Tống Quang Anh -
Ở Baku (Azerbaijan) tồn tại một loại di tích cổ xưa có tên gọi caravanserai đã trải qua hàng ngàn năm mà không nhiều quốc gia trên thế giới có được và đặc biệt mang dấu ấn còn sót lại của Con đường tơ lụa huyền thoại.
Theo các tài liệu, Con đường tơ lụa bắt đầu từ Trung Hoa (châu Á) đi đến châu Âu, dài khoảng 6.500 cây số. Nó xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, thời Hán Vũ đế. Vào thời đó, phương tiện chuyên chở chủ yếu là lạc đà – thường dùng để thồ hàng do đường đi phải băng qua nhiều khu vực rừng núi, sa mạc hiểm trở.
Cũng vì cách thức di chuyển này mà các đoàn thương nhân lạc đà hay đoàn lạc đà được gọi là “caravan” và điểm dừng chân của các đoàn thương nhân này gọi là caravanserai, ghép từ chữ caravan - đoàn lạc đà và “serai” - tòa nhà lưu trú (có quy mô lớn, nhiều công năng, dạng như khách sạn ngày nay). Vì đoàn lạc đà không thể đi nhanh, mỗi ngày chỉ đi được khoảng bốn mươi cây số, thành thử để đi suốt con đường tơ lụa dài hơn sáu ngàn cây số này sẽ phải có rất nhiều trạm dừng chân, nhiều không thể kể xiết được. Khi Con đường tơ lụa không còn được sử dụng nữa, thì các trạm dừng chân nói trên cũng bị biến đổi mục đích sử dụng, hoặc bị hư hại trở thành các phế tích.
Ngày nay, các caravanserai chính là những dấu ấn còn lại, minh chứng cho sự tồn tại của con đường tơ lụa ngày xưa. Tùy vào điều kiện của từng địa phương mà các caravanserai sẽ có quy mô khác nhau. Phần nhiều, chúng vừa giống như những nhà trọ dành cho đoàn thương buôn, nhưng lại vừa giống các pháo đài, bảo vệ khách và hàng hóa khỏi những toán trộm cướp. Trong caravanserai, ngoài các phòng ngủ và tiện nghi sinh hoạt, phục vụ ăn uống dành cho các đoàn thương khách lưu trú, còn có nơi nhốt và chăn nuôi lạc đà, có kho hàng để hành khách ký gởi hàng hóa và hành lý. Hơn thế nữa, caravanserai cũng có thể thêm công năng là nơi trao đổi hàng hóa, giống một cái chợ.
Ngay bên trong thành cổ Baku có đến ba cái caravanserai là Multani Caravanserai, Bukhara Caravanserai và Gasim-bek Caravanserai, tất cả hầu như còn nguyên vẹn. Điều này cho ta những suy nghĩ, phải chăng nơi đây ngày xưa từng sản xuất nhiều mặt hàng nào đó hấp dẫn các đoàn thương gia ghé mua bán, trao đổi? Hay nơi đây còn có thể là đầu mối giao thương giữa hai châu lục Á và Âu? Và có thể, trên đất nước này còn ẩn giấu những kho tàng cất giữ hàng hóa và di sản văn hóa thời xa xưa, như người ta đã tìm thấy ở Đôn Hoàng, Trung Quốc?
Ngày nay, các caravanserai ở Baku và ở những nơi khác trên đất nước Azerbaijan tuy có được phục chế chút ít, tùy theo cơ sở và quy mô ban đầu để làm nhà hàng, khách sạn, viện bảo tàng… nhưng đều được giữ lại đầy đủ nét cổ xưa để du khách đến tham quan, tìm hiểu. Tôi từng tham quan một caravanserai ở thành phố Sheki, cách Baku 325 km, được phục chế thành khách sạn cao cấp. Tại đó, người ta vẫn giữ cánh cổng bằng gỗ dày với các đai sắt kiên cố nhưng tình trạng hạ tầng đã có nhiều phần xuống cấp, xập xệ, có lẽ trải qua hơn ngàn năm…
Tham quan các caravanserai và những di tích cổ xưa còn lưu giữ ở Azerbaijan, tôi trộm nghĩ, đây là một quốc gia có truyền thống về thương mại. Bên cạnh đó, quốc gia này vẫn bảo tồn được một kho tàng di sản khổng lồ mang giá trị lịch sử cao đến tận ngày nay, quả là có sức sống rất mãnh liệt.