Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Có gì hay tại các lễ hội vào những ngày cận Tết Dương lịch 2021?

(SGTTO) – Tham gia các trò chơi dân gian, thưởng thức các loại bánh, trái độc đáo của các vùng, miền cũng như hòa mình vào không khí chuẩn bị tết ở miền Tây… sẽ là các hoạt động hấp dẫn khi tham gia các lễ hội vào những ngày cận Tết Dương lịch 2021.

Những người đi du lịch vào thời điểm này sẽ có dịp tham gia một số lễ hội lớn tại các vùng, miền, nổi bật là lễ hội tại Cần Thơ, Quảng Ninh và Hà Nội. Đặc trưng của các lễ hội này là các hoạt động đa dạng, phong phú nhằm quảng bá các di sản văn hóa của người dân địa phương và đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc.

Thưởng thức bánh, trái đặc sản miền tại Cần Thơ

Du khách trải nghiệm gói bánh lá dừa. Ảnh: Làng du lịch Mỹ Khánh

Một trong những sự kiện lớn vào mùa lễ hội cuối năm tại Cần Thơ là ngày hội bánh – trái Mỹ Khánh, tại Làng Du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, dự kiến diễn ra từ ngày 31-12-2020 đến 3-1-2021. Theo cổng thông tin của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ngày hội có chủ đề “Vị ngọt Miền Tây” có hơn 100 gian hàng, trong đó 40 gian hàng giới thiệu bánh dân gian, đặc sản của các quận, huyện ở Ô Môn, Cờ Ðỏ, Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Bình Thủy, Phong Ðiền… và các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long như Bến Tre, Trà Vinh, An Giang…

Khi đến với ngày hội bánh – trái Mỹ Khánh, du khách sẽ có dịp gặp gỡ các nghệ nhân bánh dân gian Nam Bộ, nghệ nhân cây trái; được trải nghiệm làm bánh; trồng cây và thưởng thức những món bánh, trái đặc sắc của miền Tây; tham gia các trò chơi dân gian Nam Bộ.

Ngoài những đặc sản của Cần Thơ như trà mãng cầu, mít không hạt, nhãn tím… du khách còn thưởng thức những sản phẩm đặc trưng của các địa phương khác như mật hoa dừa, kẹo dừa sáp (Trà Vinh), dâu tằm (An Giang)…

Ðặc biệt, vào dịp này Làng Du lịch Mỹ Khánh cũng khánh thành và ra mắt khu nhà văn hóa kiến trúc 4 dân tộc Kinh – Hoa – Khmer – Chăm và làng nghề truyền thống. Ðây là khu tái hiện những nét kiến trúc, văn hóa đặc sắc trong nếp sinh hoạt, lao động, phong tục của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Sau hàng loạt những trải nghiệm thú vị: massage cá, cá lóc bú bình, cá ăn cơm bằng muỗng, cốm nổ… thì mùa cuối năm cồn Sơn thu hút du khách bằng những vườn cây trái trĩu cành và tận hưởng không khí Tết miền Tây qua trải nghiệm gói bánh.

Cũng tại Cần Thơ, nếu đến khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, du khách có thể tự tay gói bánh chưng tại nhà dân, được người dân ở đây dạy cách chọn nếp, chọn lá, buộc dây sao cho chắc, cho đẹp. Không chỉ học được cách làm bánh, du khách còn trải nghiệm không khí quây quần rất riêng của Tết miệt vườn.

Hơn 100 nghệ sỹ trình diễn tại lễ hội Áo dài ở Quảng Ninh

Ảnh: Tổng cục Du lịch

Theo cổng thông tin điện tử thành phố Cẩm Phả, “Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 – Miền di sản” do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 26-12-2020 tại Khu du lịch – dịch vụ Bái Tử Long.

Chương trình sẽ trình diễn 17 bộ sưu tập Áo dài đặc sắc của 18 nhà thiết kế tiêu biểu trong nước, lồng ghép câu chuyện về những di sản của tỉnh Quảng Ninh được thể hiện trên chiếc áo dài truyền thống của dân tộc Việt Nam.

“Festival Áo dài Quảng Ninh 2020 – Miền di sản” có sự tham gia của trên 100 nghệ sỹ, người mẫu chuyên nghiệp đến từ TPHCM, Hà Nội, Huế, Đà Lạt… Thông qua tà áo dài truyền thống với những màu sắc, hình ảnh của các di sản tiêu biểu của Quảng Ninh, tô điểm thêm giá trị của vịnh Bái Tử Long, mang lại một sắc thái mới lạ, hiện đại cho du lịch Quảng Ninh.

Trải nghiệm văn hóa, ẩm thực Hà Giang tại Hà Nội

Những giá trị, bản sắc truyền thống các dân tộc trong tỉnh sẽ có tại lễ hội tháng 12-2020. Ảnh: Báo Hà Giang

Theo kế hoạch của UBND tỉnh Hà Giang, từ ngày 25 đến ngày 27-12-2020, tại tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức “Không gian văn hóa, du lịch và thương mại tỉnh Hà Giang tại thành phố Hà Nội năm 2020”.

Tại không gian văn hóa, khách du lịch sẽ có cơ hội trải nghiệm những giá trị đặc sắc của Hà Giang với di sản văn hóa đặc trưng của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh như mật ong bạc hà, trà Shan tuyết cổ thụ, cam sành…

Đến với không gian trưng bày, du khách được hòa mình vào những lễ hội truyền thống của các dân tộc và tham gia vào các trò chơi dân gian, chiêm ngưỡng các tác phẩm ảnh nghệ thuật giới thiệu về đất và người Hà Giang. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng của tỉnh.

Quỳnh Châu tổng hợp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề