Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Cái bánh thứ ba

Y Nguyên –  

Năm ấy tôi học lớp 4, cùng tuổi, nhưng do “gien” to xác nên trông tôi lớn tồng ngồng, cao vượt hẳn các bạn cùng lớp. Phải tội, to con thì có to, nhưng tôi chúa… nhát. Cái nhút nhát trời sinh ấy khiến tay chân tôi cực kỳ thiếu tự tin, rớ đến chuyện gì cũng vụng về, lóng ngóng.

Ở trường, xét chuyện học hành chữ nghĩa tôi cũng tàm tạm, không thua kém bạn bè, nhưng hễ đụng sang các tiết mục sinh hoạt cộng đồng hay rèn luyện thân thể là tôi luôn về nhất… đằng đuôi. Thà tôi thấp bé, ốm yếu đã đành, đằng này, ác hại chưa, cái thân hình nhồng nhỗng cao to lại vô tình biến tôi thành “kỳ quan” (kiểu kỳ quan vừa to vừa… dở) cho bạn bè cùng lớp ghẹo trêu.

rusty-bicycle

Hết lớp 3, cả lớp đứa nào cũng biết đi xe đạp, chỉ còn sót mỗi mình tôi, sáng chiều vẫn lủi thủi đến trường bằng cách cuốc bộ. Công bình, không phải tôi ăn bơ làm biếng. Nhà có xe đạp, tôi cũng đã hì hục thử tập đi xe, nhưng kết quả chẳng đâu vào đâu. Một phần do tôi quá nhát, phần khác do tôi mặc cảm, không dám dắt xe ra đường, sợ bạn cùng xóm chọc ghẹo. Mà chúng chọc thật, trước đây chúng gọi tôi là “Ông-mô-tô-bước”, giờ chúng lại chuyển sang đặt cho tôi cái “hỗn danh” là “Ông-mô-tô… dắt”! Ấy là chúng ghẹo chuyện tôi cứ dắt xe đi mãi mà không cách nào ngồi được lên yên. Riết rồi tôi hết dám dắt xe ló mặt ra đường, chỉ còn biết chèo chống chiếc xe lòng vòng trong sân. Cái sân bé tẹo, mới chèo vài cái đã phải quẹo cua. Khổ nỗi, thân tôi lái thẳng còn chưa trôi thì quẹo cua cái nỗi gì.

Ngày ngày, chứng kiến lũ bạn dắt xe í ới rủ nhau đi học, đi chơi, nhìn cảnh chúng thi nhau đạp xe bon bon trên đường mà tôi buồn muốn khóc. Nhớ chuyện ngày nhỏ đi xe đạp ba bánh, tôi cứ lẩn thẩn ước: giá mà xe đạp người lớn cũng có… ba bánh thì hay! Chỉ dám ước thầm thôi chứ tôi thừa biết: đám bạn trời đánh mà biết cái mong ước ấy, cầm chắc tôi sẽ bị chọc quê đến mức phải… chui xuống đất!

Đắn đo mãi, cuối cùng tôi mới dám đem cái nỗi niềm “khó nói” kia chia sẻ với cha. Những tưởng cha sẽ bật cười nhưng không, nghe xong mặt cha hoàn toàn nghiêm túc. Cha nhăn trán nghĩ ngợi hồi lâu rồi phán: được, cha sẽ cho con tập xe… ba bánh! Tôi đứng ngẩn nhìn cha, bán tín bán nghi. Không; hình như cha tôi không đùa.

Hôm sau, cha bỏ ngủ trưa, cùng tôi dắt xe ra đường. Giờ này, lũ bạn quỷ sứ hay trêu tôi đa số còn đang bị “quản thúc” trên giường. “Chịu nắng chút nhưng con khỏi lo bị chúng ghẹo”, cha nói có lý quá. Có điều, chiếc xe đạp mà cha dắt theo vẫn là xe… hai bánh, làm gì có bánh thứ ba? Nghe tôi thắc mắc, cha cười: yên tâm, rồi sẽ có thôi. Giảng giải vài đường lý thuyết lái xe cơ bản xong, cha vịn xe bảo: con lên yên đi. Ơ, nhưng con sợ… ngã! Đừng sợ, có cha rồi. Cha sẽ làm… cái bánh thứ ba! Hai tay cha ghì chắc yên sau, mắt nhìn tôi khuyến khích.

Cha nói không sai. Có cha vịn đằng sau, chiếc xe hai bánh vụt trở nên vững vàng, không khác gì mọc thêm bánh nữa. Tôi bắt đầu đạp chầm chậm, mắt nhìn tới trước, đánh tay lái để giữ thăng bằng như cha dặn. Cũng không khó mấy! Chạy một chặp, đến lúc tay chân bắt đầu thuần hơn, tôi ngon trớn đạp mỗi lúc một nhanh. Ban đầu, còn nghe tiếng cha vừa chạy sau vừa hổn hển động viên. Đến một lúc, bất ngờ tôi chợt nhận ra: hình như không còn nghe cha nói. Chắc do cha mệt, tôi nghĩ bụng. Nhưng sao không nghe cả tiếng chân và chiếc xe lại cứ lắc lư. Sinh nghi, tôi liếc nhìn lại. Trời ạ, sau lưng tôi không có ai hết.

Hoảng hồn, tôi quýnh quáng lạc tay lái, đâm… ào xuống ruộng. May mà không thương tích gì. Nhưng áo quần tôi ướt nhẹp, bê bết bùn đất từ đầu tới chân. Từ xa, cha cuống cuồng chạy tới: có sao không con? Tôi lóp ngóp bò lên, đáp lời cha bằng một… nụ cười toe! Cha ngơ ngác nhìn tôi rồi chợt hiểu, cũng phá lên cười. Hai cha con vừa cười vừa phụ lôi chiếc xe lấm lem lên khỏi ruộng. Lượt về, đương nhiên không cần đến cái bánh thứ ba – dù còn loạng quạng đôi chút – tôi đã có thể tự mình lên yên, đạp xe về tận cổng nhà.

Có điều lạ, sau cái vụ nhờ đâm xuống ruộng mà biết lái xe, dường như tôi thấy tự tin hơn. Ở trường, kết quả các bộ môn rèn luyện thân thể, sinh hoạt cộng đồng của tôi bắt đầu được cải thiện. Ăn quen, có gì nan giải, tôi lại đi tìm cha “cầu cứu”. Nói vậy, chứ trong đa số trường hợp, tôi đã có đủ bản lĩnh tự mình giải quyết khó khăn. Và, cũng chẳng biết tự lúc nào, những cái “hỗn danh” bạn bè từng đặt để trêu ghẹo tôi một thời dần rơi vào quên lãng.

Sau này, có lần vui chuyện, cha mới “thú nhận” cùng tôi: chê con thôi chớ ngày xưa cha còn tệ hơn, mãi đến lúc lên… trung học mới biết đi xe đạp. Cha ơi, sao cha “dở” dữ? Cha ra chiều nghĩ ngợi: À, chắc là do hồi ấy cha toàn tập xe… hai bánh, không có “cái bánh thứ ba”.

Hiểu rồi. Nghe bà nội kể: ông tôi mất sớm, cha tôi mồ côi từ lúc mới lọt lòng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Anh đào cuối mùa khoe sắc tại thành phố Kanazawa, Nhật...

0
(SGTT) – Những ngày giữa tháng 4, thành phố Kanazawa – thủ phủ của tỉnh Ishikawa, Nhật Bản đang bước vào những ngày cuối...

Những điều nên làm để giữ sức khỏe mùa nắng nóng

0
Trong thời gian tới, nắng nóng có khả năng tiếp tục xuất hiện nhiều đợt và gay gắt hơn trung bình nhiều năm qua....

Thổi bùng vị giác với nồi lẩu gà chanh ớt trưa...

0
(SGTT) – Thịt gà là thực phẩm quen thuộc với nhiều người bởi giá hợp lý, chế biến được nhiều món. Hôm nay, loại...

Đến Hòa Bình khám phá hồ Sam Tạng

0
(SGTT) – Cách thị trấn Mai Châu khoảng 15km, hồ Sam Tạng là điểm check-in chưa được nhiều du khách biết đến khi ghé...

Bữa sáng Sài Gòn: Ghé quán cháo lòng gia truyền 80...

0
(SGTT) - Nổi tiếng với món cháo lòng gia truyền hơn 80 năm, quán bà Út nằm ngay trung tâm quận 1 là điểm...

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Kết nối