Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Đại học đem ‘con online’ bỏ chợ

(SGTT) - Theo tường thuật của tờ New York Times, Raymond Sewer, 46 tuổi, hoàn toàn tin tưởng ở danh tiếng của trường Đại học Caltech khi bỏ ra 9.000 đô la ghi danh theo học một lớp trực tuyến về thực hành điện toán đám mây. Trang web của Caltech ca tụng khóa học; logo màu cam của trường xuất hiện nổi bật trên mẫu giấy chứng nhận hoàn thành khóa học.
Hiện đã có nhiều trường cung cấp các khóa học đại học trực tuyến. Ảnh minh họa: TL

Tuy nhiên sau khi đăng ký, Sewer kể anh không thấy bóng dáng Caltech ở đâu. Giảng viên chính, người thỉnh thoảng đang giảng bài thì biến mất, sống ở Mississippi chứ không phải Nam California, nơi Caltech đóng trụ sở. Một trợ giảng ở tuốt bên Ấn Độ và cả hai không có mối liên hệ gì rõ ràng với Caltech.

Hóa ra trường Caltech đã “outsource” (một dạng bán cái chương trình) cho một công ty bên ngoài tên là Simplilearn. Trả lời phỏng vấn tờ New York Times, Raymond Sewer khẳng định đây là trò giả mạo hòng lấy tiền của học viên.

Vấn đề nằm ở chỗ Caltech không phải là trường hợp duy nhất - hàng trăm trường đại học khắp nước Mỹ đang giới thiệu các khóa học online, các chương trình đào tạo không cấp bằng được quảng bá là bước đệm để tiếp cận các cơ hội giáo dục cao hơn. Các chương trình này bị các trường thả nổi, không có đội ngũ giảng dạy của trường tham gia, nội dung học cũng không phải của các trường đưa ra.

Tháng 6 vừa qua, cơ quan quản lý California đã kết luận hệ thống Đại học California (gồm nhiều trường) đã thiếu giám sát các công ty hợp tác bên ngoài trong việc tổ chức các khóa học online. Các trường này cung cấp cho học viên những thông tin không hoàn chỉnh hay sai lệch về vai trò của các công ty hợp tác, kể cả ai là giảng viên, giá trị của khóa học hay nội dung chương trình.

Việc chia sẻ doanh thu cũng là động cơ để các bên hợp tác sử dụng các chiêu thức tuyển sinh không đúng đắn. Minnesota gần đây cũng thông qua luật hạn chế việc các đại học công của tiểu bang hợp tác với bên thứ ba để tổ chức các khóa học online.

Các giới chức quản lý cho rằng những thủ thuật các trường và đối tác sử dụng có thể gây hại cho các học viên thu nhập thấp, những người xem các khóa học online như thế là một cách nhanh chóng và ít tốn kém để có chứng nhận học tập. Những học viên ngay trong nước Mỹ còn nhầm huống gì học viên nước ngoài, học từ xa, bị thu hút bởi danh tiếng của trường đứng tên tổ chức.

Theo ListEdTech, một hãng nghiên cứu thị trường dữ liệu họ thu thập được cho thấy có ít nhất 600 trường đại học ở Mỹ dùng các bên đối tác thứ ba để tổ chức các khóa học online. Trên ba phần tư các trường đại học công sử dụng cách thức này vì các chương trình huấn luyện dùng tên tuổi của trường bổ sung đáng kể vào ngân sách của họ. Với mỗi học viên ghi danh, các trường có thể thu về vài ngàn đô la, ước tính cộng lại lên đến hàng trăm triệu đô la mỗi năm cho hoạt động này khắp nước Mỹ.

Nhiều học viên đã thất vọng sau các khóa học và có người khởi kiện. Như Elva Lopez thấy quảng cáo một chương trình an ninh mạng mang thương hiệu Caltech vào năm 2020. Sau khi yêu cầu được cung cấp thêm thông tin, Lopez nhận một e-mail từ nhân viên tư vấn tuyển sinh có địa chỉ e-mail như địa chỉ của trường Caltech ở Pasadena.

Cô được nhập học và thu xếp vay 14.000 đô la để trả học phí. Sau đó cô phát hiện có giảng viên không phải là giáo sư của trường Caltech mà chỉ là người vừa tốt nghiệp một khóa an ninh mạng tương tự như khóa cô đang học. Lopez nộp đơn kiện Caltech và Simplilearn với cáo buộc vi phạm luật bảo vệ người tiêu dùng.

Caltech, một trường đại học danh tiếng có đến 46 người đoạt giải Nobel, bắt đầu hợp tác với Fullstack Academy từ tháng 5-2020; sau này Simplilearn đã mua lại Fullstack Academy. Cả hai đều dành những lời ca ngợi cho sự hợp tác của đôi bên và quảng bá mạnh cho các khóa học online. Chẳng hạn, một chương trình cam kết sẽ có thể chuyển biến “người mới bắt đầu thành chuyên gia an ninh mạng trong vòng chỉ 12 tuần, dạy những kỹ năng cho phép người tham gia có được những tiêu chuẩn để đảm nhận những công việc lương cao, đang “nóng” tại California và nơi khác”.

Mọi chuyện chung quy cũng vì tiền; thấy được tiềm năng của Simplilearn, Tập đoàn Blackstone năm 2021 đã đầu tư 250 triệu đô la mua cổ phần chi phối tại công ty này. Vào thời điểm đầu tư Simplilearn có chừng 3 triệu học viên và đến năm 2023 chính Simplilearn cho biết họ đã vượt ngưỡng 5 triệu học viên.

Có lẽ bên cạnh những người chất vấn chất lượng giảng dạy của các chương trình hợp tác, vẫn có những học viên vui vẻ chi những món tiền để đổi lại tấm giấy chứng nhận hoàn thành các khóa học có logo của những trường nổi tiếng. Với họ chừng đó cũng đủ đáng giá đồng tiền!

Nguyễn Vũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối