Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

“Cô gái YesHue” và hành trình mang gia vị bún bò Huế ra nước ngoài

(SGTT) – Chị Lê Thị Kim Hằng, người đồng sáng lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue, đang có những bước tiến vững chãi trên con đường phát triển các loại gia vị đặc sản xứ Huế. Giấc mơ của chị không chỉ dừng lại ở thị trường trong nước mà còn là xuất khẩu ra nước ngoài.
Gia vị bún bò Huế. Ảnh: NVCC

Ở TPHCM mãi cho đến khi vào đại học thì Lê Thị Kim Hằng ra Hà Nội để học vào năm 2010. Cô gái Huế nhỏ nhắn, khéo tay và mê làm doanh nhân khi ấy nay đã trở thành một chủ doanh nghiệp tại Huế (quê hương của chị); đồng thời sở hữu thương hiệu YesHue với các nhãn hàng về gia vị thức ăn Huế và bắt đầu có các đơn hàng xuất khẩu gói gia vị vào thị trường Mỹ.

Từ hũ gia vị bún bò Huế đầu tiên ở Hà Nội

Kim Hằng kể chị sống với sự thôi thúc của ước mơ làm kinh doanh chuyên ngành thực phẩm nên đã đi làm, dành dụm tiền vốn khi còn đi học. Ở Hà Nội, chị bắt đầu từ những việc đơn giản nhất có thể làm được khi ấy là buôn rau muống cho các tiểu thương ở các chợ nhỏ, dành dụm tiền và quan sát cách tiểu thương buôn bán, làm ăn và cả những điều họ thích, mong muốn có.

Dần dần, chị nhận ra sự hiện diện của quán sá bán món ăn đặc sản theo vùng miền, như món Huế ở Hà Nội cũng nhiều hơn, không khác mấy so với Đà Nẵng hay TPHCM nhưng đúng “vị đặc sản Huế” thì hiếm. Và chị mở nhà hàng, ngay trong phố cổ Hà Nội để bán món bún bò Huế. Vừa đi học vừa kinh doanh nhà hàng, chị vấp ngay ở bước đầu tiên: ai nấu thay khi mình phải đến trường học?

Kim Hằng cho biết, chị nghĩ đến việc cho ra công thức nấu chuẩn để các đầu bếp được thuê có thể chế biến món bún bò Huế, chuẩn hương vị Huế một cách nhanh chóng, dễ dàng ngay cả khi chị không có mặt ở nhà hàng. Vì vậy, chị cùng cộng sự mày mò tìm hiểu và bắt đầu làm những hũ gia vị đầu tiên để đầu bếp nêm nếm khi chuẩn bị những tô bún cho khách với chất lượng và hương vị Huế đồng nhất.

Nữ doanh nhân Lê Thị Kim Hằng. Ảnh: NVCC

Những hũ gia vị tiện lợi đó đã gợi cho chị suy nghĩ mới mẻ về gia vị đặc sản làm sẵn và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nơi mà những người bận rộn ở đô thị lớn không có nhiều thời gian để nấu nướng nhưng vẫn muốn thưởng thức món ăn xa quê, món ăn độc đáo vùng miền của Huế.

Năm 2015, chị trở về Huế sau khi tốt nghiệp đại học. Chị cùng cộng sự bắt tay vào việc nghiên cứu làm sao có thể đóng gói gia vị bún bò Huế trong một túi hoặc lọ nhỏ, để giúp người đầu bếp, người nội trợ và kể cả người không biết nấu ăn có thể dễ dàng nấu món bún bò Huế đúng vị Huế.

Đến bộ gia vị bún bò Huế YesHue

Gần hai năm chỉ để đi tìm nguyên liệu tốt nhất cho loại gia vị bún bò Huế, chị Kim Hằng và cộng sự đã có không biết bao lần lặp lại các khâu “làm – thử – bỏ – nghiên cứu – điều chỉnh” cho đến khi có thành phẩm ưng ý. Gia vị bún bò Huế YesHue ra đời được đóng thành gói hoặc đựng trong hũ, đặt theo tên của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue do chị làm chủ.

Chị Kim Hằng chia sẻ, việc tìm nguyên liệu và công thức phù hợp để làm ra loại gia vị bún bò Huế tưởng đơn giản với sả, ớt, ruốc… vốn là những thứ có sẵn ở Huế nhưng thật ra rất kỳ công. Với loại sả chẳng hạn, không phải loại sả nào cũng có thể nấu bún bò Huế mà phải là sả tím, có hình dáng nhỏ xinh nhưng rất thơm.

Cũng như vậy, trong các loại ruốc thì con ruốc ở một vài vùng biển Huế mới phù hợp để cho ra hương vị thanh và ngọt thơm. Sau các khâu sơ chế nguyên liệu thì bắt đầu công đoạn nấu hỗn hợp muối, sả, ớt, đường phèn, ruốc… cho đến khi chúng cô đặc lại. Gia vị bún bò Huế của YesHue hoàn toàn không có chất bảo quản.

Các sản phẩm YesHue tại một siêu thị. Ảnh: NVCC

Ngoài loại cay theo khẩu vị người Huế, gia vị bún bò YesHue còn có loại ít ớt dành cho người không giỏi ăn cay. Loại này bán kèm với tương ớt Huế để ai muốn ăn cay hơn có thể sử dụng. Còn có loại gia vị Bún bò Huế dành riêng cho người miền Bắc – những người thích có nồi nước dùng trong veo không váng mỡ, màu.

Sản phẩm hoàn chỉnh ra lò cũng là lúc chị lo tìm thêm nguồn vốn bổ sung cho YesHue và tìm nơi bán hàng. Vị nữ doanh nhân này cùng cộng sự đã tìm đến từ kênh bán hàng truyền thống như chợ đến các kênh siêu thị hiện đại, kênh thương mại điện tử… kết quả nhận được sau ba năm đầu kinh doanh (2017 – 2019) còn rất khiêm tốn, nhưng đã có lối ra cho gia vị YesHue. Các sản phẩm của YesHue có hệ thống phân phối qua các kênh hiện đại, cửa hàng đặc sản trên toàn quốc bên cạnh các kênh thương mại điện tử.

“Khó khăn, thách thức thời gian đầu khởi nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường đã được giải quyết. Tuy nhiên, sau khi ổn định được chút thì lại dính đại dịch Covid-19”, chị Kim Hằng tâm sự. Dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, suy thoái kinh tế, sự chuyển dịch nhân sự, giá cả nguyên liệu sản xuất leo thang, chi phí logistic xuất khẩu hàng hóa cũng tăng đột biến… tất cả đã làm ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước, trong đó có YesHue.

Tìm con đường xuất khẩu cho YesHue

Không dừng lại ở thị trường nội địa, chị Kim Hằng tìm đường đưa các mặt hàng gia vị của YesHue ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều này, chị đã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương). Trong các chuyến đi năm 2018, chị đã đi qua nhiều bang của nước Mỹ như California, Washington, Washington D.C, New York… để tìm kiếm đối tác và làm việc với họ về các điều khoản, hoàn tất các thủ tục để xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để được xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Mỹ. Cũng theo con đường xúc tiến thương mại, chị đã đưa YesHue đến Nhật Bản, Úc, Canada và các nước châu Âu, hiện diện trên các sàn thương mại điện tử quốc tế.

Sản phẩm Yes Hue được giới thiệu tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC

Tháng 5-2019, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại YesHue xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Mỹ, bao gồm 4 tấn sản phẩm gia vị bún bò Huế và gần 1 tấn các sản phẩm khác như tương ớt Huế, dầu điều phi…

Chị Kim Hằng xác nhận đây là sản phẩm gia vị bún bò lần đầu tiên được xuất khẩu từ Huế sang Mỹ. Sản phẩm được sản xuất và mang thương hiệu YesHue, không phải là sản phẩm xuất theo kiểu gia công và được tiêu thụ tại Mỹ thông qua các đối tác và đại diện ở Mỹ là Ahna Gourmet LLC và Cross Border Venture LLC.

“Đây là một sự thành công lớn của YesHue trên hành trình đưa sản phẩm truyền thống của Huế đến thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Mỹ”, chị Kim Hằng nói.

Cũng theo chị, gia vị là mặt hàng thực phẩm truyền thống nên phải đảm bảo được “vị” truyền thống và an toàn vệ sinh thực phẩm. Quy trình sản xuất xây dựng theo hướng bảo vệ môi trường, như không xả thải trực tiếp ra môi trường, quy chuẩn nhà máy đạt chứng nhận ISO 22000:2018.

Hiện YesHue đã xây dựng gần xong nhà máy mới tại KCN Phú Bài, tỉnh Thừa Thiên Huế với quy mô 5.000m2 – nơi sử dụng các công nghệ tiên tiến cho chế biến và đóng gói thực phẩm. Công ty cũng tập trung nghiên cứu và phát triển, cải tiến nhiều dòng sản phẩm nhằm tăng tính tiện ích cho người tiêu dùng, hay cho ra mắt các loại thực phẩm ăn liền, dinh dưỡng, phù hợp với xu hướng thế giới.

Sản phẩm gia vị bún bò Huế đóng gói để phân phối trong nước và xuất khẩu. Ảnh: NVCC

Chị Kim Hằng cho rằng trong bối cảnh hậu Covid-19 với nhiều biến động như hiện nay, YesHue cũng nỗ lực học cách thích ứng các điều kiện, hình thái kinh doanh mới. Ví dụ, công ty vừa lo xây dựng đội ngũ nhân sự với những kỹ năng phù hợp vừa lo xây dựng thương hiệu và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu mới.

Ở thị trường trong nước, YesHue cũng đang từng bước khôi phục lại hệ thống phân phối qua các kênh hiện đại, cửa hàng đặc sản trên toàn quốc bên cạnh các kênh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch đang được kiểm soát.

Bên cạnh nỗ lực của chính mình, chị Kim Hằng cũng mong chính quyền thành phố Huế có những hỗ trợ thiết thực các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu ngành hàng thực phẩm, thủ công mỹ nghệ Huế, như hỗ trợ họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bữa sáng Sài Gòn: Khám phá bún bò Huế kiểu “dồi...

0
(SGTT) - Bún bò Huế là món ăn sáng "tủ" của rất nhiều người dân Sài Gòn. Và tại con đường ẩm thực Phan...

Thực phẩm giúp thận khỏe để chiến đấu cùng Covid

0
(SGTT) - Khi thận suy yếu sẽ khiến cơ thể chúng ta có nguy cơ mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Do vậy, mỗi người...

Chế độ ăn giảm muối bằng nước tương dừa hữu cơ

0
(SGTT) - Nước tương từ đậu nành là loại gia vị và nước sốt phổ biến nhưng không phù hợp với những người có...

Bếp trưởng Lê Thanh Tùng: “Tô bún có bao nhiêu nguyên...

0
(SGTT) - Những món ăn truyền thống của Việt Nam như phở bò, bún bò Huế, bánh đa cua, xôi nếp... được nâng tầm...
hoa đậu biếc

Hoa đậu biếc khô thành “cơn sốt”, giá tiền triệu

0
(SGTTO) - Từ một loài hoa mọc dại ở bờ rào, hoa đậu biếc hiện được nhiều người ưa chuộng, lùng mua để làm...

Bếp trưởng hướng dẫn công thức pha nước mắm, nước tương...

0
(SGTTO) - Các món ăn của Việt Nam sẽ tròn vị hơn nếu ăn kèm với nước chấm, đặc biệt là nước mắm và...

Kết nối