Thứ Năm, Tháng Mười 3, 2024

Chàng trai Bắc Giang và hành trình chinh phục nghệ thuật cắt tỉa củ quả

(SGTT) - Với đôi bàn tay khéo léo cùng niềm đam mê nghệ thuật, anh Lê Quang Đạt (sinh năm 1992) đã chinh phục thành công lĩnh vực tạo hình củ quả và hoa. Anh đã “chinh chiến” và ghi dấu ấn tại nhiều cuộc thi hàng đầu trong và ngoài nước.
Chuyên gia cắt tỉa rau củ quả Lê Quang Đạt. Ảnh: NVCC

Năm 2018, khi đang có công việc đầu bếp trang trí món ăn ổn định, thu nhập tốt, anh Đạt lại quyết định rẽ sang học ngành hoa, mở tiệm hoa riêng và đào tạo học viên ngành cắt tỉa củ quả, tạo hình tráp lễ tại Bắc Giang. Đến nay, anh đã đào tạo nghề cho hàng trăm học viên khắp cả nước và tiếp tục chinh phục những giải đấu quốc tế, khẳng định tay nghề “bàn tay vàng”.

Chinh phục giới hạn sáng tạo

“Nghề cắt tỉa củ quả không chỉ cho tôi được làm đúng đam mê, có thu nhập tốt mà còn giúp tôi rèn luyện sự tỉ mỉ, chinh phục giới hạn sáng tạo của bản thân”, anh Quang Đạt nói về lựa chọn công việc này. Tuy nhiên, nơi hun đúc cho anh đam mê lại đến từ nghề bếp.

Từ nhỏ, anh được tiếp xúc với bếp núc vì gia đình kinh doanh cửa hàng ăn uống. Anh thường xuyên phụ mẹ nấu ăn, bán phở, tráng bánh cuốn, quay vịt… nên yêu thích và quen tay với căn bếp.

Năm 2010, anh theo học lớp Cao đẳng bếp tại Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Hạ Long. Tại đây, khi học môn cắt tỉa, tạo hình củ quả trang trí món ăn, anh nhận ra mình có năng khiếu và đồng thời yêu thích công việc này. “Tôi thường xuyên luyện tập chinh phục những mẫu khó mà các anh khóa trên làm thành công. Khi biết sinh viên có kết quả tốt sẽ được lựa chọn đi thi toàn quốc, tôi càng có động lực quyết tâm cố gắng hơn. Nhờ vậy, môn cắt tỉa cũng giúp tôi có điểm cao trong các kỳ thi”, anh nhớ lại.

Anh Quang Đạt từng đoạt 2 huy chương Vàng và Cúp vô địch Cắt tỉa củ quả tại cuộc thi Thailand International Culinary Cup 2022. Ảnh: NVCC

Anh bắt đầu rèn tay nghề qua công việc thực tế khi còn là sinh viên, được cô giáo cho nhận những việc trang trí bình hoa đơn giản để có thêm thu nhập. Công việc ngày ấy một tháng chi phí ăn uống của anh khoảng 400.000 đồng, nhưng mỗi lần nhận tỉa một bình hoa từ củ quả anh có đến 200.000 đồng. Sau đó, anh theo đuổi công việc là một đầu bếp trang trí món ăn.

Trong những nơi anh từng làm việc, anh tâm đắc nhất là công việc tại du thuyền Emeraude Classic Cruises năm 2013. “Khi ấy tôi mới ra trường, quãng thời gian một năm đó là thời gian tập trung rèn luyện phát triển tay nghề. Năm ấy, tôi xin vào làm phụ bếp và làm dưới kho vì nơi đây có hoa quả để tỉa nên thời gian ấy tay nghề nâng cao rõ rệt”, anh kể.

Nhìn thấy tiềm năng, lại là đam mê nên anh nỗ lực học hỏi thêm, rèn luyện tay nghề qua công việc đầu bếp trang trí món ăn: trang trí mâm quả dịp trung thu, các cuộc thi ẩm thực, những mô hình trang trí đám cưới, khai trương, thôi nôi, tiệc buffet, trang trí món ăn tại các nhà hàng, điêu khắc dưa dịp tết, chương trình dạy cắt tỉa, nấu ăn cho du khách nước ngoài trên du thuyền Vịnh Hạ Long.

Anh Quang Đạt cùng một học viên người nước ngoài. Ảnh: NVCC

Không những rèn tay nghề ở các nhà hàng, anh còn khẳng định tay nghề của mình trên các đấu trường trong nước, quốc tế và đạt nhiều giải thưởng danh giá, minh chứng cho sự nỗ lực và tài năng từ đôi bàn tay vàng.

Bước ngoặt với nghề hoa và dạy nghề

Năm 2018, khi đang có một công việc ổn định, mức lương cao và có tiếng trong nghề ở vị trí đầu bếp trang trí món ăn tại Hà Nội, anh Quang Đạt bỗng nghĩ về một tiệm hoa nhỏ ước mơ của anh từ tuổi thơ. Anh chia sẻ: "Năm 6 tuổi, tôi đã thích trồng hoa vì ảnh hưởng bởi bố, ông ấy có vườn bonsai. Tôi thường đi nhặt những viên đá có hình thù lạ và đẹp mắt, những cây mini có dáng ngoằn ngoèo về trang trí và ước mơ lớn lên có một tiệm hoa nhỏ để thỏa mãn việc ngắm hoa mỗi ngày”.

Đem câu chuyện ấy kể với một người bạn, anh nhận được lời đề nghị cùng hợp tác để mở một tiệm hoa tại quê nhà Bắc Giang. Vốn là người luôn nhiệt huyết với những ý tưởng mới, lại đúng lĩnh vực anh đam mê, chỉ sau ba ngày suy nghĩ, anh quyết định vào TPHCM học nghề hoa một tháng và về mở shop hoa chung cùng người bạn.

Sau hai năm làm chung đến năm 2020, anh mở tiệm hoa riêng. Với kỹ năng và danh tiếng sẵn có khi còn làm đầu bếp trang trí, anh chuyển qua làm tráp lễ rồng phượng và chỉ cần nhìn qua là đã có thể học theo ngay. Từ sự chăm chỉ và nhạy bén đó, anh mở rộng thêm nghề nghiệp của mình từ cắt tỉa củ quả trong bếp sang chuyên gia tạo hình hoa nghệ thuật, tạo hình rau củ quả, tráp lễ. Hiện anh có hai tiệm hoa riêng mang tên Tò Mò Flowers tại thành phố Bắc Giang và thành phố Hải Dương.

Môt góc tiệm hoa, nơi còn trưng bày những huy chương anh đạt được ở các cuộc thi. Ảnh: NVCC

Không chỉ rèn luyện, phát triển bản thân, anh Đạt còn tham gia đào tạo học viên theo nghề này. Sau nhiều năm chăm chỉ học tập và không ngừng phấn đấu, anh đã có hàng trăm học viên khắp cả nước và nhiều học viên người nước ngoài như Malaysia, Hàn Quốc.

Anh cũng dẫn dắt học viên của mình đoạt giải thưởng tại các cuộc thi danh tiếng. Bản thân anh cũng tự thêm vào danh sách có sản phẩm được ghi nhận ở nhiều sự kiện ẩm thực, hoa, rồng phượng lớn ở trong và ngoài nước như thiết kế rồng phượng tại Đại lễ Phật Đản thế giới tổ chức ở Hà Nam năm 2019; thiết kế xác lập kỷ lục đôi rồng bằng cam Cao phong - Hòa Bình lớn nhất Việt Nam tại Đền Hùng - Phú Thọ; tham gia thiết kế rồng phượng Đại lễ Phật Đản tại Malaysia.

Anh Quang Đạt (thứ hai từ bên trái) hướng dẫn 3 học viên đoạt Huy chương vàng tại Thailand International Culinary Cup 2022. Ảnh: NVCC

Chuyên gia tạo hình củ quả và hoa Quang Đạt đúc kết “Để học được nghề cắt tỉa giỏi thì trước tiên bạn cần có sự khéo tay. Nếu bạn có sự kiên trì thêm một chút sáng tạo và biết vẽ nữa thì là lợi thế rất lớn để theo nghề. Nếu muốn phát triển xa thì cần học các kỹ năng cầm dao và kỹ năng cắt tỉa cơ bản thật chắc thì khi chuyển sang học tỉa hoa văn, các loại thú kỹ thuật cao sẽ dễ dàng hơn, trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng hội họa để có những mô hình đẹp về cả bố cục, màu sắc, kỹ thuật”.

Một trong những tác phẩm ấn tượng của chuyên gia cắt tỉa củ quả và tạo hình hoa nghệ thuật Quang Đạt. Ảnh: NVCC

Với anh, việc tham gia nhiều cuộc thi không chỉ là khẳng định tay nghề, phát triển bản thân mà còn là cách anh dành cho bố mẹ món quà tinh thần. Dự định sắp tới anh sẽ chinh phục thêm nhiều giải đấu quốc tế khác, đặc biệt là tại Đại hội ẩm thực lớn nhất thế giới Olympics tại Đức vào năm 2024. Xa hơn nữa, anh mong ước có thể mở một triển lãm cắt tỉa củ quả quy mô cá nhân - điều ở Việt Nam chưa có tiền lệ.

Yến Nhi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đầu bếp Phạm Thị Thiên Hương: Ở bếp bánh mỗi ngày...

0
(SGTT) - Năm 12 tuổi, chị Phạm Thị Thiên Hương đã tự tay làm ra chiếc bánh ngọt đầu tiên. Cứ thế, hành trình...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Bếp trưởng Đinh Công Sơn: ‘Nụ cười thực khách là động...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, ẩm thực Bình Dương nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người bởi các món như gỏi...

Giảng viên ẩm thực Thái Hoàng Minh Lê: ‘Học nấu ăn...

0
(SGTT) - Cô Thái Hoàng Minh Lê, cựu giảng viên của Trung tâm Dạy nghề quận 6 bén duyên với ẩm thực bằng công...

Gặp gỡ đầu bếp Nhật 34 năm kinh nghiệm, từng chế...

0
(SGTT) - Từng có 34 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ẩm thực và đầu bếp, ông Kazuhiro Matsuishi, Bếp trưởng Nhà hàng Sokichi,...

Kết nối