Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Có cần “luyện gà” cho… mẫu giáo?

Thái Ngọc

Từ giữa năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ thị yêu cầu không dạy chữ cho trẻ em trước khi vào lớp một. Nhưng trên thực tế, theo ghi nhận của Sài Gòn Tiếp Thị ở một số trường mầm non tại TPHCM, giáo viên và phụ huynh vẫn muốn cho trẻ học chữ, làm toán khi còn ở tuổi mẫu giáo.

Cha mẹ, ai chẳng lo!

Bé Hân, con của một cặp vợ chồng trẻ đang ở tại chung cư khu công nghiệp Tân Bình, đang chờ đến ngày vào lớp một. Dù đây là thời gian hè nhưng Hân vẫn đi học. Mỗi tuần ba buổi vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu, Hân đến lớp từ sáng tới chiều. Cha của Hân cho biết anh cho con học thêm để biết viết, đọc và cả làm toán trước khi vào lớp một trong vài tháng tới. “Không cho bé học trước sợ vào lớp một giáo viên dạy nhanh bé không theo kịp các bạn. Nói là học thêm nhưng cả lớp thấy thiếu cháu nào đâu, con ai cũng học con mình không thể không học”, cha Hân nói.

Học sinh lớp một sẽ được học từ những chữ cái đầu tiên theo chương trình của Bộ GD&ĐT.
Học sinh lớp một sẽ được học từ những chữ cái đầu tiên theo chương trình của Bộ GD&ĐT.

Nói về chuyện này, một cô giáo đang dạy tại trường mầm non tư thục ở quận Tân Phú chia sẻ, từ ba năm nay, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đã cấm dạy chữ đối với các cháu mẫu giáo. Trên thực tế, trong giờ học chính khóa nhà trường chấp hành đúng chủ trương này, nhưng ngoài giờ học vẫn dạy chương trình tập viết, đọc cho các bé. “Đây chính là yêu cầu của phía phụ huynh. Việc học thêm ở trường là để tiện cho việc đón con và đỡ tốn kém hơn so với việc thuê gia sư”, cô giáo này cho biết.

Ông Hà Văn Hóa, Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục Anh Duy (xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh) nói rằng, trong quy chế của ngành GD&ĐT chỉ cho phép các bé làm quen với chữ cái, nhưng thực tế các trường, đặc biệt nhiều trường tư thục có dạy chữ. Ông Hóa nói rằng dưới góc độ của người làm giáo dục ông không đồng ý dạy chữ đi trước chương trình lớp một ở lứa tuổi mẫu giáo. Các giáo viên của trường cũng đã phân tích nhưng đa số phụ huynh luôn có tâm lý sợ con mình chưa biết đọc biết viết khi vào lớp một sẽ chậm hơn bạn bè. “Chỉ có một ít phụ huynh hiểu và đồng ý với chủ trương không dạy chữ ở bậc mẫu giáo, nhưng đa phần sau đó cũng cho con học chữ trước”, ông Hóa nói.

“Nếu con anh sắp vào lớp một mà chưa học chữ, anh nên tranh thủ mấy tháng hè còn lại cho con học ngay”, đó là lời của ông Th., người phụ trách một trung tâm dạy kèm ở TPHCM, nói khi phóng viên đề cập đến chuyện nên hay không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp một. Theo ông Th., các trường mẫu giáo công lập không dám dạy chữ, nhưng các trường dân lập thì thường có nhưng cũng là dạy lén và chủ yếu theo yêu cầu từ phía phụ huynh. “Dù Bộ GD&ĐT cấm việc này nhưng các bé không được dạy ở lớp, thì phụ huynh cũng thuê gia sư, người nhà dạy”, ông Th. nhận định.

[box type=”bio”] Bỏ quy định nộp “bằng tốt nghiệp mẫu giáo”

Trong một phản ánh của anh Nam, nhà ở phường 4, quận 5, TPHCM gửi về Sài Gòn Tiếp Thị cho biết, anh nộp hồ sơ cho con và trường Tiểu học L.V.T ở phường này yêu cầu nộp luôn “bằng tốt nghiệp mẫu giáo” – giấy chứng nhận đã hoàn thành chương trình giáo dục mầm non.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT TPHCM hồi đầu tháng 6-2015 đã có văn bản yêu cầu các trường khi tiếp nhận học sinh vào lớp một không bắt buộc phụ huynh nộp giấy chứng nhận này. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, trên thực tế từ các năm trước sở cũng không có quy định nộp chứng nhận này nhưng một số trường vẫn bắt phụ huynh nộp. Vì vậy, từ năm học 2015-2016, sở không chấp nhận việc này. “Trường nào vi phạm, phụ huynh có thể báo về phòng GD&ĐT các quận, huyện, hoặc phòng chuyên môn của sở”, ông Hiếu nói.

Theo quy định của Sở GD&ĐT TPHCM, việc tuyển sinh lớp một tại thành phố bắt đầu từ ngày 1-7 tới và sẽ đồng loạt công bố kết quả vào cuối tháng. Học sinh chưa học mẫu giáo vẫn được vào học lớp một nếu đủ điều kiện về hộ khẩu với các trường công lập. Với những trường hợp trẻ không có giấy gọi ra lớp một nhưng có hộ khẩu theo quy định, hay không có tên trong hội đồng giáo dục của phường/xã thì hiệu trưởng cần chỉ đạo người tiếp nhận hồ sơ, giải quyết kịp thời, tránh gây trở ngại cho phụ huynh học sinh.[/box]

Không cần lo lắng

Bà Nguyễn Hồng Châu, giáo viên dạy lớp một tại trường Tiểu học Mê Linh (quận 3), cho biết sách giáo khoa và vở bài tập do Bộ GD&ĐT phát hành dành cho lớp một dạy các em từ những chữ, số đầu tiên. Các em được bắt đầu từ từng chữ cái, sau đó mới đến ghép vần, ghép từ.

Theo bà Châu, học sinh mới vào lớp một có biết chữ hay chưa thì cũng dạy như nhau, theo chương trình chung của bộ. Theo đó, đến khoảng học kỳ hai là học sinh đã đọc được những bài ngắn. Với môn toán, các em cũng được học con số đến các phép tính cơ bản cộng, trừ từ hàng đơn vị sang hàng chục. “Không cần thiết phải cho bé học trước khi vào lớp một vì giáo viên phải dạy theo giáo án chung của chương trình lớp một. Không người thầy nào muốn học sinh của mình tiếp thu không tốt và chất lượng không đều nhau”, bà Châu khẳng định.

Nói với Sài Gòn Tiếp Thị, chị Nguyễn Anh Thi ở đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, cho biết hiện con gái của chị đã lên lớp hai nhưng hồi trước, khi bé học lớp lá (mẫu giáo), gia đình cũng đã từng muốn con mình học trước chương trình lớp một. Tuy nhiên, lo thì lo nhưng vẫn không cho bé học và quá trình theo dõi con, chị nhận thấy điều lo lắng đó không cần thiết. “Kinh nghiệm đã qua, mình thấy chỉ cần con đi mẫu giáo và làm quen với chữ theo chương trình ở lớp đã là đầy đủ”, chị Anh Thi nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đa dạng lớp học kỹ năng cho trẻ trong dịp hè

0
(SGTT) – Vào dịp hè, thời điểm học sinh được nghỉ học cũng là lúc phụ huynh băn khoăn tìm lớp học cho con...

Những “thần đồng” buồn bã

0
NGUYỄN HUỆ NGHI - “Làm gì thì làm, phải học bơi, biết bơi”, “Không thể an tâm nếu ra đường không có chút bản lĩnh...

Kết nối