Chủ Nhật, Tháng Chín 8, 2024

Để du lịch Hậu Giang không chỉ là ‘điểm dừng chân’

(SGTT) – Hậu Giang nằm ở trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và được xem là một trong những trung tâm lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ vậy, Hậu Giang còn sở hữu nhiều công trình văn hóa và di tích lịch sử có ý nghĩa sâu sắc, những điều này có thể trở thành tài nguyên to lớn của du lịch tỉnh. Dù vậy du lịch Hậu Giang hiện nay được các chuyên gia đánh giá là chưa tương xứng, đây chỉ mới là “điểm dừng chân” trong tour của du khách.

Để phát triển ngành du lịch Hậu giang một cách bền vững, đòi hỏi cần giải quyết hàng loạt vấn đề, nhất là đầu tư hạ tầng và sản phẩm du lịch. Theo ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội, sản phẩm du lịch của tỉnh thực sự còn nghèo nàn, chưa đa dạng và đặc biệt còn thiếu sản phẩm mang tính đặc thù của địa phương để thu hút khách. Các sản phẩm hiện nay phần lớn là các loại hình du lịch sinh thái, sông nước… trùng lặp với nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). “Do đó, khả năng cạnh tranh về du lịch của Hậu Giang thấp và thiếu sức hấp dẫn”, ông nói.

Đoàn khách trải nghiệm ngồi xuồng ở Homestay Mương Đình, thuộc ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A. Ảnh: Hữu Long

Đổi mới và đa dạng các loại hình du lịch là việc cần làm để đáp ứng nhu cầu du khách hiện nay. Ở Hậu Giang, phần lớn các tour du lịch được thiết kế theo hình thức tham quan, “đi nhiều thăm vội”, do đó mà điều này khiến Hậu Giang chỉ là “trạm dừng chân”. Trong khi nơi đây có tài nguyên du lịch phong phú nhưng vẫn chưa gây ấn tượng cho du khách.

“Hậu Giang được xem là trung tâm lúa gạo của vùng Tây Nam bộ và ở đây có rất nhiều câu chuyện xung quanh cây lúa, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch. Mặt khác, tỉnh còn có 17 di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, đây là nguồn tài nguyên cho du lịch mang tính chất giáo dục, tìm về lịch sử, nhất là đối với thế hệ trẻ”, ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch Chim Cánh Cụt (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn) cho biết tại buổi hội thảo diễn ra tại Hậu Giang vào ngày 30-12.

ông Trần Quang Duy, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ Du lịch Chim Cánh Cụt (thành viên chương trình Sáng kiến Điểm đến An toàn) cho biết tại buổi hội thảo diễn ra tại Hậu Giang vào ngày 30-12.

Ông Duy còn nói thêm, tài nguyên du lịch của tỉnh này còn có những công trình tôn giáo độc đáo như nhà thờ Vị Hưng hơn trăm tuổi, Quan Đế Miếu là điểm đến tín ngưỡng của đồng bào người Hoa trên địa bàn, hay Thiền viện Trúc Lâm, chùa Aranhut – ngôi chùa cổ nhất Hậu Giang…

Nhà thờ Vị Hưng nằm dọc theo kênh xáng Xà No thuộc phường 4, TP Vị Thanh, Hậu Giang.

Tuy nhiên, cũng giống với ý kiến ông Tường Huy, nếu tỉnh muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được khách trong thời gian tới, “Hậu Giang cần phải đầu tư xây dựng, phát triển thêm các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng từ chính các sản phẩm du lịch sẵn có để tạo điểm khác biệt, nhất là chú ý việc tạo ra câu chuyện. Như vậy mới làm tăng khả năng cạnh tranh cao nhằm thu hút nhiều du khách đến với tỉnh”, ông Duy nói.

Theo một số chuyên gia du lịch, tỉnh Hậu Giang còn gặp thách thức lớn là gần thành phố Cần Thơ – trung tâm vùng ĐBSCL. Dù vậy, cần nhìn nhận việc tiếp giáp với Cần Thơ cũng vừa là động lực thúc đẩy du lịch cho tỉnh, do nơi đây có sân bay quốc tế và thu hút được một lượng khách nhất định. Nếu hợp tác kết nối với việc phát triển du lịch liên vùng sẽ giúp Hậu Giang có thêm du khách trong hành trình tìm về vùng đồng bằng sông nước.

Điều này cũng được ông Tường Huy nhắc đến, theo ông, Hậu Giang không thể làm du lịch một mình mà phải liên kết các địa phương lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau và đặc biệt là TPHCM. Bởi du lịch là ngành liên kết, mỗi địa phương sẽ có những thế mạnh và nguồn lực khác nhau, khi liên kết sẽ hình thành nên một chuỗi sản phẩm du lịch, các tỉnh sẽ khai thác được các thế mạnh của mỗi vùng, tránh được việc cùng xây dựng các sản phẩm du lịch trùng lắp, gây nhàm chán cho du khách.

Ông Trần Tường Huy, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch xã hội chia sẻ về phát triển sản phẩm du lịch tại tỉnh Hậu Giang.

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có trên 30 điểm tham quan du lịch. Trong đó có hai sản phẩm mà theo các chuyên gia cần tập trung khai thác làm “điểm sáng” là Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh” của ĐBSCL và con kênh lịch sử 120 năm tuổi – kênh xáng Xà No.

Theo ông Đoàn Duy Phong, Giám đốc Công ty Du lịch Hoa Sen Châu Á, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch đường thủy gắn liền với kênh Xà No, ông cho rằng có thể phát triển du lịch theo dạng cao cấp. Đó là phát triển mô hình vui chơi giải trí với du thuyền trên dòng kênh này. Tại đây du khách có thể trải nghiệm đi thuyền trên sông kết hợp thưởng thức biểu diễn văn nghệ đờn ca tài tử, hát dân gian và hát Aday của người Khmer.

Ngoài ra, ông Phong cũng gợi ý thêm đó là phát triển các tàu gỗ, cano để tham quan các điểm du lịch cộng đồng như khóm Cầu Đúc, chợ nổi Ngã Bảy. Thậm chí nên phát triển liên tuyến du lịch đường thủy bằng tàu bus nối Cần Thơ – Hậu Giang – Kiên Giang…

Trong việc phát triển du lịch, bên cạnh cảnh quan, kiến trúc di tích… thì ẩm thực còn là một thành tố quan trọng giữ chân du khách. Về miền Tây du khách quá quen với các món như lẩu mắm, cá lóc nướng trui, kho quẹt, canh chua… Chính vì vậy mỗi địa phương cần xác định “hương vị đặc sản” để biến ẩm thực trở thành “đại sứ du lịch” cho tỉnh nhà.

Theo bà Dương Thị Thu Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Ẩm thực Việt Nam, đến Hậu Giang nhắc đến món ăn khiến nhiều người nhớ nhất là cá thát lát và khóm Cầu Đúc. Nhưng theo bà, “Nếu du lịch Hậu Giang mà chỉ giới thiệu hai đặc sản này xem ra bản đồ ẩm thực của nơi đây từng được ca tụng là hoang địa – điểm hẹn của cá nước chim trời, xem ra là ít ỏi”.

Ẩm thực Hậu Giang còn có nhiều món ăn lạ và ngon nên được kể đến như cháo lòng Cái Tắc, gà um dâu, ốc len xào dừa, rượu nếp than, rượu áp xanh, trà mãng cầu… và không quên xứ miệt vườn còn có đa dạng các loại trái cây đặc sản như cam xoàn Phụng Hiệp, quýt đường Long Trị, dâu xiêm ở vàm kinh Xáng, mãng cầu xiêm ở Thuận Hòa. Chính nhờ địa thế và cũng như bàn tay của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa Khmer mà đặc sản Hậu Giang càng trở nên phong phú.

Ngoài ra, hội thảo chuyên đề “Xây dựng và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch Hậu Giang” diễn ra vào ngày 30-12, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang tổ chức. Các chuyên gia và nhà kinh doanh, tổ chức du lịch cũng đề cập đến vấn đề nhân sự trong ngành du lịch của tỉnh.

Hội thảo chuyên đề “Xây dựng và khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch Hậu Giang” diễn ra ngày 30-12, do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang tổ chức

Là vùng đất của đồng lúa và miệt vườn, do đó nhân sự lớn nhất trong ngành du lịch tỉnh chính là những người nông dân. Nên cần giải thích và hướng dẫn nông dân chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Chẳng hạn đối với các điểm du lịch về làng nghề, điểm du lịch cộng đồng, cần có sự hỗ trợ và làm tốt việc phân chia lợi ích, chính người dân sẽ là người tạo ra sản phẩm du lịch bằng những câu chuyện của mình.

Mặt khác, địa phương và nhà tổ chức du lịch cần có những khóa tập huấn để nâng cao nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, thuyết minh viên, người phục vụ… đặc biệt chú trọng việc truyền tải được ý nghĩa, câu chuyện của từng sản phẩm du lịch gửi đến du khách.

Theo đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang, hiện ngành du lịch được xem là một trong 4 trụ cột để phát triển kinh tế, vì vậy lãnh đạo tỉnh cũng thường xuyên quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư khi có vướng mắc.

Trong năm 2023, tỉnh đón 520.000 lượt khách tham quan du lịch, trong đó có trên 25.000 lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt 246 tỉ đồng.

Sáng kiến Điểm đến An toàn là chương trình do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức và vận hành, với mục đích tập hợp các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hàng không, vận chuyển du lịch, điểm tham quan, các danh lam thắng cảnh… cùng tự nguyện tham gia, hướng đến mục tiêu kết nối để phát triển ngành du lịch xanh, an toàn và bền vững.

Sáng kiến Điểm đến An toàn còn là mạng lưới để các thành viên cùng đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển thị trường du lịch và chia sẻ những vấn đề liên quan đến ngành nghề, môi trường kinh doanh, quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng ứng phó với những rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra còn cung cấp cho các thành viên tham gia những kiến thức, thông tin hữu ích cho việc kinh doanh, quảng bá thương hiệu.

Ngọc Khuyến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Làm gì để thực hành ESG trong du lịch?

0
(SGTT) – Song song với mục tiêu Net Zero, xu hướng áp dụng các tiêu chí ESG trong ngành du lịch đang ngày càng...

Bàn chuyện xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí...

0
(SGTT) – “Xây dựng cơ sở dữ liệu và tiêu chí thực hành du lịch Net Zero” là chủ đề của hội thảo chiều...

Phác thảo lộ trình hướng tới du lịch bền vững của...

0
(SGTT) - Việc một số nước trên thế giới đang có quan điểm “phản đối phát triển du lịch quá mức” là cơ hội...

Khu du lịch ven rừng ở Khánh Hoà thực hiện du...

0
(SGTT) – Làng Nhỏ - Hồ Láng Nhớt ở thôn Đá Mài, xã Diên Tân, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa là một khu...

Quảng Nam có 25 doanh nghiệp đạt chứng nhận du lịch...

0
(SGTT) - Tỉnh Quảng Nam là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành và triển khai áp dụng bộ tiêu chí du...

Những chú én nhỏ góp phần làm nên mùa xuân của...

0
(SGTT) - Việt Nam hiện đã có một số “Net Zero tours” được nhiều người hưởng ứng, mang lại tín hiệu tích cực. Tuy...

Kết nối