Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Chật vật giữ nghề truyền thống để phát triển du lịch văn hóa bản địa

(SGTT) – Bốn năm trước, xã Tà Nung ở ngoại ô TP. Đà Lạt có đề án “Phát triển du lịch văn hóa bản địa trên địa bàn xã Tà Nung, TP. Đà Lạt đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Với đề án này, một số nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chil sẽ có cơ hội phát triển như dệt thổ cẩm, đan gùi mây, tre, làm cung, nỏ, trồng và chăm sóc bầu hồ lô.

Đội cồng chiêng tập luyện.

Ông Ka Long Ha Chú, 75 tuổi người dân tộc Chil, ở tổ 15, thôn 6, xã Tà Nung kể: “Làm xong một cái gùi phải trong một tuần đến nửa tháng, tùy loại gùi lớn hay nhỏ. Có khi làm trong một tháng mới được. Mình chừ không còn khỏe nữa. Nhờ con thôi. Nhưng không có con trai để truyền nghề”. Một chị hàng xóm góp chuyện, gùi của người Chil khác với gùi của người Mạ, Ê Đê ở chân đế, dây đeo… Nguyên liệu là cây mây, lồ ô, phải vào tận rừng sâu, xa mới có. Mang về phơi, gọt, đan, tốn nhiều công sức, mất thời gian nhưng giá bán chỉ có 500.000 – 600.000 đồng/gùi.

Cũng nhớ và yêu nghề còn có ông Lơ Mu Ha Chú (88 tuổi) cũng ở thôn 6, cũng túc tắc đan gùi theo kiểu ai đặt thì làm. Ông tỉ mẩn với từng sản phẩm như níu giữ cái hồn cốt của cha ông mà ông lo rằng không biết rồi bao lâu nữa chẳng còn ai thay mình giữ gìn cái nghề đan gùi truyền thống!

Ở tổ 3, thôn 2, còn bà Bon Dơng K’Mú, 90 tuổi, vẫn còn say sưa với nghề dệt thổ cẩm. Ở tổ 18, thôn 6 có bà Bon Dơng K’Bông gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 40 năm. Giữ nghề là chính chứ thu nhập có đáng chi đâu! Sức khỏe giảm rồi. Vừa trông cháu vừa dệt kiếm thêm tiền đi chợ”, bà cười móm mém, bộc bạch.

Từ khi lên khung dệt đến thành phẩm, một tấm vải phải mất một tuần. Ghép thành áo phải hai tấm, mất đứt hai tuần, giá bán 700.000 đồng, 2 tấm vải thô, trừ nguyên liệu là len công nghiệp để phối màu, lãi còn 400.000 – 500.000 đồng và một tháng thu nhập chừng 1 triệu đến 1,2 triệu đồng.

Công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập không tương xứng.

Thế hệ yêu nghề, sống chết với nghề truyền thống trong xã chỉ còn mấy cụ cao niên, còn lớp trẻ không muốn theo nghề của cha ông vì thu nhập thấp. Thử hỏi làm cung, nỏ bán cho du khách liệu có được thu nhập ổn định? Đan gùi chỉ dành cho nam còn nữ thì chuyên dệt, chưa kể, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm. Khai thác mây, tre, lồ ô phải đi thật xa; sản phẩm từ dệt để may áo, quần thì hầu hết chỉ có trong bà con dùng mặc vào các dịp lễ hội, cưới hỏi. Nam nữ thanh niên trong xã hầu hết đều bươn chải đó đây, tìm công việc ở thành thị. Phải chăng có thấy được lợi ích kinh tế từ những nghề truyền thống may ra hy vọng giữ chân được lớp trẻ. Còn lại như con gái út bà Bon Dơng K’Bông, hay cô Bon Dơng K’Khuyên được mẹ truyền nghề dệt thổ cẩm thì rất hiếm.

Gùi đan bằng mây, tre của người dân tộc Chil.

Sẽ có những lớp bồi dưỡng kỹ năng, kỹ thuật về dệt, đan… Sẽ có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ trái bầu hồ lô, từ cái gùi các kích cỡ bán cho du khách làm quà lưu niệm và đó là hy vọng cho nghề truyền thống sẽ có cơ hội được phát huy mà đề án du lịch của địa phương nhắm tới.

Ông Rơ Ông Ha Lanh, cán bộ văn hóa xã Tà Nung chia sẻ: “Trong đề án, đối với nghề dệt thổ cẩm sẽ mở một lớp dạy nghề, kinh phí do Nhà nước hỗ trợ 100%. Với nghề đan gùi mây, tre; trồng và chăm sóc bầu hồ lô; làm cung nỏ… thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí mua nguyên vật liệu”.

Xã khảo sát, vận động một số hộ dân tham gia đề án. Với loại hình nghề dệt thổ cẩm có 5 hộ, đan gùi 5 hộ, sản xuất rượu cần 5 hộ; loại hình làm cung nỏ và trồng, chăm sóc bầu hồ lô có 4 hộ; củng cố, tập hợp các nghệ nhân thành lập 2 đội cồng chiêng, tập luyện các vũ điệu.

Ông Nguyễn Châu Cường, Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã chia sẻ: “Đề án được thành phố phê duyệt. Chúng tôi có ý định xây dựng tour du lịch, phối hợp các công ty du lịch, đơn vị lữ hành đưa khách từ thành phố Đà Lạt đến. Như vào thôn 6, du khách sẽ được thăm nơi bà con trồng bầu hồ lô, vào thôn 2 để trải nghiệm dệt thổ cẩm, vào thôn 3 xem đan lát, rèn, tối xem văn nghệ, đốt lửa, nghe cồng chiêng. Vận động bà con tham gia làm du lịch, cải thiện đời sống”. Thế nhưng khi triển khai lại vấp phải vấn đề kinh phí trong khi trong cộng đồng thì ngày càng ít dần người còn biết nghề, giữ nghề.

                                                          Lê Kung Diễm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tuyến tàu cổ Đà Lạt-Trại Mát chạy thêm buổi tối từ...

0
(SGTT) - Tuyến tàu cổ Đà Lạt – Trại Mát sẽ chạy tàu buổi tối nhằm giúp hành khách cảm nhận vẻ đẹp của...

Mai anh đào nở muộn ở trung tâm Đà Lạt

0
(SGTT) – Năm nay, mai anh đào tại Đà Lạt nở muộn và rải rác ở các khu vực. Vùng ngoại ô, hoa đã...

Ngày tết nhớ món lá mì xào cà đắng, đặc sản...

0
(SGTT) – Lá mì (sắn) xào cà đắng là món ăn đặc sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây...

Gợi ý 5 điểm ngắm mai anh đào ở Đà Lạt

0
(SGTT) - Những ngày cận Tết Nguyên đán, mai anh đào phủ sắc hồng ở nhiều tuyến đường, triền đồi tại Đà Lạt, thu...

Thông xe tạm thời đường đèo Prenn trong dịp Tết Dương...

0
(SGTT) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cho phép thông xe tạm thời tuyến đường đèo Prenn, phục vụ nhu cầu đi lại của...

Lần đầu tiên Đà Lạt có khu ẩm thực mở ‘xuyên...

0
Khu ẩm thực đêm tại Vườn hoa thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, vừa chính thức khai trương, mở cửa đón khách đến...

Kết nối