Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Đến năm 2025, TPHCM thống nhất quản lý dữ liệu đất đai, quy hoạch

Trong quá trình triển khai chiến lược quản trị dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của chính quyền, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, TPHCM mong muốn có sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (trái) trao đổi với chuyên gia nước ngoài và bà Võ Thị Trung Trinh sau khi hội nghị kết thúc. Ảnh: L.Hoàng

Đến năm 2025, TPHCM hướng đến 100% hệ thống thông tin quản lý đất đai, xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất; hoàn thành dữ liệu sức khỏe điện tử, an sinh của người dân; dữ liệu hoạt động doanh nghiệp…

Những thông tin trên được ghi nhận tại Hội nghị triển khai chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vào ngày 3-3 do UBND TPHCM tổ chức.

Thời gian vừa qua, TPHCM đã chủ động đề ra các giải pháp thực hiện nhằm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số. TPHCM đã xác định “dữ liệu số” là một nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, xây dựng chính quyền số, phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo tại TPHCM.

Vì lý do đó, ngày 6-2-2023, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-UBND về phê duyệt Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (gọi tắt là Chiến lược dữ liệu). Đây là một trong các kết quả quan trọng của Chương trình hợp tác giữa UBND TPHCM và Ngân hàng Thế giới (WB) giai đoạn 2022 – 2023.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn đến các chuyên gia, tổ tư vấn, Ngân hàng Thế giới đã giúp TPHCM hoàn thiện Chiến lược quản trị dữ liệu.

Theo ông, có một chiến lược quản trị dữ liệu tốt được xem là một bước tiến trong công tác quản lý nhà nước, nhưng điều quan trọng hơn là đưa chiến lược đó đi vào cuộc sống và đóng góp tích cực vào xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ông mong muốn Ngân hàng Thế giới, Tổng lãnh sự quán Úc tại TPHCM và các chuyên gia sẽ tiếp tục giúp thành phố trong suốt quá trình triển khai chiến lược, và đặt ra yêu cầu các đơn vị liên quan của thành phố cần chi tiết hóa chiến lược để thực hiện.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ phối hợp trong 6 tháng đầu năm nghiên cứu và tham mưu về việc thành lập Trung tâm chuyển đổi số thành phố. Trung tâm sẽ kết nối sở, ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham gia thống nhất các hoạt động trong triển khai công việc về chuyển đổi số.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Carolyn Turk mong muốn TPHCM tiếp tục đầu tư xây dựng thể chế phù hợp để quản lý tài sản dữ liệu một cách an toàn và tối đa hóa giá trị của tài sản dữ liệu. Bà cho biết WB sẵn sàng hợp tác cùng với TPHCM để triển khai chiến lược này, và có thể hỗ trợ thành phố về chuyển đổi số để giúp tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế – xã hội.

Bà Sarah Hooper, Tổng lãnh sự Úc tại TPHCM, hy vọng Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM sẽ được triển khai hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo thành phố trong việc tận dụng số liệu để ra quyết định tốt hơn và củng cố nền kinh tế số, xã hội số của thành phố…

Cơ sở dữ liệu được lưu trữ, quản lý một cách an toàn

Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: L.H

Báo cáo về mục tiêu của Chiến lược quản trị dữ liệu của TPHCM, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT), cho biết việc khai phá tiềm năng của dữ liệu để phục vụ tốt hơn cho hoạt động của các cơ quan chính quyền thành phố, cung cấp dịch vụ thân thiện và hiệu quả hơn cho người dân, tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, hướng đến phát triển kinh tế số một cách toàn diện và bền vững.

Chiến lược này hướng đến việc cụ thể hóa các nhiệm vụ về triển khai kho dữ liệu dùng chung, triển khai các hệ thống thông tin chuyên ngành và số hóa, sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa… Từ đó, tạo lập các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin nền tảng phục vụ mục tiêu chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của thành phố.

Việc trao đổi, chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước cũng được thức đẩy, hướng đến quản trị và điều hành, ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Việc cung cấp dữ liệu thống nhất, tin cậy, bảo mật và an toàn cho người dân, doanh nghiệp, và các nhà nghiên cứu để khai thác sử dụng nhằm tạo giá trị gia tăng, tạo tiền đề phát triển kinh tế dữ liệu, góp phần phát triển kinh tế, xã hội cho thành phố.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, chiến lược dữ liệu của thành phố sẽ tập trung vào 3 nhóm dữ liệu chính: nhóm dữ liệu về người dân (nhóm dữ liệu hành chính, dữ liệu hộ tịch, dữ liệu y tế, dữ liệu giáo dục, dữ liệu an sinh); nhóm dữ liệu tài chính – doanh nghiệp (gồm nhóm dữ liệu tổng hợp và thống kê thu chi ngân sách, dữ liệu quản lý đầu tư công, dữ liệu doanh nghiệp – hộ kinh doanh cá thể); nhóm dữ liệu về đất đai – đô thị (gồm dữ liệu đất đai, dữ liệu nền thông tin địa lý, dữ liệu ngành xây dựng, dữ liệu giao thông, dữ liệu quy hoạch – kiến trúc).

Trên cơ sở đó, một số chỉ tiêu được đề ra, cụ thể vào năm 2025, 100% hệ thống thông tin quản lý về đất đai, cấp phép xây dựng, quy hoạch được hình thành thống nhất trên địa bàn thành phố phục vụ quản lý, phát triển đô thị. Hoàn thành tạo lập dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, dữ liệu về an sinh; dữ liệu về thành lập, tình hình hoạt động doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể của thành phố; dữ liệu về thu – chi ngân sách, giải ngân đầu tư công.

Chiến lược quản trị dữ liệu là chương trình hợp tác giữa TPHCM và Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2022 – 2023.Trong quá trình xây dựng Chiến lược dữ liệu, thành phố đã nhận được sự tư vấn và góp ý của đội ngũ chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), đồng thời đã tổ chức các hội thảo về quản trị dữ liệu nhằm lắng nghe các ý kiến chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia về những chiến lược, định hướng, chính sách thúc đẩy phát triển công tác quản trị dữ liệu của thành phố; các yêu cầu, kỳ vọng về sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản trị của lãnh đạo các sở, ban, ngành, thành phố Thủ Đức, quận, huyện, các hiệp hội, doanh nghiệp nhà nước.Chiến lược quản trị dữ liệu thể hiện sự quyết tâm của TPHCM trong việc tạo lập, sử dụng và phát triển dữ liệu số nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công theo hướng “lấy người sử dụng làm trung tâm”, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp “dựa trên dữ liệu số”, nâng cao năng suất lao động của đội ngũ công chức, viên chức người lao động của cơ quan nhà nhà nước “dựa trên nền tảng số, dữ liệu số”, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, tăng năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Lê Hoàng

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối