Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Chưa thể bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Tại phiên thảo luận về dự Luật Giá sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bởi, đây là công cụ điều tiết giá loại nhiên liệu này trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải can thiệp hành chính.
Theo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, việc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu thời điểm hiện tại là chưa cần thiết. Ảnh: Minh Hoàng

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, khi giá xăng dầu thế giới biến động thì quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa” góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu. Quỹ này cũng giúp giảm biên độ biến động của giá, từ đó giảm tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, kiểm soát lạm phát. Việc này cũng để đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn, thì mới lập quỹ.

Cũng theo ông Cường, hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều tiết của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở. Do đó, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), trước mắt việc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là chưa phù hợp.

Tuy nhiên, ông Cường cũng nhấn mạnh, việc duy trì quỹ nên có thời hạn và thời điểm, điều hành cần linh hoạt hơn. Nếu vẫn duy trì quỹ, ông đề nghị chỉ nên nêu trong điều khoản chuyển tiếp, không nhất thiết quy định thành điều khoản riêng như tại dự thảo luật.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, người thừa ủy quyền Thủ tướng đọc tờ trình cho biết, dự thảo Luật Giá sửa đổi, đã bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về lập quỹ bình ổn giá.

Bên cạnh đó, khi lấy ý kiến xã hội về dự luật này, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia từng đề nghị bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu và thay vì dùng quỹ, Nhà nước có thể sử dụng công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế, ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Hiện Quỹ bình ổn xăng dầu còn hơn 310 tỉ đồng.

Đ.H

Theo Cổng thông tin điện tử Quốc hội, KTSGO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối