lẩu khô kiểu Nhật Bản.

Lẩu khô Hồ Nam: Mang đậm nét đặc trưng của một món lẩu Trung Hoa, lẩu khô Hồ Nam có thể tùy thuộc nhà hàng mà chọn thịt cá, thỏ, bò, heo. Sau sơ chế thịt, đầu bếp cho thêm gia vị như gừng, rau mùi vào và xào cùng ít rượu. Cuối cùng, thêm ít dầu ớt vào và nấu trên nồi khoảng 10-15 phút cho chín thịt. Những thực khách yêu thích món này tốn nhiều thời gian để nấu nướng nồi lẩu khô nhưng thành phẩm thu về rất xứng đáng.

Ngoài những kiểu chế biến lẩu khô nói trên, mọi người vẫn có thể trổ tài đầu bếp làm một nồi lẩu khô phiên bản nội trợ với công thức được chia sẻ cho nhau. Hoặc có thể rủ nhau ra nhà hàng Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản để dùng bữa.

Gia Hân tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối