Ngày 24-6-2023, cảng Quốc tế Long An chính thức hợp long 7 cầu cảng và khai trương dịch vụ khai thác hàng container. Đây là dấu mốc quan trọng, hướng đến mục tiêu trở thành cảng biển được quốc tế công nhận tại châu Á.
- Đề xuất bổ sung 9 sân bay mới vào quy hoạch cảng hàng không
- Ứng dụng đăng kiểm có thêm chức năng tìm lịch ưu tiên cho xe hết hạn đăng kiểm
Cụm dự án cảng quốc tế Long An với quy hoạch 1.935 hecta tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; Khu công nghiệp 396 hecta; Khu Dịch vụ – Công nghiệp 239 hecta, Khu Đô thị 1.145 hecta và đặc biệt nhất là cảng biển 147 hecta.
Đây là một khu liên hợp dịch vụ cảng biển, cùng các công trình phụ trợ, mang lại giá trị vượt trội cho toàn khu, góp phần hình thành quần thể thành phố cảng biển năng động, hiện đại trong tương lai.
Theo đó, tổng chiều dài từ cầu cảng số 1 đến cầu cảng số 7 là 1.670m. Trong giai đoạn phát triển tiếp theo, cảng quốc tế Long An thực hiện các thủ tục mở rộng quy mô 10 cầu cảng, trong đó có 1 cầu cảng chuyên khai thác hàng lỏng/khí hóa lỏng, 3 bến phao neo đậu tàu, một trung tâm đón tàu du lịch cỡ lớn, đón khách du lịch trong nước và quốc tế. Khi hoàn thành, cảng có chiều dài liên tục bờ cảng lớn nhất Việt Nam, 2.368m và tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 100.000 DWT.
Cảng quốc tế Long An đang tích cực phát triển năng lực khai thác container. Trong giai đoạn này, cảng đầu tư 6 thiết bị cẩu STS, 18 cẩu RTG được sản xuất, lắp ráp 100% tại Nhật Bản, từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới Mitsui E&S Machinery – đơn vị với hàng trăm năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp nặng. Ngoài ra, cảng quốc tế Long An sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư, không ngừng nâng cấp các thiết bị khai thác, hướng đến mục tiêu công suất khai thác 1.000.000 TEU.
Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Dongtam Group (chủ đầu tư), khẳng định “Cụm dự án đem lại những nguồn lợi cho ĐBSCL từ thu hút đầu tư, tối ưu chi phí logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trong khu vực, góp phần tạo lập các đô thị mới, nâng cao đời sống người dân, giữ chân người lao động tại địa phương và nhiều ý nghĩa về mặt xã hội”.
Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Long An, chia sẻ “Trong chiến lược phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của tỉnh với khu vực lân cận, nhằm tối ưu chi phí logistic cho các doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung, thì định hướng phát triển cảng quốc tế Long An trở thành cảng biển tổng hợp, đa dạng dịch vụ khai thác là hoàn toàn phù hợp. Sự ra đời của cảng quốc tế Long An đã góp phần giải quyết bài toán logistic và là một trong những động lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL”.
Cảng xây dựng mục tiêu cung cấp đầy đủ nhất dịch vụ cảng biển và logistic hiện đại, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi và các dịch vụ gia tăng, không ngừng đầu tư mở rộng, đáp ứng yêu cầu khai thác an toàn, hiệu quả đối với đa dạng chủng loại hàng hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Trong giai đoạn vừa thi công, vừa khai thác, cảng tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT. Hàng hóa thông qua cảng đạt lần lượt của năm 2021, 2022 là 2 triệu và 2,2 triệu tấn. Dịp này, cảng chính thức khai trương dịch vụ khai thác hàng container bên cạnh các mặt hàng truyền thống như nông thủy sản, phân bón, sắt thép, thiết bị máy móc, các mặt hàng siêu trường, siêu trọng.
Bên cạnh những dịch vụ hiện có như khai thác hàng rời, hàng tổng hợp, giao nhận hàng hóa trong nước và quốc tế, cho thuê kho bãi và dịch vụ môi giới hải quan, cảng quốc tế Long An sẽ sớm cung cấp thêm các dịch vụ gia tăng như khai thác container lạnh, vệ sinh và sửa chữa container nhằm hoàn thiện mô hình dịch vụ cảng và logistic trọn gói.
Dongtam Group hoạt động chính trong các lĩnh vực: Sản xuất – Kinh doanh Vật liệu xây dựng, trang trí Nội – Ngoại thất; Bất động sản, Khu Công nghiệp; Giáo dục; Đầu tư và khai thác Cảng biển; Dịch vụ Logistics cùng nhiều lĩnh vực tiềm năng khác. Trong đó, cảng quốc tế Long An là dự án trọng điểm trong kế hoạch phát triển nhằm hoàn thiện hệ sinh thái của tập đoàn đa ngành, năng động, hiện đại.
Đăng Huy