Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Đầu năm con cọp, nói chuyện cọp xưa

(SGTT) – Trong 12 con giáp của người Việt, có lẽ cọp (hổ) là con vật được người xưa lo sợ và luôn tìm cách đối phó nhưng cũng nể trọng trong dân gian, trái ngược với cảnh cọp đang dần tuyệt chủng trên toàn cầu, chính phủ nhiều nước lo bảo tồn cọp.

Cọp trong thánh chỉ của vua

Săn bắt cọp thời phong kiến – thực dân. Ảnh: Tư liệu

Sách Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn từ thời Minh Mạng cho tới Duy Tân khi Pháp bảo hộ Việt Nam, đã ghi nhận không ít trường hợp về nạn cọp giết người.

Sách ghi lại “Dân cư thôn Tân Lập ở Trấn Biên có nạn cọp. Vua ra lệnh tìm cách bắt cọp, ai bắt sống thì thưởng tiền 15 quan, giết chết thì thưởng 10 quan”. Thậm chí ba huyện ở Quảng Trị thường có nạn cọp. Vua giáng chỉ lấy hơn 200 người dân các xã Phù Bài và Thủy Ba đi bắt cọp, thưởng 100 quan tiền.

Thế nhưng vua chúa xưa cũng khá thích cảnh voi – cọp đấu nhau làm trò tiêu khiển cho vua qua. Sách ghi: “Diễn trận voi ở phía trước Kinh thành. Vua ra sông Hương để xem. Thị lang Vũ Khố là Hồ Hữu Thẩm sai tượng dịch (Tượng dịch: thợ đi phục dịch) buộc cọp để thử voi, buộc lỏng, cọp sổng ra, chạy gần đến thuyền vua. Quân ở thuyền đón đánh chết ngay. Vua nói: “Chính là câu: Để hổ huỷ sổng cũi là lỗi ai?”. Xuống dụ nghiêm trách Thẩm phải tội cách lưu”.

Hay như tỉnh Quảng Trị có nạn cọp. Vua phải sai Quản vệ Phan Ngọc Lương đem quân, dân đi bắt, thưởng cho 100 quan tiền.

Nạn cọp xảy ra khá nhiều. Xã Cổ Ly (thuộc huyện Phong Điền, phủ Thừa Thiên) có nạn cọp. Vua sai Quản vệ vệ Võng thành là Phan Ngọc Lương tìm phương pháp để bắt cọp. Lính đi chặt gỗ ở nguồn Tả Trạch, bị cọp cắn chết. Vua phái cho vệ Vòng thành, quản vệ, hiệp quản đều 1 người, suất đội 6 người và biền binh 300 người đi vây bắt.

Thậm chí có vùng bị nạn cọp, triều đình phải giảm sưu thuế. Sách Đại Nam Thực Lục cho biết: “Bớt lệ thuế cho các sách Mán ở những nguồn Tả Trạch, Hưng Bình, Phù Ân, Sơn Bồ, Hữu Trạch thuộc phủ Thừa Thiên (vì nhiều lần nhân bị nạn cọp và chết dịch, nên dân phải tán lạc, chuẩn cho tuỳ theo số dân Man hao giảm nhiều ít, mà chia thành bớt thuế)”.

Phủ Thừa Thiên ngay “chân thiên tử” nạn cọp cũng không ít, như “Sơn phận phủ Thừa Thiên có nạn cọp. Sai vệ Võng thành kiếm cách để bắt cọp”.

Một đoàn thợ săn cọp do người Pháp chỉ huy khi mới đô hộ nước ta.

Đến thời vua Duy Tân, tức thực dân Pháp đã đô hộ nước ta, việc thưởng cho bắt cọp đã thay đổi, tăng lên khá nhiều. Sách của triều đình viết: “Thân định lệ thưởng người bắt được cọp (lệ trước bắt được 1 con cọp chỉ thưởng 30, 40 quan. Nay chuẩn trở đi phàm xã dân bắt được cọp bất kể đường sá xa gần đều cho đem móng, đuôi và bộ da trình nạp, ai bắt được một con cọp thưởng 100 quan. Đến tháng 3 năm thứ 4 Toàn quyền đại thần bàn định bắt được một con cọp thưởng 12 đồng, một con beo thưởng 8 đồng, do ngân sách của Bảo hộ cấp phát).

Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um

Bức bình phong có hình Ông Hổ ở đình Xà Phiên (Long Mỹ, Hậu Giang). Ảnh: báo Cần Thơ

Ký ức về cọp của người Việt ở Nam bộ gắn liền với tiến trình con người khai phá vùng đất này. Cái buổi ban đầu ấy, những người dân mở đất với hành trang thô sơ vừa từ ghe bầu, thuyền buồm đặt chân lên vùng đất hoang rậm, sông sâu, thú dữ như hiệp sức thử thách người mới đến.

Để khai phá đất, lập làng, lập ấp, người Việt cũng như đồng bào các dân tộc ít người, ngoài việc gặp những cánh đồng hoang vắng, những đầm lầy heo hút, những rừng rậm bạt ngàn, họ còn gặp khá nhiều thú dữ. Đáng nói nhất trong loài thú dữ nơi này là cọp. Cọp rất nhiều và là mối đe dọa thường xuyên làm cản trở công cuộc khẩn hoang lập ấp, đe dọa thường trực tính mạng của con người sống ở đây:

Đồng Nai xứ sở lạ lùng,
Dưới sông cá lội, trên rừng cọp um

Sách Đại Nam nhất thống chí ghi mùa xuân năm Canh Dần 1770 có con mãnh hổ vào nhà người ở phía nam chợ Tân Cảnh, hai nhà sư Hồng Ân và Trí Năng đã diệt được cọp.

Trịnh Hoài Đức, vị công thần của triều Nguyễn và là tác giả của Gia Định Thành Thông Chí  đã nói về loài này ở đất Gia Định bằng câu tục ngữ: “Dữ như cọp Vườn Trầu”. Viết về “Vườn Phù Lâu”, ông cho biết “chỗ ấy còn nhiều rừng rậm, mãnh hổ thường hay bắt người, nên có câu “Dữ như cọp Vườn Trầu”.

Đến cuối thế kỷ XIX, số người chết vì cọp vẫn còn đáng kể, cọp, sấu còn hoành hành ở vùng quê Bến Tre, Gò Công, An Hóa vào khoảng 1900 – 1910, nào riêng gì vùng sình lầy phía Cà Mau. Bên bờ Hậu Giang ngày nay, vùng Phong Điền nổi danh trù phú với vườn cam quýt – vào khoảng năm 1900 cọp vẫn còn tại đó.

Trên báo chí Sài Gòn từ năm 1900 đến 1930, vẫn còn khá nhiều tin tức thời sự nói về nạn cọp.

Ở Tây Ninh những năm 1947, 1948 cọp loạn rừng, tại xã Ninh Thanh – ấp Chánh, cọp đã ăn 3 mạng người và mỗi đêm thường về ấp này bắt heo mang vô rừng ăn dần.

Dẫu cọp có giết người nhưng đối với cư dân Nam bộ thời xa xưa, cọp không có nghĩa dữ dằn mà chỉ là con vật hiền lành như mọi thú nuôi khác, cọp gần gũi với người nông dân, nên đồng dao có câu:

“Cọp rừng Sác moi ốc bắt cua
Cọp rừng thưa săn rùa ví thỏ
Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim
Cọp rừng sim ăn ong hút mật”

Qua hình tượng nghệ thuật, cọp còn mang cả yếu tố tâm linh, được thần thánh hóa, vẽ thành tranh thờ cúng, nhiều nơi thờ tượng cọp.

Hồng Ngọc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Chung tay ngăn chặn mua bán chim hoang dã

0
(SGTT) - Ngày 19-4, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ra mắt tài liệu “Các loài chim hoang dã nghiêm cấm hoặc hạn chế...

Cò về rồi sẽ lại ra đi?

0
(SGTT) - Đã lâu lắm, tính ra cũng gần mười năm tôi mới được thấy cò về làng ở quê nhà Hà Tĩnh nhiều...

Học sinh lên tiếng vì động vật hoang dã

0
(SGTT) - Thuyết trình, viết, vẽ và diễn kịch với nội dung hướng đến bảo vệ các loại động vật hoang dã nguy cấp...

Rùa xanh nặng 80kg mắc cạn ở Côn Đảo được cứu...

0
(SGTT) - Sáng ngày 27-12, tại khu vực bãi Lò Vôi, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo (thành viên chương trình Sáng...

Bước chạy nhỏ, thông điệp lớn qua giải ‘Chạy vì rùa’

0
(SGTT) - Giải “Chạy vì rùa” được tổ chức ngày 3-12 vừa qua đã thu hút gần 500 cá nhân, tổ chức từ 27...

Chạy để bảo tồn rùa tại Việt Nam

0
(SGTT) - Hướng tới mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng và gây quỹ cho các hoạt động bảo vệ rùa tại Việt...

Kết nối