Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Canh bóng thả, món xưa của người Hà Nội

(SGTT) – Dù trong những năm gần đây, cuộc sống đã đổi thay nhờ công nghệ phát triển. Nhịp sống mỗi nhà cũng tùy vào thói quen, nền nếp sinh hoạt mà có sự thay đổi. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến xuân về, các gia đình lại làm những mâm cỗ truyền thống mà ở đó, dường như nét xưa được lưu giữ, nếp nhà hiện lên đong đầy.

Ngày trước, ở thời bao cấp, do kinh tế khó khăn, người ta chỉ mong ăn đủ no, mặc đủ ấm. Kinh tế đi lên, nhu cầu của con người cũng cao dần, sự ăn cái mặc cũng có nhiều cái mới. Ăn phải ngon-bổ-hiếm, mặc phải đẹp-chất-lạ.

Theo trào lưu, mâm cỗ Tết của người Hà Nội cũng xuất hiện thêm nhiều món ăn, nhiều loại thực phẩm mới. Ngành dịch vụ cũng đã phát triển rất nhanh để đáp ứng nhu cầu của những người dân thành thị vốn rất bận bịu.

Tân tiến, phát triển nhưng rất nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ nếp sống truyền thống. Mặc cho nhịp sống phát triển, mâm cỗ ngày Tết cũng như những nếp sinh hoạt bao năm qua vẫn được duy trì. Thay vì có thể mua mọi thứ bán sẵn ngoài chợ, họ chọn cách tự tay mình chế biến vì đồ ngoài hàng bán sẵn dù rất ngon nhưng vẫn không thể có vị “chuẩn cơm mẹ nấu”.

Một mâm cỗ dịp Tết ở miền Bắc. Ảnh: Thông Nguyễn

Tôi sống chung cùng gia đình chồng nên việc đón Tết gần như vẫn theo nếp cũ. Vẫn tíu tít gói bánh chưng ngày 28 Tết, vẫn lên Nhật Tân mua đào, quất về bày,… Tết Nguyên đán là khởi đầu cho một năm mới, mâm cỗ ngày Tết được chuẩn bị thịnh soạn để dâng cúng ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm tràn đầy sức khoẻ, học hành tấn tới, làm ăn phát tài phát lộc.

Văn hóa ẩm thực của người Hà Nội luôn chuộng về hình thức nên mâm cỗ Tết được chuẩn bị khá công phu, bắt mắt với đĩa xôi gấc đỏ tươi, đĩa thịt gà luộc hanh vàng rắc lá chanh, đĩa xào thập cẩm, giò xào, bánh chưng, nem rán, hành muối,…. Món canh thì có canh măng khô ninh chân giò, canh bóng thả được trang trí hành, rau thơm lên trên.

Ba chồng tôi bao năm qua, từ khi còn bận công tác cho đến bây giờ khi đã nghỉ  hưu, ông vẫn giữ thói quen làm hai món chủ đạo của mâm cỗ Tết. Đó là bánh chưng và giò xào. Nhiều người cho là sao phải cầu kỳ, mất công để gói bánh và giò làm gì khi mà ngoài chợ đâu có thiếu. Nhưng với ông thì những chiếc bánh chưng, những chiếc giò xào là tình cảm ông dành cho con cháu. Đây cũng là cách ông muốn thể hiện là ông vẫn còn mạnh khỏe, vẫn đỡ đần được con cháu việc nhà.

Trong mâm cỗ Tết của người miền Bắc thường có một số món canh như canh miến, canh măng và canh bóng thả. Nhưng với tôi thì món canh đặc biệt không thể thiếu của mâm cỗ Tết là canh bóng thả. Để nấu món này đòi hỏi người nấu khá kỳ công, cần sự tỉ mỉ, cẩn thận trong từng bước nấu.

Để đảm bảo có được bát canh đúng vị, nguyên liệu cần tươi ngon. Nguyên liệu quan trọng nhất chính là món bóng. Nhiều người trẻ hiện nay có thể không biết món bóng được làm từ gì. Bóng được làm từ da heo (bì lợn). Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi thường tự làm bóng bằng cách phơi miếng bì cho khô rồi đem đến lò nướng thuê nướng. Nhưng việc này khá tốn thời gian nên tôi chọn cách mua bóng bì ở ngoài chợ. Miếng bóng ngon có màu vàng nhạt, dày và nở đều. Bóng mỏng và ít nở khi nấu thì miếng bóng sẽ không ngấm được vị ngọt của nước dùng. Trước khi nấu, bạn phải dùng nước vo gạo ngâm bóng cho mềm, sau đó tẩy bóng với rượu trắng và gừng giã nhỏ để tẩy mùi.

Món canh bóng thả. Ảnh: Trâm Anh

Canh bóng có thể nấu với nước luộc gà hay nước xương heo. Sau đó, thêm một chút tôm khô để tăng vị ngọt của nước dùng. Các loại rau với đủ màu sắc để trang trí cho bát canh trở nên bắt mắt. Súp lơ xanh, su hào trắng, cà rốt đỏ, đậu Hà Lan xanh, giò bao nấm là những thứ cần có. Bóng và các loại củ, quả cắt tỉa hoa được trần qua nước dùng đã nêm gia vị vừa đủ rồi thả vào nồi nước dùng đã được đun sôi cùng tôm khô, giò nấm. Một lưu ý khi chế biến món này là tránh để  các loại thực phẩm trong nồi nước dùng nóng lâu sẽ làm chúng bị chín quá.

Các món ăn có mặt trong mâm cỗ đều rất bổ dưỡng. Theo quan niệm dân gian, vào dịp Tết, thực đơn hàng ngày có nhiều rượu thịt hơn ngày thường nên ăn bánh chưng rất tốt. Gạo nếp và đậu xanh giúp bạn no lâu, giúp giải rượu hiệu  quả. Chất thịt có trong bánh cũng giúp rượu trôi nhanh, khiến bạn ít bị say. Ăn bánh chưng cùng hành muối không chỉ giúp bạn đỡ ngấy mà hành muối tốt cho tiêu hóa, chống cảm lạnh. Đó là lý do tại sao dù ẩm thực ngày càng phát triển nhưng  nếu  trong mâm cỗ Tết không có bánh chưng, không có dưa hành, canh măng, canh bóng,… thì chúng ta khó lòng cảm nhận được là Tết đã đến, xuân đã về.

Tâm Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Nhiều người quan tâm



Cùng chủ đề