Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đi tìm những nhân viên ‘lý tưởng’

(SGTT) - Khi nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng, thị trường việc làm đòi hỏi một thế hệ người lao động không chỉ hiểu việc mà còn biết cách làm việc hiệu quả, đặc biệt là có thể cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn.

Giữa tháng 10, tạp chí kinh doanh Fast Company đăng tải trích đoạn cuốn sách mới xuất bản của nữ tác giả Michelle P. King, tổng kết những nghiên cứu của bà về cách chốn công sở vận hành. Ngay từ tiêu đề, bài viết buộc người đọc phải suy ngẫm về một câu hỏi mang đầy tính thời sự: “Tại sao người lao động không thể phát triển công việc trong tương lai nếu chỉ dựa vào kỹ năng chuyên môn?”(1).

Qua rồi thời nhân viên “lý tưởng” dựa vào kỹ năng chuyên môn

Theo Investopedia, kỹ năng chuyên môn (technical skills) là kiến thức cần có để thực hiện những hành động hay quy trình đặt ra trong các lĩnh vực cụ thể như khoa học, nghệ thuật, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Giỏi các kỹ năng nói trên cho phép các cá nhân hoàn thành yêu cầu, nâng cao năng suất và tạo ra khác biệt so với phần còn lại. Khi gắn với một nghề nghiệp, kỹ năng chuyên môn trở thành kỹ năng cứng (hard skills) – yếu tố có thể định lượng và cải thiện nhờ kinh nghiệm tích lũy được hay thông qua giáo dục.

Kết quả khảo sát của LinkedIn vào năm 2022 cho thấy chăm sóc khách hàng, bán hàng, kế toán và phát triển kinh doanh là nhóm kỹ năng cứng phổ biến nhất trên nền tảng tìm việc trực tuyến này. Theo các nhà phân tích, người lao động với một bộ kỹ năng tốt không chỉ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình, mà còn có thể ứng dụng hiệu quả hiểu biết chuyên môn ngay cả khi chuyển sang làm việc ở các công ty cùng ngành khác.

Tuy nhiên, môi trường công sở hiện đại không chỉ đơn thuần dựa trên kỹ năng cứng. Nghiên cứu của Michelle P. King chỉ ra rằng, khi các chủ doanh nghiệp không còn chăm chăm cải thiện năng suất bằng mọi giá, quan niệm về những nhân viên “lý tưởng” cũng dần thay đổi. Thay vì tiếp tục tạo ra các sản phẩm rập khuôn từ dây chuyền nhà máy, nền kinh tế thông tin ngày nay đặt người lao động vào các văn phòng, buộc họ chú tâm nhiều hơn đến phương pháp giải quyết công việc một cách hiệu quả.

Những đặc điểm đại diện cho nhân viên “lý tưởng” mới

Trong môi trường mới, một loạt khía cạnh trong tính cách và tư duy của nhân viên có điều kiện bộc lộ, nổi bật là trí thông minh cảm xúc, khả năng hòa nhập, hợp tác, tư duy phản biện, khả năng thích nghi, sự chân thật và mức độ bền bỉ trong công việc. Những kỹ năng mềm (soft skills) này dần đại diện cho đặc điểm của những nhân viên “lý tưởng” thời hiện đại – nơi họ không còn làm việc cật lực, đôi khi sẵn sàng lấn át đồng nghiệp để đảm bảo vị trí, quyền lợi và cơ hội thăng tiến.

Thay vì tiếp tục tạo ra các sản phẩm rập khuôn từ dây chuyền nhà máy, nền kinh tế thông tin ngày nay đặt người lao động vào các văn phòng, buộc họ chú tâm nhiều hơn đến phương pháp giải quyết công việc một cách hiệu quả.

Theo Forbes, kỹ năng mềm, hay “kỹ năng con người”, là những đặc điểm tính cách và năng lực hành vi cho phép các cá nhân tương tác hiệu quả với người khác trong môi trường chuyên nghiệp. Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trên cơ sở định nghĩa của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), đã phân chia kỹ năng mềm thành hai nhóm: Nhận thức và phi nhận thức. Ngoài kinh nghiệm chuyên môn và khả năng áp dụng kiến thức học được vào công việc (nhận thức), kỹ năng mềm còn bao gồm các đặc điểm như tính kỷ luật, sự kiên trì và khả năng làm việc theo nhóm, những điều vốn khó nhận biết hơn và thường đòi hỏi các đánh giá mang tính đa chiều(2).

Dù không dễ để định lượng, chìa khóa thành công của người lao động ngày nay phụ thuộc phần lớn vào kỹ năng mềm. Các nhà phân tích tại Forbes nhấn mạnh rằng bất kể mức độ đa dạng về văn hóa tại doanh nghiệp hay quy mô công ty, kỹ năng mềm tốt giúp nhân viên điều chỉnh những tương tác phức tạp trong quan hệ giữa người với người, xây dựng sự gắn bó mật thiết với cả khách hàng lẫn đồng nghiệp. Trong một khảo sát do LinkedIn thực hiện vào năm 2019, 92% số chuyên gia và nhà quản lý đặt niềm tin vào những ứng viên có bộ kỹ năng mềm phong phú.

Ứng viên có bộ kỹ năng mềm phong phú được “săn đón”

Đối với nhà tuyển dụng, chú trọng phát triển kỹ năng mềm có thể mang đến nhiều ích lợi, đặc biệt là khả năng nâng cao hiệu quả công việc, cải thiện năng suất lao động, gắn kết nhân viên, giữ chân người tài, thúc đẩy tính sáng tạo và tạo động lực tăng trưởng. Đối với người lao động, sự thiếu hụt một số kỹ năng mềm cần thiết có thể cản trở việc đảm đương vai trò lãnh đạo hoặc khả năng làm việc trong một tập thể, ngay cả khi nhân viên này đáp ứng đầy đủ yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Như Michelle P. King đã khẳng định, nếu kỹ năng cứng giúp giải đáp câu hỏi chúng ta làm gì, thì kỹ năng mềm quyết định cách chúng ta giải quyết công việc đó như thế nào. Từ sản xuất hàng hóa đến bán buôn hay trao đổi hợp tác, kỹ năng mềm đại diện cho những khía cạnh mang tính phổ quát (universal skills) của môi trường công sở, “hầu như nhân viên nào cũng cần, để có thể làm ở bất kỳ đâu và cho bất kỳ ai”(3).

Theo ILO, dù không phải là ý niệm quá mới mẻ, vai trò của kỹ năng mềm được khẳng định mạnh mẽ trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi thị trường việc làm trở nên ngày càng khó đoán. Việc chủ động nâng cao các kỹ năng cá nhân và xã hội để cải thiện khả năng làm việc là cách người lao động thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Có thể thấy, Covid-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong nhận thức về tầm quan trọng của kỹ năng mềm, đặc biệt là đối với ngành nhân sự. Đại dịch đi qua, người ta đề cao các lãnh đạo doanh nghiệp dễ đồng cảm với nhân viên, đồng thời hiểu rằng người lao động dù ở cấp độ nào cũng cần các kỹ năng mềm nổi bật như sự nhanh nhạy, khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tính sáng tạo cũng như kỹ năng giao tiếp.

Do đó, những hạn chế nhất định về kỹ năng mềm đang phần nào cản trở các ứng viên giỏi chuyên môn tìm được những công việc ưng ý. Theo báo cáo năm 2018 của West Monroe, 43% số chuyên gia nhân sự trong lĩnh vực công nghệ cho biết việc tuyển dụng gặp khó khăn vì người lao động chưa thể hiện được các kỹ năng mềm cần thiết. Thậm chí, 67% số nhà lãnh đạo doanh nghiệp từng từ chối những ứng viên, dù họ đáp ứng yêu cầu công việc nhưng thiếu kỹ năng mềm.

Việt Nam: loay hoay với nâng cao hiệu quả công tác đào tạo

Tại Việt Nam, từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra rằng với chương trình hiện tại ở các trường đại học và cao đẳng, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng mềm, trong khi khả năng chuyên môn đôi khi chưa phù hợp với công việc thực tế tại các doanh nghiệp(4). Trong thời điểm nền kinh rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tham gia nhiều hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, sự thiếu hụt về mặt kỹ năng của người lao động, đặc biệt là kỹ năng mềm, có thể để lại những hậu quả lâu dài đối với mục tiêu phát triển đất nước.

Do đó, việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác đào tạo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một thế hệ người lao động không chỉ vững chuyên môn mà còn đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng cá nhân cũng như xã hội. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố vào tháng 4, gần một nửa số đơn vị tại Việt Nam được hỏi cho biết sẽ chú trọng nâng cao tư duy phân tích và óc sáng tạo cho nhân viên trong giai đoạn năm năm tới(5).

Ngoài ra, báo cáo chỉ ra những định hướng được đa phần doanh nghiệp ưu tiên trong việc cải thiện chất lượng nguồn lao động, trong đó có tăng cường đào tạo nâng cao kỹ năng, cải thiện hoạt động truyền thông nội bộ, xây dựng các chính sách đảm bảo tính đa dạng, công bằng và dung nạp đối với từng nhân viên trong đơn vị.

Đỗ Ân

(1) https://www.fastcompany.com/90964567/why-technical-skills-wont-be-enough-for-workers-thrive-in-the-economy-of-the-future

(2) https://www.adb.org/sites/default/files/publication/176736/challenges-and-opportunities-skills-asia.pdf

(3) https://www.fastcompany.com/90964567/why-technical-skills-wont-be-enough-for-workers-thrive-in-the-economy-of-the-future

(4) https://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2023.pdf

(5) https://www3.weforum.org/docs/WEF_Future_of_Jobs_2023.pdf

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối