(SGTT) – Trong cuộc tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ và các giáo sư, học giả của một số trường đại học vùng Đông Bắc của Mỹ diễn ra ngày 21-9 (giờ địa phương), đại biểu đề xuất, ngoài tập trung vào động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực trong đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…, nhằm hướng đến phát triển bền vững.
- Phát triển du lịch cộng đồng: Đi tìm mối quan hệ bền vững
- Bắt đầu bằng những bước đi nhỏ, kiên định mục tiêu phát triển bền vững
Trong khuôn khổ tham dự Tuần lễ cấp cao Khóa 98 Đại hội đồng Liên hợp quốc, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ, ngày 21-9 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham gia tọa đàm với các giáo sư, học giả của một số trường đại học vùng Đông Bắc của Mỹ như Đại học Harvard, Đại học Columbia, Đại học New York, Đại học Yale.
Với chủ đề về phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu biến động, các giáo sư, học giả và lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan của Việt Nam đưa ra những đánh giá môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu, các biện pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; giải pháp phục vụ chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng nền kinh tế độc lập, tăng sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; đề xuất giải pháp để hướng tới phát triển bền vững.
Tại tọa đàm, các giáo sư phía Mỹ đánh giá cao khả năng xử lý khủng hoảng như phòng chống dịch Covid-19, suy giảm kinh tế toàn cầu, đứt gãy chuỗi cung ứng của Việt Nam. Các học giả cũng nêu những thách thức mang tính toàn cầu và đối với Việt Nam như cạnh tranh chiến lược, dịch bệnh; tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc biệt là với tiểu vùng Mê Kông; suy giảm đất sản xuất nông nghiệp, năng suất lao động thấp…
Theo đó, học giả đưa ra đề xuất cho sự phát triển như tập trung vào động lực tăng trưởng là xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng; thu hút đầu tư chất lượng cao gắn với chuyển giao công nghệ, ưu tiên các ngành mới nổi, có giá trị gia tăng cao… Cùng với đó, Việt Nam cần có những giải pháp để phát triển hạ tầng số, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, đảm bảo an ninh mạng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, quy hoạch và phát triển đô thị, nông thôn…
Ghi nhận những khuyến nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến trao đổi của các giáo sư và các đại biểu, tham mưu với Chính phủ. Trong đó, lưu ý đến vấn đề về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, hướng đến phát triển nhanh và bền vững.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc tọa đàm, làm việc với các nhà đầu tư lớn của Mỹ. Tại đây, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất những giải pháp, kế hoạch để mở rộng hợp tác đầu tư với Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hai bên đã xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Trong đó, ngoài hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên cũng xác định khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực hợp tác mang tính đột phá.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn chào đón các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam sẽ đồng hành, lắng nghe, hỗ trợ các nhà đầu tư, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, phát triển về hạ tầng, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính… Thời gian tới, phía Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành, lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ứng phó biến đổi khí hậu, sản xuất chất bán dẫn, năng lượng tái tạo.
Trúc Đào