Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Cuộc chạy đua làm thuốc viên trị Covid-19 và vắc-xin dạng uống

Các hãng dược thế giới đã bước vào cuộc chạy đua mới có liên quan đến vắc-xin dạng uống và thuốc viên điều trị Covid-19, trong số này có một số loại đang ở thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.

Các viên con nhộng sẽ là phương thức chữa trị đơn giản và rẻ tiền hơn cho bệnh nhân và giúp khống chế dịch nhanh hơn bởi thuốc viên dễ bảo quản và dễ uống hơn. Israel là nước đầu tiên thử nghiệm lâm sàng vắc-xin viên nhộng…

Nhiều ứng cử viên mới

Hãng Merck của Mỹ đang hợp tác với startup Ridgeback Biotherapeutics trong nghiên cứu sản xuất thuốc viên có tên Molnupiravir. Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đang được thực hiện ở nhiều nước và kết quả có thể sớm công bố trong tháng 10 tới. Merck sẽ xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp (EUA) tại Mỹ vào cuối năm nay, và có thể ở Nhật Bản trong 1-2 tháng sau đó.

Các loại thuốc viên điều trị Covid-19 dự kiến sẽ có mặt trên thị trường từ cuối năm nay, nhưng giá vẫn khá đắt. Ảnh: Pharmaceutical Science Magazine

Mục đích ban đầu của Molnupiravir là trị cảm cúm. Nhưng mọi người đang mong đợi đây sẽ là loại thuốc hiệu quả để chữa trị Covid-19. Merck đang chuẩn bị sản xuất 10 triệu viên vào cuối năm, riêng Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ đã đặt hàng 1,7 triệu viên.

Hãng Pfizer đang phát triển hai ứng viên kháng virus – một loại uống và một loại tiêm tĩnh mạch – dựa vào cách điều trị bệnh SARS năm 2002. Các loại thuốc này dành cho các bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến vừa phải và không cần nhập viện. Dữ liệu ban đầu về các thử nghiệm lâm sàng sẽ được công bố từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay. Và thuốc có thể được sử dụng từ đầu năm tới.

Các hãng dược Nhật Bản cũng không chịu thua kém. Hãng Shionogi đã thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 loại thuốc viên từ tháng 7-2021 và dự định sẽ thử nghiệm diện rộng ngay trong năm nay. Dự kiến Shionogi sẽ đưa thuốc ra thị trường vào cuối năm 2022.

Chugai Pharmaceuticals cũng đã mua được quyền phát triển và tiếp thị ở Nhật Bản loại thuốc viên của tập đoàn Roche của Thụy Sỹ. Thuốc dự kiến sẽ được bán trên toàn thế giới trong năm 2022.

Giá vẫn còn chát

Phê duyệt khẩn cấp EUA cho phép Mỹ tiến hành điều trị tạm thời bệnh nhân nhiễm Covid-19 bằng các loại thuộc mà Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) chưa thông qua trong các tình huống phản ứng nhanh với đại dịch, khủng bố sinh học và các tình trạng khẩn cấp với sức khỏe cộng đồng. Quá trình này chỉ ba tuần trong khi FDA thường mất 6-12 tháng để rà sát các quy trình và chuẩn thuận. Và nhà chức trách cũng có thể hủy EUA nếu thuốc gây lo ngại về an toàn và hiệu quả.

Nhật Bản cũng có khuôn khổ phê duyệt tương tự. Quá trình này cho phép sử dụng khẩn các loại dược phẩm chưa được chính thức phê duyệt trong nước nhưng đã được sử dụng tại Mỹ, Anh và các nước khác có các tiêu chuẩn dược phẩm nghiêm ngặt tương tự như ở Nhật Bản.

Thời gian để nhà chức trách Nhật phê duyệt khẩn là dưới hai tháng. Nếu FDA phê duyệt sử dụng khẩn các loại thuốc của Merck và Pfizer vào cuối năm nay, các loại thuốc này có thể hiện diện tại Nhật Bản trễ nhất là tháng 2-2022.

Các phương thức điều trị Covid-19 hiện giờ bao gồm loại kháng thể hỗn hợp (antibody cocktail) dành cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ nhưng được xem là có nguy cơ trở nặng cao. Loại cocktail này sẽ được tiêm tĩnh mạch và mất đến 3-4 giờ đồng hồ.

Giá cả là một thách thức lớn. Thuốc tiêm Ronapreve do hãng dược Regeneron Pharmaceuticals và Roche sản xuất có giá bán là 2.100 đô la mỗi liều. Hay như loại Remdesivir – đã nhập vào Việt Nam trong hai tháng qua – được bán với giá 520 đô la một lọ, hay 3.120 đô la cho liệu trình điều trị tại Mỹ. Giá quá cao đồng nghĩa thuốc sẽ chỉ được sử dụng ở các nước giàu có với hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại.

Loại thuốc uống như Tamiflu có thể là nhân tố thay đổi cuộc chơi, bởi thuốc có thể dễ dàng kê đơn và sử dụng cho việc điều trị tại nhà.

Các loại thuốc kháng virus có thể ngăn chặn virus sinh sôi trong cơ thể người bệnh. Vì thế, các nhà khoa học tin rằng đây là phương thức hiệu quả chống lại các biến chủng virus khác nhau. Nhưng đó là tương lai dài, bởi hiện các loại thuốc viên vẫn sẽ có giá đắt. Chính phủ Mỹ dự chi 1,2 tỉ đô la cho 1,7 triệu viên Molnupiravir, tức giá sỉ mỗi viên cũng lên đến 705 đô la.

Các hãng dược đang đặt mục tiêu sản xuất thuốc viên với giá dưới 10% các loại cocktail kháng thể. Lý tưởng là giá rẻ như Tamiflu 75mg một vỉ 10 viên được bán với giá 950.000 đồng tại thị trường Việt Nam. Nhưng giảm giá 90% là hành trình rất dài.

Các loại vắc-xin viên nhộng đầu tiên

Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới thử nghiệm loại vắc-xin ngừa Covid-19 có thể uống được, tạo bước chuyển mới trong công cuộc phòng chống dịch trên toàn cầu – CEO Nadav Kidron của hãng bào chế Oramed Pharmaceuticals phát biểu với The Jerusalem Post.

Tháng 3 vừa rồi, Oramed và hãng dược Premas Biotech của Ấn Độ đã thành lập liên doanh Oravax Medical nhằm nghiên cứu và phát triển vắc-xin thế hệ mới có thể uống được. Vắc-xin này dựa trên công nghệ POD của Oramed với các liệu pháp dựa trên đạm tổng hợp, có thể uống hoặc tiêm. Hiện Oramed đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 các viên con nhộng chứa insulin để trị tiểu đường loại 1 và loại 2. Riêng Premas đã tiến hành phát triển công nghệ chế vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 3 vừa rồi.

CEO Kidron cũng nói rằng vắc-xin dạng viên sẽ gỡ bỏ nhiều rào cản, giúp quá trình tiêm chủng đại trà nhanh chóng hơn. “Tốc độ của chiến dịch tiêm chủng có vai trò quan trọng. Viên vaccine con nhộng trở nên giá trị hơn khi dịch Covid-19 sẽ được xem như cúm mùa thông thường và cần tiêm các mũi ngừa mỗi năm”, Kidron khẳng định.

Thuận lợi khác của viên nhộng là độ an toàn và hiệu quả. “Thuốc uống thường có ít tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, vắc-xin có thể vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường hoặc thậm chí ở nhiệt độ phòng. Việc phân phối toàn cầu trở nên đơn giản vô cùng. Cuối cùng, vắc-xin viên nhộng không cần sự theo dõi chuyên môn của nhân viên y tế”, ông Kidron nói.

Oravax đang chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 3 với số tình nguyện viên hạn chế. Nếu thành công, Oravax sẽ cấp tốc xin chuẩn thuận sử dụng khẩn cấp ở các quốc gia đang cần vắc-xin nhất trên thế giới, chẳng hạn như ở Nam Mỹ vốn đang thiếu vắc-xin.

Ông Kidron cũng nói rằng Oravax sẽ xin chuẩn thuận ở “các thị trường mới nổi” trước, rồi sau đó mới xin phép của FDA.

“Israel, Mỹ và một vài nước giàu có khác là những nơi đầu tiên có được Pfizer và Moderna. Nhưng tôi tin rằng những người bị tuột lại sau trong cuộc đua chủng ngừa sẽ vượt lên bằng cách duy nhất – trở thành những người đầu tiên uống vắc-xin con nhộng”, CEO Kidron kết luận.

Đại học John Hopkins cho biết đến nay toàn thế giới đã tiêm 6 tỉ liều vắc-xin. Các loại vắc-xin dạng viên có thể khiến nỗ lực khống chế dịch Covid thành công hơn, giúp mọi người vượt qua nỗi sợ kim tiêm và hội chứng “áo choàng trắng”. Ngoài Oravax, hãng dược Vaxart Inc. ở South San Francisco, Mỹ và nhiều công ty Iran đang tiến hành thử nghiệm các loại vắc-xin dạng viên nhộng hay viên nén. Các hãng dược Việt Nam và Thái Lan nghiên cứu vắc-xin xịt mũi. Ở tương lai xa hơn, các nhà khoa học đang dùng công nghệ phân tử nano để biến xà lách, rau chân vịt hay cà chua thành các nhà máy sản xuất vắc-xin ngừa Covid-19 tự nhiên. Thay vì tiêm hay uống, trong tương lai con người có thể ăn một đĩa xà lách ngon lành, nhưng đó lại là loại vắc-xin hữu hiệu.

Ricky Hồ

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lượng hàng tồn trên thế giới tăng gần 30% so với...

0
(SGTT) - Lượng hàng tồn trên toàn cầu đạt 2.200 tỉ đô la vào tháng 3-2023, mức cao nhất trong 10 năm. Đến tháng...

Chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B

0
Trong phiên họp thứ 20 diễn ra chiều 3-6, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ...

Các loại vaccine phòng Covid-19 “made in Vietnam” giờ ra sao?

0
(SGTT) - Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, các công ty trong nước tham gia quá trình nghiên cứu và phát...

Đà Nẵng: Chợ Hàn hút du khách trở lại sau hai...

0
Chợ Hàn – ngôi chợ truyền thống tại Đà Nẵng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến – bắt đầu thu...

Khi nào đại dịch Covid-19 sẽ kết thúc?

0
Hôm 5-5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với đại...

Đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y...

0
Tối ngày 5-5 (giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại...

Kết nối