Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Chủ tịch hiệp hội đầu bếp thế giới: Không bao giờ nói không nếu có thể làm

(SGTT) – Chủ tịch Hiệp hội Đầu bếp Thế giới (Worldchefs), ông Thomas A. Gugler, người sở hữu 750 giải thưởng và bằng khen từ nhiều nơi trên thế giới, là thành viên Ban tổ chức Liên hoan Ẩm Thực Quốc tế Đà Nẵng (DNIFF) 2019. Nhân dịp này, vị đầu bếp người Đức đã có những chia sẻ cùng Sài Gòn Tiếp Thị về cảm hứng và tình yêu của mình dành cho ẩm thực.

Ông Thomas A. Gugler.

Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT): Động lực nào thúc đẩy ông dấn thân vào nghề đầu bếp?

– Ông Thomas A. Gugler: Tôi luôn muốn trở thành một đầu bếp khi… mới 2 tuổi và nhìn bà tôi nấu ăn. Cách bà ấy nấu ăn trông rất tuyệt diệu. Mẹ tôi cũng nấu rất ngon, nhưng cả hai người không phải là đầu bếp chuyên nghiệp. Bà cố của tôi cũng đã từng nấu ăn cho vị Hoàng đế cuối cùng của nước Áo. Bản thân tôi luôn ngưỡng mộ những ai làm nghề này.

Điều đó có nghĩa là số phận của ông được định sẵn là một đầu bếp?

– Tôi luôn có đam mê và nỗ lực trở thành một đầu bếp. Tôi không thể nghĩ về nghề nghiệp nào khác và đối với tôi, nghề đầu bếp như thiên đường trên trái đất – một nghề với đầy cảm xúc, thách thức, thành công và cả sự huyền bí nữa. Với tôi, đây là nghề tốt nhất và phù hợp nhất với tôi.

Số phận này đã cho ông những kỷ niệm khó quên nào?

– Cho đến hôm nay, nghề bếp đã đưa tôi đến 187 quốc gia và cho tôi cơ hội để tôi trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, tín ngưỡng khác nhau, trường phái nấu ăn khác nhau và đặc biệt là khám phá ẩm thực của các bộ lạc trên thế giới. Tôi đã từng phục vụ cho nhiều vị vua và hoàng gia, các nguyên thủ và hơn 350 người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Michael Jackson, Liza Minelli hay Frank Sinatra… cũng là một vài trong số đó. Những trải nghiệm này càng cho tôi thấy đây là một nghề thú vị.

Đi nhiều, trải nghiệm nhiều, theo ông, đâu là giá trị không thể chối cãi và là riêng biệt của nghề đầu bếp nói riêng và ngành ẩm thực nói chung?

– Với tôi, đó là sự thách thức khi “đối mặt” với những nguyên vật liệu chưa hề được biết đến trước đó, với chất lượng khác nhau trên khắp thế giới để cho ra tiêu chuẩn chung toàn cầu. Đây là hệ thống để đánh giá một cách công bằng với sự quan tâm dành cho nguyên vật liệu, tuân thủ nuôi và giết mổ đúng cách, tôn trọng Mẹ thiên nhiên và tôn trọng tất cả các đồng nghiệp trong ngành đang làm việc vì sứ mệnh chung.

Một trong những giá trị khác của ngành này là hỗ trợ và thúc đẩy tài năng trẻ. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là đối xử với mọi người bình đẳng như nhau, cho dù họ đến từ những vùng đất khó khăn.

Ông có thể nói rõ hơn việc truyền cảm hứng cho các tài năng trẻ cũng như các đầu bếp khắp thế giới?

– Mọi người đặt cho tôi biệt hiệu là “từ điển sống” hay “kim chỉ nam” trong ngành ẩm thực. Họ nói như vậy vì thấy tôi và các thành viên trong Hiệp hội trong những năm qua truyền cảm hứng cho các đầu bếp khắp nơi trên thế giới, cho họ thấy mục tiêu nghề nghiệp cũng như đưa ra ý kiến tư vấn cho họ.

Chúng tôi đã thành lập Học viện Worldchefs – chuyên đào tạo trực tuyến miễn phí cho tất cả những ai muốn trở thành đầu bếp. Thêm nữa, riêng tôi thành lập Ủy ban Di sản Văn hóa Thế giới, nhắm đến việc bảo tồn các kỹ thuật nấu ăn truyền thống, cổ xưa và phát huy cho thế hệ mai sau.

Bên cạnh đó, Đầu bếp Không biên giới, một tổ chức từ thiện của Worldchefs, đang hỗ trợ những người có nhu cầu tiếp cận với nghề ẩm thực cũng như đến với những ai cần giúp đỡ trên toàn cầu.

Trong đó, ông đã dành tình cảm cho Việt Nam như thế nào?

– Thực lòng, tôi đã phải lòng đất nước, con người, văn hóa Việt Nam. Mỗi lần đến đây tôi luôn có một cảm giác rất tuyệt vời. Tôi “ghiền” ẩm thực nơi đây, thích sự tươi ngon cũng như các loại rau, gia vị phong phú kèm theo. Bên cạnh đó, tại Việt Nam, không khó để tôi tìm kiếm nguyên liệu để chế biến một món ăn ngon. Tôi cũng thấy được các bạn tôn trọng thiên nhiên và những sản phẩm mà ông trời ban cho.

Có một điều tôi có thể khẳng định, ngành ẩm thực Việt Nam đang trong giai đoạn bùng nổ với dịch vụ ăn uống tuyệt vời. Các đầu bếp Việt Nam đâu đó còn phải học hỏi kiến thức chuyên môn, nhưng tựu trung, tôi thấy được sự cống hiến, thân thiện và tâm huyết của các bạn cũng như sự hiếu khách của những người làm trong nghề này.

Lễ hội Ẩm thực Quốc tế Đà Nẵng sẽ lần đầu tiên diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Tại sự kiện này, các bạn sinh viên và đầu bếp địa phương có thể học hỏi được gì từ ông?

– Chắc chắn rồi! Chúng tôi sẽ thực hiện một chương trình ẩm thực tuyệt vời với sự tham gia của các đầu bếp tài ba từ khắp nơi trên thế giới. Đây là dịp người dân địa phương có thể tìm hiểu những trường phái ẩm thực khác nhau. Chúng tôi sẽ làm việc trực tiếp cùng với các đầu bếp bản địa và sẽ hướng dẫn họ trong suốt lễ hội.

Tôi đến Việt Nam rất nhiều lần. Lần này tham gia lễ hội, tôi như được về nhà. Tất cả chúng tôi sẽ cùng nhau hợp tác để tạo ra một sự kiện tuyệt vời. Trình diễn nấu ăn tại chỗ là một điểm nổi bật của sự kiện. Chúng tôi sẽ trình diễn một số cách nấu ăn mới và hiện đại. Tất cả mọi người đều có cơ hội xem chúng tôi trình diễn.

Đôi điều về Thomas A. Gugler

SGTT: Một ngày bình thường và cuối tuần của ông diễn ra như thế nào?

– Tôi đặt hết tâm tư của mình vào nghề ẩm thực 24 giờ một ngày, 7 ngày trong tuần và 365 ngày trong năm. Tôi cống hiến hết mình cho Worldchefs và giúp đỡ những người trong nghề. Chắc chắn là ai cũng muốn nghỉ ngơi để tái tạo năng suất lao động, nhưng với tôi có thể nói, nấu ăn nằm trong máu của tôi và không ngừng chảy trong huyết quản của tôi.

SGTT: Sở thích của ông là gì?

Sở thích lớn nhất của tôi là nấu ăn, kế đó mới đến đua xe địa hình, võ Aikido, học tiếng nước ngoài (tôi có thể nói 9 thứ tiếng thành thạo), chơi cờ và chơi nhạc. Tôi thích đi đến những vùng có núi, trượt tuyết và bất kỳ môn thể thao liên quan đến tốc độ và động cơ.

SGTT: Một vài món ăn mà ông yêu thích?

Tôi thích thực phẩm tươi sống, thịt chất lượng, hải sản và cá tươi ngon, nấm hoang dã và các món như thịt nai, khoai tây và thứ gì có mùi vị ngon.

SGTT: Điểm du lịch luôn muốn ghé thăm?

Tôi đang nhớ Bắc Cực và Nam Cực. Tôi sẽ đến đó vào năm tới để tham gia một sự kiện lớn và tất cả những nơi còn lại mà tôi chưa từng đến.

SGTT: Phương châm sống của ông là gì?

Nấu ăn là Nghệ thuật. Nghệ thuật là Sáng tạo. Sáng tạo là Nuôi dưỡng. Nuôi dưỡng chính là Cuộc sống. Và Cuộc sống thì thật tuyệt vời. Và, tôi không bao giờ nói không nếu có thể làm.

Ông Thomas A. Gugler.

Chủ nhân của bộ sưu tập 750 giải thưởngÔng Thomas A. Gugler đã giành được khoảng 750 giải thưởng và bằng khen từ nhiều nơi trên thế giới. Giải thưởng mà ông tự hào nhất là chiếc cúp đầu tiên của mình khi còn là sinh viên vì đây là cột mốc quan trọng, khởi đầu cho sự nghiệp của ông. Giải thưởng này ông dành riêng cho bà và vợ của mình – những người đã thách ông tham gia cuộc tranh tài. Ông cũng từng là nhà vô địch Olympic và World Cup ngành ẩm thực.

Nhân Tâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối