fbpx
Thứ Sáu, Tháng Sáu 2, 2023

Đặc sắc gỏi cá mai – món ‘sushi Việt’ ở xứ Nẫu

(SGTT) – Nhân đợt nghỉ lễ 30-4 này, nếu có ghé thăm thành phố biển Quy Nhơn, mọi người hãy thử gỏi cá mai, món ăn được xem là “sushi phiên bản Việt” của xứ Nẫu.
Gỏi cá mai xứ Nẫu. Ảnh: Việt An

Thoạt nhìn, cá mai khá giống với loại cá cơm to cả về hình dáng và kích thước. Tuy nhiên, cá mai dẹt hơn, thịt trong, săn chắc. Mặc dù có thể chế biến bằng cách nấu chín nhưng vì cá mai ít có mùi tanh nên hấp dẫn nhất vẫn là làm gỏi.

Tùy theo kích cỡ cá mà người ta quyết định rút xương hay không? Nếu cá nhỏ thì chỉ cần rút nửa xương phía bụng, để lại phần xương đuôi. Nếu cá lớn cỡ hai ngón tay thì phải rút hết xương. Nhưng để món ăn được ngon, đỡ bị hóc xương, cá mai thường được rút hết xương, nếu có còn lại chỉ là xương phần bụng vốn khá mềm và mảnh, có thể ăn được. Thịt cá mai sau khi làm sạch, rút xương cho ra những miếng thịt trong suốt, giòn tan và có vị ngọt của cá tươi mới.

Cá mai sau khi rút xương vẫn óng ánh tươi ngon. Ảnh: Việt An

Theo cách làm gỏi thông dụng, trộn cá mai với các loại rau thơm, khế chua, bắp chuối… và mắm chanh đường chua chua ngọt ngọt. Nếu không thích bị ảnh hưởng bởi các loại gia vị khác, chỉ cần nhúng cá vào nước cốt chanh hoặc chấm mù tạt rồi thưởng thức. Còn ở các quán gỏi cá mai tại Quy Nhơn, phổ biến nhất là trộn cá mai với hỗn hợp tỏi ớt băm nhỏ, rắc thêm đậu phộng rang lên trên. Khi ăn vắt chanh rưới đều lên cho cá chín. Đến đây món gỏi cá mai gần xong và chờ đợi thực khách thưởng thức.

Nước chanh giúp cá chín tái, ăn ngon hơn. Ảnh: Việt An

Bước tiếp theo không thể thiếu là nước chấm, quán thường có 2 loại: một chén xì dầu tỏi ớt và một chén mắm tương đậu vừa thơm vừa bùi bùi. Có nước chấm mới nổi bật lên vị của món ăn, lại rất hợp với gu ăn mặn và đậm đà của người miền Trung. Quy trình thì giống nhau, nhưng tỷ lệ pha nước chấm sao cho vừa ăn lại là bí quyết thu hút khách của riêng mỗi quán.

Hai chén nước chấm không thể thiếu trong gỏi cá mai. Ảnh: Việt An

Và sẽ là thiếu sót nếu không kể đến các món rau ăn kèm, gồm dưa leo, xoài, rau thơm, xà lách, bắp chuối… Trải miếng bánh tráng ra, thêm ít rau sống rồi gắp mấy lát cá mai cho vào, cuốn lại. Chấm vào chén nước mắm, vị ngọt của cá hòa quyện cùng vị mặn mà cay cay của nước chấm, thêm chút rau sống tươi non khiến khách cứ bị cuốn theo món ăn, hết phần này đến phần khác.

Đặt tất cả lên miếng bánh tráng, cuốn lại và thưởng thức vị biển trong món ăn. Ảnh: Việt An

Ngoài ra, trong dịp lễ 30-4 và tháng Năm này, thành phố Quy Nhơn còn chào đón mọi người bằng một loạt các sự kiện hấp dẫn như Lễ hội khinh khí cầu quốc tế với chủ đề “Quy Nhơn, Bình Định – Thiên đường biển”, Hội thi “Đầu bếp giỏi”, Triển lãm ảnh nghệ thuật “Du lịch Bình Định rực rỡ sắc màu”, Ngày hội “Sản phẩm quà tặng du lịch”… Tất cả đã sẵn sàng, mời bạn đến và trải nghiệm văn hóa cũng như ẩm thực nơi đây.

Việt An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Về núi, rừng Trà My nhớ thưởng thức sản vật cá...

0
(SGTT) - Vùng núi, rừng Trà My (Quảng Nam) nơi có nhiều suối, thác chảy róc rách có một loại sản vật là niềm...

Kem bơ – món ngon phải thử khi đến Đà Lạt

0
(SGTT) - Bạn tôi thường nói, đến Đà Lạt mà chưa thử kem bơ là chưa thưởng thức trọn vị ẩm thực của xứ...

Lạ miệng món bún sắn Quế Sơn ở Quảng Nam

0
(SGTT) - Nhân dịp nghỉ lễ vừa qua, các con tôi ở nội thành Đà Nẵng về quê Hòa Vang mang theo bún (phở)...

Lạ miệng món cháo dừa ở phố biển Bình Định

0
(SGTT) - Trong các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định được xem là vựa dừa với diện tích chiếm khoảng 40% tổng...

Về Bàu Nghè nhớ thưởng thức mì Quảng ốc bươu

0
(SGTT) - Nếu đến vùng Tây Bắc của Đà Nẵng (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), bạn sẽ nghe câu ca truyền thống từ...

Thương nhớ bánh ít lá gai xứ Nẫu

0
(SGTT) - Ai đã từng thưởng thức bánh ít lá gai của vùng đất võ, hẳn không thể quên hương vị thơm ngon, ngọt...

Kết nối