(SGTTO) - Chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng là "vũ khí" quan trọng giúp mỗi người tự bảo vệ mình trong mục tiêu chống dịch ở thời điểm này, bên cạnh hai vật dụng thiết yếu là khẩu trang và nước rửa tay.
Dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tạo nhiều yếu tố miễn dịch để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể con người với virus gây bệnh.
Cần khỏe từ bên trong
BS Trần Trọng Nhân - bệnh viện Nhân dân 115 (quận 10, TPHCM), cho biết Covid-19 là bệnh do virus gây ra và hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu. Những người khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt sẽ ít bị lây nhiễm hơn và nếu có nhiễm virus thì biểu hiện bệnh cũng nhẹ hơn, nhanh hồi phục hơn những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng kém.
Theo đó, dinh dưỡng là nền tảng của sức khỏe, có vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể. Mỗi người cần thường xuyên thực hiện chế độ ăn uống khoa học, hợp lý và thực hành lối sống lành mạnh, trong đó có tập luyện thể lực đều đặn. Bởi không có loại thực phẩm nào có thể ngay lập tức nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, BS Nhân đưa ra lời khuyên.
Bổ sung như thế nào cho đúng?
Theo BS Trần Trọng Nhân, mỗi người cần ăn uống đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho cơ thể, từ đó tăng cường hệ miễn dịch. Các chất dinh dưỡng trong thức ăn bao gồm protein (chất đạm), lipid (chất béo); glucid (chất đường bột), vitamin, chất khoáng, nước và chất xơ. Khi ăn vào, thức ăn được tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa để sinh năng lượng cho cơ thể hoạt động và tái tạo, cũng như tạo ra các yếu tố miễn dịch.
- Mỗi người cần tăng cường các thực phẩm có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và nâng cao hệ miễn dịch gồm protein - ưu tiên protein có nguồn gốc thực vật; Omega-3 (axit béo không no thiết yếu); vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin D; selen; sắt và kẽm...
- Đối với thực phẩm chức năng hoặc thực phẩm bổ sung dinh dưỡng: các loại vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…), Omega-3 (viên dầu cá)... cần bổ sung theo hướng dẫn của bác sĩ và cán bộ dinh dưỡng (tiết chế dinh dưỡng viên) khi khẩu phần ăn không cung cấp đủ.
Chế độ dinh dưỡng theo từng độ tuổi
Trẻ em
BS Trần Trọng Nhân cho biết, trẻ em là lứa tuổi cần được đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các chất sinh năng lượng, vitamin và chất khoáng theo nhu cầu của mỗi lứa tuổi. Cụ thể:
- Cần đa dạng thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ bốn nhóm (nhóm bột đường, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất khoáng).
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, kẽm, sắt, selen, omega 3, probiotic... là những chất dinh dưỡng tham gia vào các hoạt động của hệ thống miễn dịch, tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
- Thức ăn nên được ăn cả cái để đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất đạm, chất xơ, các vitamin và các chất khoáng.
- Cần cho trẻ uống đủ nước.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường và muối. Với trẻ bị thừa cân béo phì nên hạn chế các món chiên rán hoặc thức ăn nhanh có nhiều dầu mỡ.
Tăng cường vận động: Trẻ em và thanh thiếu niên nên hoạt động thể lực tối thiểu 60 phút mỗi ngày, có thể thực hiện cả hình thức vận động mức độ vừa và nặng. Có thể chia thành nhiều lần tập luyện ra ngoài, ở trong nhà trẻ có thể tập aerobic, nhảy dây, tập xà, chống đẩy, đạp xe hoặc đi bộ và chạy bằng máy tập và nên hạn chế thời gian ngồi, xem tivi và chơi game.
Trẻ trong giai đoạn còn bú sữa mẹ nên khuyến khích bú sữa mẹ vì sữa mẹ là thức ăn dinh dưỡng miễn dịch tốt nhất đối với trẻ em. Đặc biệt, trong sữa mẹ có kháng thể giúp trẻ phòng chống bệnh tật, đồng thời giúp hình thành và duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh, nhất là hệ miễn dịch tại đường tiêu hóa.
Người trưởng thành
Người trưởng thành là những người ở độ tuổi lao động (18 - 60 tuổi). Nếu không mắc các bệnh kèm theo, nhóm đối tượng này cần đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng, chất đạm, vitamin và chất khoáng để duy trì và đảm bảo cho các hoạt động bình thường của cơ thể và hệ thống miễn dịch.
- Các chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng với hệ miễn dịch của cơ thể là: chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, thực phẩm chứa flavonoid và omega-3. Trong đó, chất đạm cần phối hợp cả thức ăn cung cấp đạm động vật và thực vật (các loại đậu, hạt).
- Ngoài ra, cần uống đủ nước và tăng cường hoạt động thể lực để giúp cho các hoạt động trao đổi chất của cơ thể hoạt động tốt và tăng cường sức khỏe. Mỗi bữa ăn cần có trên 10 loại thực phẩm để cung cấp đa dạng các chất dinh dưỡng cho cơ thể.
- Nên hạn chế rượu bia; có thể dùng rượu vang đỏ 100-150 ml/ngày với nữ và 200-300 ml/ngày với nam; không dùng rượu mạnh và không thuốc lá, thuốc lào.
Nên dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ 6-8 tiếng mỗi ngày. Tránh căng thẳng quá mức. Hoạt động thể lực cường độ vừa (đi bộ nhanh, chạy bộ chậm, yoga, đạp xe tại chỗ...) ít nhất 30 phút/ngày, trong 5-7 ngày mỗi tuần.
Người cao tuổi
Người cao tuổi cần được cung cấp đủ thực phẩm, ăn đủ và đa dạng thực phẩm để phòng tránh suy dinh dưỡng, sụt cân. Nếu không thể ăn đủ lượng thực phẩm cần thiết, hoặc người gầy, bị sụt cân nên uống thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng từ 1-2 ly mỗi ngày.
- Khi chế độ ăn không đủ, nên bổ sung viên đa vi chất dinh dưỡng theo chỉ định. Nếu người cao tuổi có mắc bệnh tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, suy thận, suy tim thì thực hiện chế độ ăn điều trị các bệnh này như bác sĩ đã hướng dẫn.
- Sử dụng một số gia vị và thực phẩm chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như tỏi, nghệ, sả, nấm, tảo biển, trà xanh. Hạn chế muối ăn, gia vị mặn có muối, cụ thể, nên ăn dưới 5g muối/ngày, lượng đường kính ăn dưới 25g.
- Uống nước đủ, đúng cách: người cao tuổi nên uống từ 6-9 ly/ngày (tương đương 1,2l - 1,8l). Cần uống nước sạch, ấm, uống từng ngụm nhỏ và chia đều trong ngày để giữ ẩm cổ họng, không uống nước nhiều trước khi đi ngủ và không uống nước ngọt thay nước lọc. Hạn chế những đồ uống chứa cồn (bia, rượu).
Duy trì hoạt động thể lực phù hợp, ngủ đủ, ngủ sâu giấc. Giữ tinh thần lạc quan, làm các công việc, các hoạt động yêu thích tại nhà, giữ liên lạc thường xuyên bạn bè, người thân bằng điện thoại.
Các loại thực phẩm chứa chất dinh dưỡng cần thiết
- Nhóm cung cấp chất đường bột: gạo tẻ, gạo nếp, bún, miến, phở, gạo lứt, yến mạch...
- Thực phẩm giàu đạm: đậu nành, thịt, trứng, thủy sản và các hạt giàu đạm. Cần phối hợp cả thức ăn cung cấp đạm động vật và thực vật (các loại đậu, hạt).
- Các sản phẩm bổ sung probiotics chứa các lợi khuẩn như: bifidobacterium animalis, lactobacillus acidophilus, lactobacillus paracasei. Sữa tươi, hoặc phô mai, hoặc sữa chua các loại có probiotic tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
- Thực phẩm giàu béo: cá hồi, các loại hạt: lạc, điều, hoặc ca cao, các loại dầu ô liu.
- Vitamin A và Beta-caroten: có nhiều trong thịt, cá, trứng, gan, sữa, súp lơ xanh, rau chân vịt, khoai lang nghệ, bí ngô, cà rốt, cam, xoài chín, gấc...
- Vitamin C: có trong các loại rau và trái cây tươi như cherry, súp lơ, ớt ngọt, cà chua, bưởi, cam, quýt, kiwi, táo, nho...
- Vitamin E: có trong giá đỗ, rau mầm, hạt hướng dương, sản phẩm từ đậu nành, lúa mì...
- Vitamin D: có trong gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản...
- Selen: có trong gạo nâu, gạo lật nảy mầm, gạo mầm, rong biển, cá, tôm, hải sản...
- Sắt: có trong thịt, cá, gan, trứng, rau xanh, đậu đỗ... Sắt từ nguồn động vật sẽ dễ hấp thu hơn sắt nguồn thực vật.
- Omega-3: có nhiều trong các sản phẩm dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt...
- Kẽm: có nhiều trong hàu, cá, hải sản, thịt gia cầm...
- Các flavonoid: cần tăng cường ăn các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, nho, táo, cherry, quả mâm xôi, dâu tây, trà xanh, rượu vang đỏ...
Thùy Dương