Chủ Nhật, Tháng Tư 28, 2024

Châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng nước

Các nghị sĩ châu Âu cảnh báo rủi ro cuộc khủng hoảng nước đang gia tăng khi châu Âu đang bước vào một mùa hè khắc nghiệt khác, với nhiệt độ được dự báo vượt qua mức kỷ lục hồi mùa hè năm ngoái.
Một đầm nước cung cấp nước cho làng Fuente Obejuna ở Cordoba, Tây Ban Nha cạn kiệt do hạn hán hồi tháng 5-2023. Ảnh: Anadolu

Tại phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp, vào ngày 13-6 vừa qua về chủ đề “Cuộc khủng hoảng nước ở châu Âu”, các nghị sĩ kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo tồn và cải thiện tài nguyên nước trong khu vực vốn đã chịu ảnh hưởng nhiều năm qua do tình trạng mực nước ngầm suy kiệt trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng gay gắt.

Nhiệt độ cao kỷ lục kéo dài trong suốt mùa xuân vừa qua (từ tháng 3 đến tháng 5) và một mùa đông nóng bất thường trước đó đã làm cạn kiệt các dòng sông ở châu Âu. Trong khi đó, các cuộc biểu tình do thiếu nước đã diễn ra gần đây ở Pháp và Tây Ban Nha

“Hình ảnh vệ tinh của Cơ quan thông tin biến đổi hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) đã xác nhận một hiện trạng đáng buồn rằng nhiều khu vực của EU đang đối mặt với khó khăn lớn. Một số vùng đang khan hiếm nước do hạn hán, trong khi những vùng khác hứng chịu lũ lụt”. Cao Ủy Năng lượng EU Kadri Simson nói trong bài phát biểu khai mạc phiên họp ở Nghị viện châu Âu.

Simson cho biết EU đã thực hiện các luật mạnh mẽ để bảo vệ các hệ thống nước từ thập niên 1970 nhưng thừa nhận rằng luật pháp và cách thức thực hiện chúng có thể cần cải thiện nhiều hơn nữa.

“Chúng ta đã đạt đến điểm mà chúng ta cần phải thực hiện một cách tiếp cận khác. Chúng ta đừng nên rút ra bài học về giá trị của nước sau khi giếng đã cạn”, bà nói.

Phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu diễn ra sau khi Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cảnh báo khu vực này đang đối mặt với một mùa hè với hạn hán, lũ lụt, sóng nhiệt, cháy rừng và sự gia tăng các bệnh nhạy cảm với khí hậu thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Trong báo cáo hôm 12-6, EEA mô tả triển vọng chung về khí hậu là “bi quan”.

Báo cáo cho biết dù 27 nước EU và các nước thành viên Khu vực kinh tế châu Âu đã có chính sách thích ứng quốc gia đối với biến đổi khí hậu, nhưng tất cả họ có thể làm nhiều hơn nữa để hạn chế tác động tiêu cực của thời tiết khắc nghiệt vào mùa hè này.

EEA đề xuất một số biện pháp như tăng lượng cây xanh và các không gian chứa nước ở các thành phố để giúp giảm nhiệt độ và giảm nguy cơ lũ lụt . EEA cũng kêu gọi nông dân thay đổi giống cây trồng và thay đổi ngày gieo hạt.

“Chúng ta đang chứng kiến hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu rõ ràng hơn bao giờ hết. Châu Âu đang bị ảnh hưởng bởi hạn hán, các con sông đang cạn kiệt và ngành nông nghiệp đang chịu áp lực”, nghị sĩ Christel Schaldemose nói.

Nhấn mạnh cần phải phát động “cuộc chiến” bảo vệ nguồn nước, Schaldemose cho rằng châu Âu cần phải làm mọi thứ trong khả năng để ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu.

Sophie Trémolet, Giám đốc phụ trách về nước ngọt châu Âu của The Nature Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường, nói với CNBC rằng trong mùa hè sắp tới, châu Âu sẽ vượt qua các kỷ lục nhiệt độ được thiết lập vào năm ngoái, với rủi ro xảy ra sự phản kháng của người dân đối với tình trạng khan hiếm nước.

Trémolet lưu ý ô nhiễm nước và chi phí cũng là mối quan tâm lớn.

“Khan hiếm nước là một chuyện, nhưng chất lượng nước cũng rất quan trọng. Ô nhiễm nước đang đẩy chi phí nước sách lên cao hơn”, Trémolet nói.

Phân tích dữ liệu vệ tinh của các nhà nghiên cứu từ Đại học Graz (Áo) vào đầu năm cho thấy hạn hán đang tác động đến châu Âu trên quy mô lớn hơn nhiều so với dự đoán trước đây.

Trước đó, nhà nghiên cứu của EU phát hiện ra rằng châu Âu đã trải qua mùa hè nóng nhất từ trước đến nay vào năm ngoái, với đợt hạn hán dữ dội được cho là tồi tệ nhất mà khu vực này từng chứng kiến trong ít nhất 500 năm.

“Cứ sau mỗi mùa hè, châu Âu lại càng khan hiếm nước”, Juan Ignacio Zoido Alvarez, thành viên của Ủy ban Nghị viện Châu Âu về nông nghiệp và phát triển nông thôn, nói và cảnh báo mùa hè năm nay có thể là mùa hè tồi tệ nhất.

Alvarez, người trước đây là Bộ trưởng Nội vụ của Tây Ban Nha, cho biết tài nguyên nước của Tây Ban Nha hiện ở mức dưới 50% công suất.

Alvarez nói: “Sự kết hợp giữa việc thiếu mưa và nhiệt độ khắc nghiệt đang gây nguy hiểm cho an ninh lương thực của chúng ta và sinh kế của hàng triệu nông dân”. Ông kêu gọi các biện pháp hỗ trợ tài chính trong khu vực để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng do hạn hán.

Salvatore De Meo, một thành viên khác trong Ủy ban Nghị viện Châu Âu về nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết nông nghiệp là một trong những ngành có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nguồn nước ngày càng cạn kiệt, khiến việc sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn.

“An ninh lương thực của chúng ta phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý nguồn nước của mình”, De Meo nhấn mạnh.

Theo CNBC

Khánh Lan

Theo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu bếp trẻ mang phong cách Âu về các bữa tiệc...

0
(SGTT) - “Lần đầu tiên tại TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước tổ chức một tiệc cưới theo phong cách châu Âu, mang đến...

Thăm các di sản nổi tiếng tại “Trái tim xanh của...

0
(SGTTO) - Nếu bạn cho rằng Luxembourg không có gì ngoài những trụ sở của Liên Hiệp Quốc và các ngân hàng hàng đầu...

Những khách sạn “tái chế” từ hầm trú bom, đường ống...

0
(SGTTO) – Những ý tưởng kinh doanh khách sạn tận dụng những gì có sẵn đã giúp những địa chỉ lưu trú sau đây...

Thăm ngôi làng cổ tích, nơi ngắm cầu vồng không cần...

0
(SGTTO) – Nhiều người gọi Lauterbrunnen của Thuỵ Sĩ là một trong những ngôi làng đẹp nhất Thuỵ Sĩ, ngôi làng thác nước, còn...

Ngắm nhìn những mặt hồ như gương soi ở Vườn quốc...

0
(SGTTO) - Torres del Paine là một trong những vườn quốc gia đẹp nhất nằm ở vùng Patagonia, Nam Chile. Những ngọn núi phủ...

Những tour đi bộ đầy thú vị tại vùng Peak District...

0
(SGTTO) - Peark District là khu vực chủ yếu nằm ở hạt Derbyshire, là công viên quốc gia đầu tiên của Vương quốc Anh....

Kết nối