Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

Cục diện mới của ngành công nghiệp ô tô…

(SGTT) – Công nghiệp ô tô được coi là “ngành công nghiệp của các ngành công nghiệp” cho thấy vai trò quan trọng của ngành với tác động lớn đến nền kinh tế, việc làm, công nghệ và môi trường toàn cầu. Ngành công nghiệp này sử dụng hàng triệu lao động trên khắp thế giới và góp phần vào sự tăng trưởng, đổi mới và khả năng cạnh tranh của các quốc gia. Bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang được định hình lại, khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện sạch hơn, đổi mới công nghệ và thích ứng với những thay đổi kinh tế và xã hội.
Những sự kiện triển lãm quy mô lớn như triển lãm ngành công nghiệp ô tô

Mô hình Không gian sản phẩm của Phòng thí nghiệm Tăng trưởng (Growth Lab) Havard mô tả các liên kết giữa các sản phẩm, dựa trên nguyên tắc một quốc gia có lợi thế cạnh tranh về sản phẩm cụ thể sẽ có lợi thế để phát triển những sản phẩm khác có những điểm tương đồng về quá trình và bí quyết sản xuất. Theo mô hình này, ngành công nghiệp ô tô chiếm vị trí trung tâm trong mạng lưới, minh họa cho tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nền kinh tế.

Ngành công nghiệp ô tô ngày càng biến động và đặt ra nhiều thách thức

Trong vài thập kỷ qua, công nghiệp ô tô đã trải qua một thời kỳ tương đối phẳng lặng, đặc trưng bởi sự chi phối của những gã khổng lồ trong ngành như BMW và Toyota. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ô tô điện đã phá vỡ sự thống trị này và làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng của ngành. Áp lực pháp lý và nhu cầu ngày càng tăng về phương tiện giao thông thân thiện môi trường đòi hỏi các nhà sản xuất phải nhanh chóng xem xét lại chiến lược của mình.

Việc Tesla gia nhập thị trường, với tư cách là công ty tiên phong trong lĩnh vực xe điện và các giải pháp về năng lượng sạch, đã mang đến sự quan tâm và những động lực thay đổi cho cả thị trường. Nhờ những tiến bộ công nghệ, hiệu suất hoạt động ấn tượng và thiết kế tương lai, Tesla đã nhanh chóng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường. Sự thành công của Tesla đã khiến ngành công nghiệp ô tô hiện đang trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc và cổ vũ cho sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới tập trung 100% vào xe điện. Các nhà sản xuất mới, phần đông đến từ Trung Quốc, đã sẵn sàng chinh phục thị trường chiến lược châu Âu. BYD là một ví dụ điển hình.

Dù nhìn chung có mức tăng trưởng đều đặn qua các năm trong hai thập kỷ qua, sản lượng ô tô đã chứng kiến hai lần sụt giảm đáng kể. Lần đầu tiên là vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với sự phục hồi nhanh chóng vào năm 2009. Và một lần nữa vào năm 2020 sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip và nguyên liệu thô sau đó, kết hợp với những căng thẳng liên quan đến chiến tranh ở Ukraine, đã khiến quá trình phục hồi lần hai chậm hơn nhiều so với giai đoạn trước.

2022 là một năm khó khăn của thị trường ô tô toàn cầu. Sự suy giảm rõ rệt nhất ở Mỹ và Liên minh châu Âu, nơi thị trường ô tô giảm lần lượt khoảng 8% và 4%, một phần do thiếu linh kiện, lạm phát gia tăng và lãi suất cao hơn.

Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô đang ở năm thứ 4 liên tiếp lượng sản xuất ở dưới mức trước đại dịch Covid-19 và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ ràng.

Trong bối cảnh đó, những khó khăn vẫn hiện hữu. 2023, 2024 vẫn là những năm đầy thách thức với các hãng xe truyền thống.

Sự gia tăng nhanh chóng của ô tô điện

Ô tô điện đang là tác nhân cản lại phần nào xu hướng đi xuống của ngành. Bất chấp những thách thức về chuỗi cung ứng và giá pin tăng trong năm 2022, thị trường ô tô điện đang tăng trưởng nhanh chóng theo cấp số nhân.

2017 là năm tổng số ô tô bán ra cao nhất, trong đó số lượng ô tô điện là 1,2 triệu chiếc (chiếm 1,4% tổng doanh số). Tuy nhiên, cho đến năm 2022, số lượng ô tô điện đã lên 10,8 triệu chiếc (chiếm 14,4% tổng doanh số).

Trái ngược với sự “ì ạch” của ngành ô tô, thị trường ô tô điện vẫn được dự đoán sẽ có triển vọng trong năm 2023 và thời gian tới. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ước tính gần 14 triệu ô tô điện sẽ được bán vào năm 2023 trên toàn cầu, trong đó 2,3 triệu chiếc đã được bán trong quí đầu tiên của năm 2023.

Trung Quốc hiện là thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới

Ba thị trường thống trị doanh số bán xe điện là Trung Quốc, châu Âu, Bắc Mỹ. Trong đó, năm 2022, Trung Quốc chiếm khoảng 60% doanh số bán xe điện.

Từ năm 2013, khi chỉ sản xuất được một số ít xe điện, cho đến nay, nhờ các chiến lược tổng thể, Trung Quốc đã trở thành nhà sản xuất pin và xe điện hàng đầu. Quốc gia này còn nắm giữ được nhiều nguồn tài nguyên khan hiếm cần thiết để sản xuất pin và động cơ điện.

Năm 2022, bất chấp những thách thức lớn như khủng hoảng bất động sản và lệnh phong tỏa do bùng phát đại dịch Covid-19, doanh số bán xe điện ở Trung Quốc vẫn duy trì và tăng đáng kể 82% so với cùng kỳ năm trước. Sự tăng trưởng ấn tượng này đã giúp Trung Quốc vượt qua châu Âu và Mỹ một cách rõ rệt để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về doanh số bán xe điện (hình 4). Theo IEA, hơn một nửa số ô tô điện đang được lưu thông hiện đang ở Trung Quốc và nước này đã vượt mục tiêu năm 2025 về doanh số bán xe sử dụng năng lượng mới.

Sự trỗi dậy của các nhà sản xuất mới nổi và hàng loạt thương hiệu ô tô điện mới

Việc điện hóa ngành công nghiệp ô tô đã mở ra cánh cửa cho sự xuất hiện của nhiều thương hiệu ô tô mới. Thị trường được làm mới lại. Những rào cản về công nghệ và những điều khoản khí thải nghiêm ngặt liên quan đến động cơ đốt trong giờ đây đã không là chướng ngại vật đối với những nhà sản xuất ô tô điện. Những người chơi mới đang tìm cách nắm bắt cơ hội trong thị trường nhiều tiềm năng này, nhưng kết quả của họ không giống nhau. Một số đang phát triển nhanh chóng và mở rộng ra quốc tế, trong khi một số khác đang gặp khó khăn lớn về tài chính.

Trong số các nhà sản xuất ô tô điện mới có những cái tên như Lordstown, Canoo, Fisker, Nikola, Aiways, và gần đây là Vinfast, đã chọn niêm yết trên sàn chứng khoán thông qua SPAC (thuật ngữ chỉ các công ty được mua lại với mục đích đặc biệt – một phương thức gây quỹ trở nên khá phổ biến và thay thế cho IPO truyền thống). Tuy nhiên, dù đã thành công với những vòng gây quỹ đáng kể, một số công ty vẫn chưa tung sản phẩm ra thị trường xe điện.

Những thương hiệu mới xuất hiện phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng cho dòng xe điện. Tuy nhiên, những người chơi mới sẽ phải khẳng định mình trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và không ngừng biến động. Khả năng về vốn và các chiến lược tài chính phù hợp sẽ là yếu tố tiên quyết để có thể vượt qua giai đoạn chi tiêu mạnh cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và mở rộng hoạt động trước khi có thể đạt được điểm hòa vốn.

Việc đa dạng hóa các nhãn hiệu và sản phẩm xe điện cũng sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn, với giá thành phù hợp hơn.

Ô tô điện có thực sự là xu hướng dài hạn hay không?

Phân tích PESTEL cho thấy sáu yếu tố về môi trường kinh doanh bao gồm chính sách, kinh tế, xã hội, công nghệ, môi trường và pháp lý đều đang thúc đẩy cuộc dịch chuyển điện khí hóa:

Chính sách: Đồng thời với các quy định nghiêm ngặt hơn về khí thải, một số quốc gia, bao gồm Pháp, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ, đã phát triển các kế hoạch hỗ trợ ngành ô tô điện, bao gồm các ưu đãi tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng sạc và nghiên cứu các công nghệ trong tương lai. Những ưu đãi này của chính phủ đã thúc đẩy sự đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô bằng cách khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển các giải pháp bền vững như xe điện, pin nhiên liệu, hệ thống quản lý năng lượng và vật liệu nhẹ và bền. Những chính sách này cũng tạo nên sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nhà sản xuất ô tô, nhà cung cấp công nghệ và trường đại học, tạo ra một hệ sinh thái đổi mới năng động hơn và thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng đối với phương tiện phát thải carbon thấp thông qua các ưu đãi tài chính khi mua xe điện.

Kinh tế: Quá trình đô thị hóa đã tạo ra nhu cầu cao về phương tiện giao thông ở các khu vực đô thị đang phát triển, nơi việc di chuyển cá nhân là điều cần thiết. Với sự gia tăng và biến động giá xăng dầu, người tiêu dùng tại các đô thị có xu hướng sử dụng xe điện và các phương tiện thân thiện với môi trường.

Xã hội: Sự quan tâm nhiều hơn của xã hội về các vấn đề môi trường đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các phương thức vận tải bền vững hơn. Các hình thức mới, như dịch vụ đi chung xe, chia sẻ xe cũng như nền tảng đặt chỗ vận chuyển theo yêu cầu, đã mở rộng lựa chọn đi lại cho các cá nhân. Nhiều nhà sản xuất ô tô đã hợp tác với các công ty công nghệ di động để phát triển dịch vụ chia sẻ phương tiện, khám phá các nguồn doanh thu mới và thích ứng với xu hướng di chuyển mới.

Công nghệ: Những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là pin dành cho xe điện: mạnh hơn, gọn nhẹ hơn và giá cả phải chăng hơn, đang làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô theo hướng điện hóa. Phạm vi hoạt động được mở rộng khiến xe điện trở nên phù hợp với cả những chuyến đi dài. Nhờ những tiến bộ công nghệ trong thiết kế và sản xuất, kinh tế quy mô và sự cạnh tranh, giá pin lithium-ion nhìn chung đã giảm gần 5 lần trong vòng 10 năm qua (BloombergNEF), góp phần giúp giá xe điện trở nên cạnh tranh. Công nghệ pin, chế tạo và kỹ thuật số cũng cho phép các nhà sản xuất thiết kế xe điện với mẫu mã đẹp, sáng tạo với hiệu suất cao và nâng cao trải nghiệm của người dùng.

Môi trường: Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy việc giảm khí thải và áp dụng các biện pháp thực hành bền vững. Các quy định về môi trường và vai trò ngày càng quan trọng của chỉ số ESG đã tác động đến chiến lược và sự đổi mới của nhà sản xuất truyền thống, thúc đẩy sự chuyển đổi theo hướng giảm khí thải phát sinh trong toàn bộ quá trình sản xuất, phân phối và trên các sản phẩm.

Pháp lý: Các chính phủ tại nhiều quốc gia đã đưa ra luật và quy định chặt chẽ, quyết liệt hơn về khí thải của phương tiện giao thông. Tiêu chuẩn khí thải carbon mới theo “Fit for 55” được châu Âu áp dụng cho ô tô và phương tiện vận tải hạng nhẹ với mục tiêu đến năm 2030, giảm 55% lượng khí thải carbon so với năm 2021 và năm 2035, giảm 100% lượng khí thải. Điều này đồng nghĩa với việc chấm dứt bán ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035. Hơn nữa, “Các khu vực phát thải thấp (LEZ)” được nhân rộng ở các thành phố lớn của châu Âu. London đã đưa ra phí chống tắc nghẽn và vùng phát thải cực thấp. Brussel đã ban hành lệnh cấm dần đối với xe chạy bằng dầu diesel. Ở Đức, các đô thị như Stuttgart, Munich và Hamburg đã đưa ra những hạn chế cụ thể về tiêu chuẩn khí thải. Những sáng kiến này nhằm mục đích cải thiện chất lượng không khí bằng cách hạn chế sử dụng các phương tiện gây ô nhiễm ở khu vực thành thị, gây khó khăn cho các nhà sản xuất truyền thống nhưng lại mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất xe điện. Giờ đây, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang hướng đến châu Âu như một thị trường chiến lược và các nhà sản xuất châu Âu sẽ khó khăn để duy trì thị phần ngay trên lãnh thổ của mình.

Phân tích toàn diện môi trường kinh doanh cho thấy bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang được định hình lại, khuyến khích chuyển đổi sang phương tiện sạch hơn, đổi mới công nghệ và thích ứng với những thay đổi kinh tế và xã hội. Các nhà sản xuất ô tô đang tích cực tìm cách hạn chế tác động của biến động nguyên liệu thô, rủi ro địa lý và các quy định của khu vực, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, để có thể dẫn trước trong cuộc đua này. Các nhà sản xuất chậm chân trong chuyển đổi điện hóa hoặc có các sản phẩm xe điện không đủ hấp dẫn sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần.

Chiến lược và hiệu quả tài chính của các nhà sản xuất truyền thống (đại diện là BMW) và mới nổi (đại diện là Tesla và BYD) trong quá trình chuyển đổi sang điện hóa ngành công nghiệp ô tô sẽ được phân tích cụ thể trong các số sau.

Nguyễn Minh Tuấn – Nguyễn Hương Giang 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Taxi không người lái đã chạy!

0
(SGTT) - Những ai lần đầu tiên đến San Francisco vào những ngày này ắt sẽ kinh ngạc khi thấy hàng trăm chiếc xe...

TPHCM đề xuất thí điểm đào tạo lý thuyết lái xe...

0
Mục đích của việc đề xuất là triển khai thí điểm đào tạo lái xe ô tô hạng B1, B2, C với phần lý...

Kết nối